Hủy
Doanh Nghiệp

Vì sao Digiworld cũng bán thuốc?

Ngọc Thủy Thứ Sáu | 05/05/2017 08:00

Tương tự như trong phân phối mặt hàng công nghệ, DGW sẽ tham gia phân phối sản phẩm chăm sóc sức khỏe theo hướng cung cấp dịch vụ phát triển thị trường.
 

Sau tuyên bố của ông chủ Thế Giới Di Động (Mobile World - MWG) về khả năng thử nghiệm chuỗi bán thuốc trong tương lai không xa, mới đây, Công ty Thế Giới Số (Digiworld - DGW) cũng xác nhận sẽ tham gia vào phân phối sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Cơ hội trong thị trường 13 tỉ USD

Nếu như MWG chỉ mới tiết lộ sơ lược về cách thức dự định sẽ tham gia vào kinh doanh dược phẩm và chưa hé lộ gì về đối tác mà MWG sẽ bắt tay, thì Digiworld đã có sự chuẩn bị và lộ trình cụ thể hơn. Theo ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Digiworld, đầu tháng 6, Công ty sẽ phân phối ra thị trường sản phẩm dược đầu tiên. Tương tự như trong phân phối mặt hàng công nghệ, DGW sẽ tham gia phân phối sản phẩm chăm sóc sức khỏe theo hướng cung cấp dịch vụ phát triển thị trường, trên cả 5 mảng dịch vụ (nghiên cứu thị trường, marketing, bán hàng, kho vận, hậu mãi). DGW chỉ bắt tay với các đối tác có sản phẩm tốt, có kênh phân phối, yếu thương hiệu, đang cần trợ lực để quảng bá.

Thách thức cho DGW là không thể tận dụng 6.000 điểm bán sẵn có, mà phải thiết lập mạng lưới riêng cho mảng phân phối dược phẩm. Ngoài ra, dù không tham gia trong mảng phân phối thuốc ở bệnh viện nhưng DGW cũng phải thiết lập quan hệ với các cơ quan chức năng ngành y tế, với đội ngũ y bác sĩ, những người giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Đây hoàn toàn là những lĩnh vực mới mẻ của DGW. Ước tính, Công ty sẽ chi ra khoảng 40 tỉ đồng vào việc đầu tư xây dựng đội ngũ, điểm bán, cải thiện kho bãi.

Vi sao Digiworld cung ban thuoc?
 

Theo xác nhận của ông Việt, đầu tư này là đầu tư một lần, cho khai thác lâu dài. DGW chấp nhận tốn kém chi phí ban đầu cao. Nhưng DGW có nền tảng về kinh nghiệm tổ chức, quản lý kênh và ứng dụng công nghệ để mạnh dạn tiến sâu hơn vào ngành chăm sóc sức khỏe. DGW cũng có nhân lực giỏi về bán hàng và marketing như ông Trần Bảo Minh. Ngoài ra, đây là ngành có tăng trưởng quy mô ngày càng lớn. Theo số liệu từ BMI, Frost Sullivan và World Bank, năm 2015, tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam là 13 tỉ USD. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 24 tỉ USD.

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, năm 2000 Việt Nam chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng, thì đến năm 2015, con số này là 6.800. Trong đó, các sản phẩm thảo dược và truyền thống chiếm đến 70%. Chính sức hấp dẫn này đã thu hút gần 4.000 công ty tham gia kinh doanh thực phẩm chức năng. Nhưng như ông Đoàn Hồng Việt đánh giá, ngành hàng chăm sóc sức khỏe có độ phân mảnh cao, với nhiều sản phẩm tốt nhưng chưa biết cách marketing, tiếp thị ra thị trường. Nhiều đơn vị sản xuất cũng không đủ nguồn lực để xây dựng hệ thống phân phối riêng. Đây là cơ hội cho DGW và nhiều đơn vị dấn bước vào mảng phân phối sản phẩm sức khỏe. Trước mắt, mục tiêu của DGW ngay trong năm 2017 là sẽ đạt 80 tỉ đồng doanh thu từ ngành hàng mới này.

Đường tắt M&A

DGW đã bước khỏi vùng an toàn khi mở rộng thêm các ngành nghề mới, từ triển khai dịch vụ điện toán đám mây đến phân phối sản phẩm sức khỏe. Lần này, ở mảng phân phối sản phẩm sức khỏe, giới đầu tư ít nhiều lo ngại. Bởi lẽ, ngay các công ty dược phẩm tiếng tăm như  Traphaco, Dược  Hậu Giang, OPC… đã phải trải qua nhiều thay đổi và mất hàng chục năm mới xây dựng được mạng lưới hàng chục ngàn điểm bán khắp cả nước. Trong khi đó, DGW, một công ty trước nay chưa từng dấn bước vào ngành dược, lại đặt ra mục tiêu đạt đến 20.000 điểm bán chỉ trong 3 năm (2017-2019). Đây là lý do ông Đoàn Hồng Việt cho biết, trước mắt, trong quá trình tạo dựng nguồn lực, DGW sẽ tham gia mảng này một cách thận trọng, theo hướng cuốn chiếu. Cứ xong một sản phẩm, đạt được thành công, Công ty mới tiếp tục phát triển sản phẩm khác.

DGW cũng dự kiến sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), hợp tác để rút ngắn chặng đường gia nhập ngành phân phối sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đây cũng là cách mà MWG dự tính sẽ đi. MWG ưu tiên M&A những đơn vị có 10-15 cửa hàng thuốc. Đến thời điểm chín muồi và gặp thuận lợi, MWG sẽ đưa chuỗi bán lẻ thuốc từ 10-15 cửa hàng lên thành 500-800 cửa hàng. Nhiều khả năng MWG sẽ bắt tay với chuỗi hệ thống phân phối dược, kiểu như Phano, Pharmacity... Các chuỗi nhà thuốc này thừa kinh nghiệm trong tìm kiếm nguồn hàng cũng như tổ chức quản lý bán hàng. Nhưng họ lại gặp khó khăn trong phát triển địa điểm. MWG có thể nhường cho đối tác một phần địa điểm để đối tác đặt nhà thuốc ngay trong 1.327 siêu thị bán lẻ của MWG, tính đến cuối tháng 2.2017.

Vi sao Digiworld cung ban thuoc?

Cách thức của MWG có vẻ sẽ khác biệt với DGW cũng như với các công ty dược. Theo đại diện của OPC, Công ty đã thiết lập được mạng lưới bán lẻ riêng, với hơn 20.000 nhà thuốc. Trong khi đó, Traphaco đã đưa hàng vào 24.000 nhà thuốc, tức đã hiện diện tại hơn một nửa tổng số nhà thuốc ở Việt Nam (44.000 nhà thuốc). Bà Đào Thúy Hà, Trưởng phòng Marketing của Traphaco, cho biết, với hệ thống này, doanh thu bán lẻ của Traphaco đã chiếm tới 90%.

Trong tương lai, theo chia sẻ của bà Đào Thúy Hà, Traphaco sẽ còn hợp tác với nhiều đối tác, đến từ cả trong nước lẫn nước ngoài để khai thác triệt để kênh phân phối của mình. Từ hệ thống bán lẻ đã thiết lập, Traphaco đã đầu tư thêm nhà máy mới, nhằm gia tăng sản xuất cả đông dược lẫn tân dược gấp 3 lần hiện tại. Traphaco, OPC… đều không có ý định nhường hoạt động phân phối cho đối tác khác. Nếu có chăng, như đại diện OPC cho biết, hợp tác sẽ xem xét trên phương diện khách hàng, đại lý. Nhưng với những công ty quy mô nhỏ hơn thì giải pháp phổ biến là cần đến nhà phân phối. Những công ty dược lớn thường không nhận phân phối sản phẩm cạnh tranh trực tiếp. Đây chính là nhóm thị trường mà những công ty như DGW khai thác.

Ngọc Thủy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới