Hủy
Doanh Nghiệp

Việt Nam trong tương lai của chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu

Hoàng Kim Thứ Hai | 04/11/2024 13:00

Ông Rafael Diem, Giám đốc ngành Vật liệu công nghệ cao khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Bühler, giới thiệu các công nghệ hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất xe điện tại GEFE 2024.

 
 
Xu thế xe điện toàn cầu tạo cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các nhà cung ứng công nghệ như Tập đoàn Bühler.

Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), có gần 14 triệu chiếc xe điện chạy pin được bán ra trong năm 2023, tăng 35% so với năm 2022 và nâng tổng số xe điện được lưu thông trên toàn cầu lên 40 triệu chiếc, bất chấp những bất ổn kinh tế, chính trị toàn cầu và sự ảm đạm của thị trường ô tô nói chung.

IEA dự báo, doanh số xe điện sẽ chiếm 50% lượng xe hơi bán ra vào năm 2035, dựa trên cơ sở về thị hiếu của người tiêu dùng cũng như nỗ lực của chính phủ các nước trong việc ban hành chính sách khuyến khích chuyển đổi sang dòng phương tiện xanh.

Tiềm năng thị trường xe điện là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất xe điện, với sự tham gia của những tay chơi mới đầy tiềm năng từ BYD – hãng xe Trung Quốc chiếm 20% thị phần xe điện toàn cầu, Tesla – công ty ô tô có mức vốn hóa cao nhất thế giới, cho đến VinFast – hãng xe đầu tiên sản xuất tại Việt Nam.

Ngay cả những ông lớn ngành ô tô truyền thống cũng đang có sự chuyển hướng. Hãng ô tô hạng sang đến từ Đức Audi vào cuối năm 2022 đã đưa ra tuyên bố sẽ ngừng sản xuất các dòng xe chạy xăng, chỉ sản xuất xe điện kể từ năm 2029.

Trong khi đó, hãng xe đến từ Hàn Quốc Hyundai cam kết chi gần 42 tỷ USD để đầu tư sản xuất ô tô điện, nhằm mục tiêu nâng sản lượng ô tô điện do hãng này sản xuất lên hơn 1,5 triệu chiếc mỗi năm và lọt vào top 3 nhà sản xuất xe điện toàn cầu vào năm 2030.

Nhu cầu mới, cơ hội mới

Sự vào cuộc tích cực của các tập đoàn ô tô lớn đã giúp từng bước cải thiện công nghệ, giảm giá thành sản xuất, đưa xe điện dần trở thành loại phương tiện phổ thông, phục vụ nhu cầu của đa dạng phân khúc người tiêu dùng.

Mặt khác, điều này cũng tạo ra thách thức đối với các nhà cung ứng, nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM). Một chuyên gia ngành công nghiệp ô tô cho biết, ô tô điện có ít linh kiện hơn so với xe ô tô động cơ đốt trong, tuy nhiên việc sản xuất ô tô điện có một số điểm khác biệt, bắt buộc các OEM phải thay đổi chiến lược.

Trọng lượng của ô tô điện thường lớn hơn đáng kể so với xe chạy xăng do đi kèm một hộp pin kích cỡ lớn. Do đó các nhà sản xuất cần tính toán tăng khả năng chịu tải của lốp xe và giảm trọng lượng những chi tiết khác mà vẫn đảm bảo độ bền chắc, đặc biệt là khung sườn.

Bên cạnh đó, những thiết bị như pin, hệ thống sạc điện, bộ chuyển đổi nguồn áp, điều khiển điện tử công suất… không thể thiếu đối với một chiếc ô tô điện, không phải là sản phẩm các nhà cung ứng ô tô truyền thống có thể đáp ứng.

Điểm đặc biệt của ngành công nghiệp ô tô điện là những ông lớn có tuổi đời lên đến cả trăm năm chưa chắc đã có lợi thế so với những doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Điều tương tự cũng có thể lặp lại đối với ngành cung ứng linh kiện, thiết bị cho xe ô tô điện.

Theo nhóm chuyên gia của EV Quotient, những OEM truyền thống đã đầu tư quá nhiều vào việc sản xuất thiết bị cho ô tô động cơ đốt trong, rất khó để có thể chuyển hướng sang cung ứng cho ô tô điện, đặc biệt trong bối cảnh xe xăng vẫn chiếm phần lớn thị phần và vẫn đem lại lợi nhuận cho các nhà cung ứng.

Từ đó, khoảng trống mở ra cho các “tay chơi mới” để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch xanh của ngành giao thông vận tải.

Việt Nam trong tương lai sản xuất xe điện

Ngành công nghiệp sản xuất xe điện tại Việt Nam đang manh nha hình thành nhờ vào sự xuất hiện của VinFast, nhà sản xuất xe hơi thuộc Tập đoàn Vingroup. Chính thức tuyên bố “khai tử” xe xăng vào đầu năm 2022, VinFast liên tục cho ra mắt nhiều mẫu ô tô điện với đa dạng phân khúc, đồng thời phát triển hệ thống trạm sạc công cộng để thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh VinFast, một số hãng xe như Audi, Mercedes Benz, BYD… cũng đang phân phối ô tô điện tại thị trường Việt Nam nhưng xe của các hãng này được nhập khẩu nguyên chiếc hoặc mới chỉ được lắp ráp tại Việt Nam.

Một số chi tiết xe ô tô được đúc bằng máy Carat của Bühler. Ảnh: Bühler.
Một số chi tiết xe ô tô được đúc bằng máy Carat của Bühler. Ảnh: Bühler.

So với bức tranh sản xuất xe điện, ngành cung ứng linh kiện, thiết bị cho xe điện có phần nhộn nhịp. Theo bà Đinh Nguyễn Uyên Nhung, Giám đốc kinh doanh Bühler Việt Nam, nhiều khách hàng của tập đoàn Bühler tại Việt Nam là các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức..., đang sản xuất thiết bị, linh kiện để cung cấp cho các hãng sản xuất xe điện trên toàn thế giới.

Các giải pháp của Bühler phục vụ hiệu quả cho việc sản xuất, cung ứng linh kiện xe điện. Chẳng hạn như giải pháp đúc nhôm bằng khuôn áp lực cao giúp sản xuất một số chi tiết trên ô tô bằng nhôm thay vì thép. Giải pháp này thực sự có ý nghĩa cho xe điện bởi giúp giảm thiểu đáng kể trọng lượng xe.

“Một gầm xe được đúc bằng nhôm nặng khoảng 54kg, trong khi cái tương tự đúc bằng thép có thể nặng tới 368kg”, ông Rafael Diem, Giám đốc ngành Vật liệu công nghệ cao khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Bühler, cho biết.

Hoặc giải pháp nghiền ướt do Bühler cung cấp có khả năng nghiền giảm kích thước các hạt từ khoảng 100 micrometer xuống kích thước nanometer, với công suất và mức năng lượng tiêu hao chỉ bằng chưa đến 50% so với công nghệ thông thường. Giải pháp này đặc biệt có ý nghĩa để sản xuất pin lithium-ion có hiệu suất cao cũng như sản xuất sơn chuyên dụng dùng cho ngoại thất xe.

Bên cạnh đó, giải pháp phủ chân không màng mỏng được ứng dụng trong sản xuất bán dẫn và cảm biến cũng là công nghệ sẽ được Bühler cung cấp tại Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông Rafael Diem, đây là công nghệ cốt lõi trong việc phát triển xe tự hành, tương lai tiếp theo của ô tô điện.

Những giải pháp của Bühler có thể hỗ trợ hiệu quả cho các OEM ô tô điện, bao gồm cả những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Theo Giám đốc kinh doanh Bühler Việt Nam, Bühler đồng hành với khách hàng từ giai đoạn thiết kế dây chuyền sản xuất, cung cấp thiết bị, máy móc, giải pháp và hướng dẫn lắp đặt.

Đội ngũ kĩ sư và chuyên gia công nghệ của Bühler luôn sát cánh với khách hàng để vận hành thiết bị cho đến khi ra được sản phẩm đúng với ý tưởng ban đầu của khách hàng - chính là các chi tiết được đặt bởi các hãng sản xuất xe điện. Không dừng ở đó, Buhler còn tiếp tục hỗ trợ khách hàng trong suốt vòng đời của thiết bị.

“Như vậy, không chỉ doanh nghiệp FDI mà ngay cả doanh nghiệp Việt Nam, với những công nghệ và sự hỗ trợ kĩ thuật của những tập đoàn hàng đầu như tập đoàn Bühler, cũng hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu”, bà Nhung khẳng định.

“Hoạt động của tập đoàn rộng khắp tại hơn 140 quốc gia, chúng tôi có năng lực chuyên môn cao và đội ngũ chuyên nghiệp, có thể mời các chuyên gia, kỹ sư từ nước khác về để hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam”, ông Rafael Diem bổ sung thêm.

Đặc biệt, song song với việc cung ứng giải pháp, tập đoàn Bühler cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, bao gồm kỹ sư thiết kế, kỹ sư công nghệ, kỹ sư tự động hóa, kỹ sư quản lý dự án. Những nhân lực được Bühler đào tạo, xây dựng sẽ là phần bổ sung nguồn lực quan trọng vào bức tranh phát triển chuỗi cung ứng ô tô điện tại Việt Nam.

Công ty TNHH Buhler Asia Việt Nam
Website: www.buhlergroup.com
Điện thoại: 0981 131 727


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới