Hủy
Doanh Nghiệp

Vietnam Airlines trên đường băng mới

Dũng Nguyễn Thứ Hai | 19/06/2017 12:57

Nếu nói các hãng hàng không tư nhân đã có những thay đổi đáng kể nhằm chia lại bầu trời, thì Vietnam Airlines trong thời gian qua cũng không chậm chân.
 

Sau câu chuyện của Air Asia, thêm một nhà đầu tư nữa muốn tham gia thị trường hàng không Việt, đó là toan tính của Tập đoàn FLC với thương hiệu hàng không Tre Việt. Ngành hàng không cũng chưa giảm độ nóng với câu chuyện SkyViet dự kiến sẽ giải thể trong thời gian tới, sau thời gian chờ cấp phép bay.

Trong nhiều năm qua, thị phần của Vietnam Airlines (VNA) đã bị san sẻ đi ít nhiều. Dù vậy, hãng hàng không quốc gia đã có những bước tiến dài thay đổi đáng kể từ cấu trúc quản trị cho đến chiến lược kinh doanh để tiếp nối câu chuyện hàng không. Những thay đổi này tạo bước chạy đà để Vietnam Airlines cất cánh, nhưng cất cánh như thế nào sẽ phụ thuộc vào bước đi chiến lược kế tiếp trong Đại hội cổ đông thường niên năm nay, Diễn ra dưới “áp lực bầu trời”, VNA không chỉ vượt qua đối thủ cạnh tranh, mà còn là chính mình.

Áp lực bầu trời

Nhìn vào bức tranh toàn cục, thị trường hàng không đang có những bước tăng trưởng ấn tượng, minh chứng rõ rệt nhất qua kết quả kinh doanh của VNA hay Vietjet Air. Năm ngoái, mức tăng trưởng của VNA đạt 25,7%, trong đó thị trường quốc tế tăng 17%, thị trường nội địa tăng 33%. Theo đại diện VNA, hai yếu tố quan trọng giúp ghi nhận lợi nhuận cao là vì tỉ giá ổn định và giá nguyên liệu đầu vào thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tuy kết quả kinh doanh tốt, nhưng những động thái cạnh tranh mới là áp lực nặng nề lên các người chơi hiện hữu. Năm ngoái, VNA cảnh báo hiện tượng có thể diễn ra trong thời gian tới khi doanh thu có thể tăng lên, nhưng doanh thu số ghế bình quân lại giảm. Năm 2016, tính riêng thị trường nội địa, tổng tải cung ứng (ASK) tăng 32% so với 2015, trong khi sức mua chỉ tăng khoảng 14%, hệ quả doanh thu trung bình của tất cả các hãng sụt giảm khoảng 12%, báo cáo của VNA cho biết. Dự kiến ASK năm nay tiếp tục tăng 17%, nhưng tổng sức mua thị trường chỉ tăng khoảng 9,5%.

Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, VNA cũng tỏ ra khá e dè khi doanh thu tăng đáng kể nhưng lợi nhuận lại thấp hơn năm ngoái. Sự lo ngại không chỉ đến từ bầu trời với các hãng hàng không giá rẻ tăng cường khai thác nội địa và quốc tế, mà còn xuất phát từ giới hạn của hạ tầng. Theo VNA, năm ngoái hãng này đã chịu thiệt hại 188 tỉ đồng từ sự quá tải ở Tân Sơn nhất, do tăng giờ bay thực tế hơn kế hoạch gần 1.392 giờ. Năm nay, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất dự kiến được đưa vào sửa chữa cuối năm 2017, giới hạn khai thác có thể bị giảm chỉ còn khoảng 70% so với hiện tại.

Bước ngoặt mới ở kỳ đại hội thứ 3

VNA bước vào kì đại hội thứ 3 dưới áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ khi các hãng hàng không giá rẻ ngày càng mở rộng hoạt dộng trên cả các duờng bay quốc tế và nội địa. Tuy mất thị phần đáng kể trong thời gian qua, nhưng hãng hàng không 4 sao này cũng đã giải quyết được khá nhiều bài toán đặt ra kể từ phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2015, đó là tìm được cổ đông chiến lược, cải thiện lại các con số tài chính, niêm yết cổ phiếu trên sàn và thực hiện chiến lược kinh doanh trực diện, rõ ràng.

Một điểm đáng chú ý đối với một tập đoàn nhà nước là sự cải thiện của những con số tài chính ở VNA. Tỉ trọng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm từ mức 5,2 lần (năm 2015) về còn 3,94 lần (năm 2016) và dự kiến tiếp tục giảm trong năm nay. Trong khi đó, kết quả kinh doanh thuận lợi năm ngoái cũng giúp tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VNA cải thiện, đạt mức 15,21%, trong khi kế hoạch đặt ra từ đầu năm chỉ là 7,93%.

VNA cũng đã hoàn thành gần xong quá trình tái cấu trúc được đặt ra cách đây 2 năm, bằng cách thoái vốn khỏi các công ty ngoài ngành và tái cấu trúc mô hình hoạt động. Tính đến cuối năm 2016, VNA sở hữu 21 doanh nghiệp trong chuỗi với tổng vốn 6.438,3 tỉ đồng. Việc sở hữu các công ty con tốt (chẳng hạn 2 công ty niêm yết như Công ty Suất ăn Hàng không Nội Bài hay Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài) và thoái vốn ở những công ty ngoài ngành đã giúp VNA thu về số tiền cổ tức đáng kể, lên đến hơn 863 tỉ đồng, đóng góp đáng kể vào khoản lợi nhuận trước thuế hơn 2.601 tỉ đồng trong năm ngoái.

Từ năm ngoái, mô hình kinh doanh của VNA đã có sự thay đổi để thích nghi với thị trường. VNA tập trung vào phân khúc khách hàng cấp cao, ở đó khách hàng được chăm sóc tận tình, còn Jetstar (VNA sở hữu 80%) tập trung vào phân khúc thấp hơn. Kết quả kinh doanh của cả Jetstar và VNA năm ngoái cho thấy chiến lược hợp tác thương hiệu kép được thực hiện khá thành công.

Đầu tư mô hình “sóng đôi” như trên là điều phổ biến với các thương hiệu hàng không quốc gia ở khắp nơi trên thế giới. Bằng cách này, hãng hàng không có thể trải rộng đối tượng khách hàng tiềm năng, đồng thời giải quyết được sự khác biệt giữa con số doanh thu, tỉ lệ lợi nhuận ở mỗi phân khúc khách hàng. Cũng không thiếu bài học thất bại trên thế giới vì chậm thay đổi nếu chỉ tư duy phục vụ một nhóm đối tượng, kể cả hàng không truyền thống hay hàng không chi phí thấp. Ngay cả bản thân Vietjet Air cũng tiến lên phân khúc khách hàng cao cấp, từ bỏ danh hiệu “máy bay giá rẻ”.

Thực tế, nếu nói các hãng hàng không tư nhân đã có những thay đổi đáng kể nhằm chia lại bầu trời, thì hãng hàng không quốc gia Việt Nam trong thời gian qua cũng không chậm chân. Điều VNA thực hiện khá tốt trong giai đoạn qua chính là sự thay đổi. Sau khi cổ phần hóa, VNA nhấn mạnh nhiều lần về sức mạnh của sự thay đổi. “Phương châm hoạt động của VNA là thay đổi và tăng tốc thay đổi”, đại diện VNA cho biết.

Một trong những thay đổi đáng kể chính là tư duy hiệu quả. Với kế hoạch nâng doanh thu bình quân các đường bay nội địa và quốc tế, VNA mạnh dạn cắt bỏ những đường bay không hiệu quả, như TP.HCM - Moscow, Đà Nẵng - Bangkok, Đà Nẵng - Siem Reap. “Mục tiêu tiết giảm chi phí bình quân trên một đơn vị sản lượng”, đại diện của VNA cho biết ưu tiên hàng đầu. Theo VNA, cơ sở để thực hiện giảm chi phí là nhờ chủ động được nguồn lực, bao hàm việc sở hữu hệ thống các hoạt động trọn khâu dịch vụ và đồng bộ với nhau.

Có thể thấy, chính việc thị phần bị san sẻ lại là động lực quan trọng giúp hãng này thay đổi trong thời gian qua, cho dù thực tế hiện nay, VNA vẫn giữ vị thế số 1 trên thị trường về thị phần. Thị phần có thể thay đổi trong ngắn hạn, nhưng việc tập trung vào hoạt động cốt lõi và tạo sự hiệu quả là những yếu tố không thể thiếu giúp cho một hoạt động kinh doanh trở nên bền vững hơn trong tương lai.

Cổ phiếu HVN đã được niêm yết trên sàn chứng khoán không chỉ tạo tiếng vang cho ngành hàng không mà còn tạo ra sự minh bạch đối với một tập đoàn nhà nước lớn. Sau những thay đổi quan trọng trong quá khứ, bước ngoặt ở kỳ đại hội lần này của VNA là kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2017-2022, sau khi có nhân tố mới là cổ đông chiến lược Nhật Bản ANA Holdings, đang được thị trường kỳ vọng là nhân tố chủ lực cho tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của cổ phiếu hàng không quốc gia.

Dũng Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới