Hủy
Doanh Nghiệp

VinCommerce bắt đầu có lãi, công ty chứng khoán liên tục nâng giá mục tiêu MSN kèm khuyến nghị mua

Hoàng Kim Thứ Tư | 07/07/2021 18:41

Dự kiến cuối năm 2021 sẽ có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp mô hình Kiosk Phúc Long. Ảnh: TL.

Tăng tốc tích hợp tiêu dùng bán lẻ offline-to-online, Masan hướng tới vị thế “Amazon Việt Nam”.
 

Ông lớn hàng tiêu dùng số 1 Việt Nam hợp tác với “ông lớn” ngoại để tăng tốc phát triển nền tảng offline-to-online. Tham vọng và những kế hoạch táo bạo có thể giúp Masan trong tương lai trở thành là Alibaba, Amazon của Việt Nam?

Tỉ USD dồn vào nền tảng mới

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố việc mua lại cổ phần của The CrownX - một công ty thành viên của Masan - từ các cổ đông thiểu số. Theo đó, sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp của Masan tại The CrownX tăng từ 80,2% lên 84,9%. Ban lãnh đạo Masan cho biết giao dịch này đã sử dụng tối ưu lượng tiền mặt của công ty và kỳ vọng vào quỹ đạo lợi nhuận, tăng trưởng của The CrownX.

Động thái này diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Masan hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia, thu về lượng tiền mặt 400 triệu USD trong một giao dịch mà The CrownX được định giá 7,3 tỉ USD.

 

Những kế hoạch táo bạo và khả năng huy động vốn xuất sắc cả trong và ngoài nước cũng như sự bùng nổ của bán lẻ hiện đại ở Việt Nam liệu có thể đưa Masan trở thành những Alibaba, Amazon của Việt Nam trong tương lai. Điều này là có thể, bởi ông Danny Le – CEO của Masan Group đã từng chia sẻ: “Tôi có niềm tin rằng, Masan sẽ trở thành công ty Việt Nam đầu tiên được thế giới công nhận là "kỳ lân ngành tiêu dùng", đó là nhiệm vụ cốt lõi của tập thể cũng như mỗi Người Masan".

VinMart cung ứng hàng hóa đáp ứng tiêu chí tươi ngon thượng hạng. Ảnh: TL.
VinMart cung ứng hàng hóa đáp ứng tiêu chí tươi ngon thượng hạng. Ảnh: TL.

Dưới sự điều hành của Masan, hệ thống bán lẻ số 1 Việt Nam bắt đầu có lợi nhuận. Nhiều công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư đã liên tục nâng giá mục tiêu của MSN cao hơn so với giá trị thị trường, phản ánh niềm tin của các tổ chức tài chính này vào triển vọng tăng giá của Masan.

Năm 2021 được xem là năm đánh dấu bước ngoặt của VinCommerce khi hệ thống bán lẻ số 1 Việt Nam này bắt đầu có lợi nhuận. Ưu tiên hàng đầu của Masan hiện tại là tái mở rộng hệ thống điểm bán để xây dựng chuỗi bán lẻ dẫn đầu về quy mô, đồng thời duy trì đà cải thiện lợi nhuận.

CEO Masan Group ông Danny Le cho biết, đây chính là nền tảng để Masan gia tăng đầu tư nhằm đẩy nhanh chiến lược tích hợp từ offline đến online - O2O (offline-to-online). Cũng theo CEO Masan Group, dựa trên kết quả kinh doanh dự kiến của The CrownX vào năm 2021 và tiềm năng tăng trưởng của nền tảng tích hợp O2O, định giá hiện nay của The CrownX chưa phản ánh chính xác giá trị công ty.

Trước đó, Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đã công bố kế hoạch huy động thêm 300 - 400 triệu USD vốn đầu tư vào The CrownX trong nửa cuối năm 2021.

Masan được biết đến là một doanh nghiệp ngành tiêu dùng – bán lẻ phát triển rất nhanh trong nhiều năm qua và cũng thành công vượt bậc trong việc hút vốn ngoại cũng như đầu tư mua bán sáp nhập (M&A) những thương hiệu hàng đầu trong nước, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong hơn một thập kỷ, Masan đã huy động gần 3 tỉ USD từ thị trường vốn quốc tế và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Gần đây nhất, ngày 24.5 vừa qua, Masan cho biết Công ty TNHH The Sherpa - một công ty thành viên của tập đoàn và trực tiếp nắm cổ phần chi phối tại The CrownX - đã ký kết thỏa thuận chi 15 triệu USD mua lại 20% vốn tại Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage - chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những chuỗi bán lẻ trà và cà phê lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Masan đang tăng tốc mở rộng mô hình kiosk Phúc Long tại chuỗi cửa hàng VinMart+. Mỗi ngày, mô hình này dự kiến đóng góp thêm 5 triệu đồng doanh thu cho mỗi cửa hàng. Theo thỏa thuận, kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VinCommerce, tương đương với 1 triệu đồng/ngày. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021 sẽ có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp mô hình kiosk Phúc Long. Với mức đóng góp doanh thu trên, biên EBITDA của cửa hàng VinMart+ tích hợp kiosk Phúc Long dự kiến sẽ gia tăng 4%.

Hệ thống tiêu dùng-bán lẻ tiềm năng lớn, cổ phiếu Masan có dư địa tăng mạnh

Những động thái gần đây cho thấy, các công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư và đối tác đặt niềm tin rất lớn vào chiến lược offline-to-online của Masan.

Trong một báo cáo mới được công bố, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) vừa đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSN. Theo đó, Yuanta cho rằng trong thời gian tới động lực tăng trưởng của Masan sẽ là VinCommerce (VCM) và Masan MEATLife (MML).

Theo Yuanta, đồ thị giá của MSN đã vượt mức kháng cự 110.000 đồng và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của MSN cũng được nâng từ mức giảm lên tăng và do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.

Trước đó, nhiều công ty chứng khoán đã có những đánh giá tích cực về nhóm cổ phiếu blue-chips trên thị trường, trong đó có MSN.

Đặt hàng online và dịch vụ đi chợ hộ của VinMart tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Ảnh: TL.
Đặt hàng online và dịch vụ đi chợ hộ của VinMart tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Ảnh: TL.

Báo cáo của Mirae Asset công bố ngày 5.7 đã nâng giá mục tiêu của cổ phiếu MSN lên 131.000 đồng. Trước đó, vào tháng 1.2021, công ty này đưa ra mức định giá của MSN là 120.000. Mức định giá mới của Công ty Chứng khoán HSC dành cho cổ phiếu MSN là 134.000 (2.7.2021). Ngày 7.2, ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới - Credit Suisse – đã đưa ra mức định giá mới của cổ phiếu MSN ở mức 137.000 đồng.

Sở dĩ cổ phiếu MSN tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian gần đây không chỉ bởi thị trường chứng khoán chung diễn biến tích cực mà doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dồn dập ghi nhận những thông tin tích cực, những bước đột phá mới: từ đón nhận những nguồn vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư lớn hàng đầu trên thế giới, những thương vụ M&A các thương hiệu hàng đầu trong nước cho tới tầm nhìn và những bước thực thi bàn bản của công ty.

Đối với VinCommerce, ban lãnh đạo đặt mục tiêu VCM sẽ có lãi từ hoạt động kinh doanh trong năm 2021 nhờ giảm bớt các cửa hàng kém hiệu quả và tái cấu trúc chi phí vận hành. Masan muốn tăng mục tiêu tổng biên lợi nhuận thương mại của VinCommerce lên 30% so với mức hơn 20% ở hiện tại nhờ việc thương lượng các điều khoản với nhà cung cấp, chia sẻ doanh thu từ các kiosk Phúc Long và xây dựng danh mục nhãn hàng riêng.

Một động lực tăng trưởng khác của Masan là Masan MEATLife. Với biên EBITDA đã đi ngang ở mức 10,7%, cho thấy MML bắt đầu đạt lợi thế kinh tế về quy mô. Mô hình khép kín 3F còn cho phép MML giữ biên lợi nhuận ổn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Thực tế cho thấy, Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang liên tục thực hiện các bước đi chiến lược để tăng tốc nền tảng Point of Life - phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng từ nhu yếu phẩm (như thực phẩm, đồ uống), đến các dịch vụ tài chính (thanh toán, mở thẻ tín dụng, đầu tư…) thông qua liên kết với đối tác là ngân hàng Techcombank và xa hơn là các nhu cầu khác (như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí…).

Việc hợp tác với các đối tác lớn như Alibaba và Lazada giúp đẩy mạnh phục vụ nhu yếu phẩm trên kênh online. Masan gần đây ra mắt mô hình thí điểm tích hợp dịch vụ tài chính của Techcombank và mô hình kiosk Phúc Long tại VinMart+ ở Hà Nội.

Với hệ thống VinMart và VinMart+, doanh nghiệp của tỉ phú Quang đặt mục tiêu đưa số lượng điểm bán lên mức 3.000 điểm bán vào cuối năm 2021. VCM vừa là hệ thống bán lẻ hiện đại dẫn đầu về quy mô, vừa có lãi.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới