Hủy
Doanh Nghiệp

Vụ tranh chấp SeABank-VVF có thể giải quyết dứt điểm trong tháng 1/2013

Thứ Sáu | 04/01/2013 13:29

Theo ông Hoàng Trọng Đức, Tổng giám đốc VVF, Vina Megastar không được sử dụng khoản tiền 150 tỷ đồng mà đây là hình thức đảo nợ của SeABank.
 

Vụ việc về thanh toán bảo lãnh 150 tỷ đồng giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) và Công ty Tài chính Vinaconex – Viettel (VVF) đã kéo dài hơn 1 tháng qua đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ông Hoàng Trọng Đức
Ông Hoàng Trọng Đức, Tổng giám đốc VVF

Sau khi phía SeABank mới đây cho biết đã có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước về việc này và quan điểm của SeABank là sẽ không thanh toán khoản bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp Vina Megastar cho VVF. Đại diện của VVF là ông Hoàng Trọng Đức, Tổng giám đốc công ty đã có trao đổi với phóng viên CafeF.

Vấn đề thanh toán bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp Vina Megastar đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới tài chính ngân hàng cũng như dư luận. Xin ông cho biết hai bên đã giải quyết vấn đề đến đâu?

Theo quan điểm chủ quan của tôi thì SeAbank chắc chắn sẽ phải thanh toán khoản bảo lãnh 150 tỷ đồng trái phiếu của Vina Megastar cho VVF. Và có thể vụ việc sẽ được giải quyết dứt điểm ngay trong tháng này.

Nhưng phía SeABank gần đây cho biết sẽ giữ nguyên quan điểm không thanh toán cho VVF và nội dung đó cũng được báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước?
Vụ việc bảo lãnh thanh toán này có sự tham gia của 4 bên: Vina Megastar (công ty phát hành trái phiếu), Công ty cổ phần chứng khoán Việt Quốc (VQS-bên tư vấn bảo lãnh), SeAbank (bên bảo lãnh) và VVF (bên mua trái phiếu). Chúng tôi có đầy đủ căn cứ khẳng định đây là vụ việc bảo lãnh thanh toán hoàn toàn có thật. Và khi có thật thì SeABank không thể trốn tránh trách nhiệm.

SeABank nói rằng giữ nguyên quan điểm không thanh toán bảo lãnh cho VVF nhưng không hề có văn bản nào nói như vậy. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu SeABank gửi văn bản nhưng phía ngân hàng không thực hiện. Kể từ khi SeABank phát đi thông cáo báo chí việc từ chối thanh toán bảo lãnh cho VVF, chúng tôi đã có ít nhất 2 cuộc họp với ngân hàng để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm, nhưng phía SeABank không hề ký vào văn bản làm việc.

Về việc báo cáo lên NHNN như SeABank đã nói, chúng tôi cũng có yêu cầu phía ngân hàng cung cấp cho chúng tôi báo cáo đó nhưng cho đến nay SeABank vẫn không có phản hồi nào.

Trường hợp SeABank cứ nhất quyết không thanh toán cho VVF, chúng tôi sẽ tiến hành khởi kiện.

Nhưng SeABank nói có cơ sở để không thanh toán cho VVF, chẳng hạn như hợp đồng không có số, hồ sơ không lưu trong hệ thống, là trách nhiệm cá nhân của bà Nguyễn Thị Hương Giang (phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh Hai Bà Trưng)?

Có 12 chứng thư bảo lãnh, 11 chứng thư kia bà Giang ký với vai trò gì chúng tôi tạm không nhắc tới. Nhưng chứng thư bảo lãnh cho Vina Megastar mà VVF mua trái phiếu, bà Lê Thu Thủy, với tư cách phó chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm quyền Tổng giám đốc đã đứng ra ủy quyền cho bà Giang. Trong giấy ủy quyền, ngay nội dung thứ nhất có nêu rõ “Bên B (bà Giang) thay mặt bên A (bà Thủy) ký chứng thư bảo lãnh cho trái phiếu do Vina Megastar phát hành theo hợp đồng đặt mua trái phiếu số… với giá trị 150 tỷ cho bên thụ hưởng là VVF”. Ở đây rõ ràng, bà Giang ký với vai trò là quyền Tổng giám đốc chứ không phải là phó Tổng giám đốc.

Nếu nói là hợp đồng này không tồn tại trong hệ thống, vậy người ta phải đặt câu hỏi, vì sao bà Thủy quyền Tổng giám đốc lại ký hợp đồng ủy quyền đó? Sau khi ký ủy quyền phải có bộ phận giám sát thực hiện việc ủy quyền này ra sao? Vậy phải chăng bộ phận giám sát đó có vấn đề? Hay họ cố tình làm như vậy? Động cơ, mục đích của bà quyền Tổng giám đốc là gì?

Ngoài ra, trong điều lệ của SeABank có nói rõ, trong trường hợp Tổng giám đốc chưa được chuẩn y của NHNN, thì chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị, trưởng Ban kiểm soát, các thành viên Ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm trước cổ đông về mọi hoạt động của SeABank.

Nếu không thực hiện việc thanh toán thì nghĩa vụ và trách nhiệm của SeAbank với VVF không chỉ mình bà quyền Tổng giám đốc chịu trách nhiệm mà còn cả Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm.

Theo SeABank thẩm quyền của bà Thủy chỉ được ủy quyền ký 30 tỷ đồng, tại sao bà Thủy lại ký giấy ủy quyền 150 tỷ đồng? Nếu chúng tôi kiện ra tòa thì VVF nắm chắc phần thắng. Còn nữa, việc bà Giang bị miễn nhiệm từ tháng 4/2012, bất kỳ tổ chức tín dụng nào, khi cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng thì phải rà soát lại công việc trước đó, trong đó có việc ủy quyền. SeABank không thể không nói là không biết, vậy tại sao không thông báo cho VVF từ khi ấy, mà đến khi chúng tôi yêu cầu thanh toán mới nói?

Chẳng qua, VVF là một tổ chức tín dụng nên chúng tôi phải chấp hành mọi quy định và yêu cầu của NHNN nên chúng tôi muốn giải quyết ôn hòa và theo chỉ đạo của NHNN.
Vậy SeABank đã có dấu hiệu nào cho thấy muốn hợp tác với VVF giải quyết vấn đề này chưa, thưa ông?

Hiện SeABank chưa có thông tin nào. Nhưng từ phía Vina Megastar chúng tôi được biết, bên SeABank đã rà soát lại tài sản của Vina Megastar và trình Hội đồng quản trị xem xét ngay từ cuối tháng 12/2012 về phương án trong tháng 1 sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Trong vụ việc lần này, với tư cách nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, VVF có tìm hiểu kỹ tình hình của Vina Megastar trước khi đổ tiền vào hay không?

Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ dự án Hesco của Vina Megastar. Đó là một dự án tốt, tại thời điểm chúng tôi đầu tư, dự án này có giá bán 14 triệu đồng/m2, có vị trí rất đẹp ở sát với khu vực Văn Quán (Hà Đông), giá trị hợp đồng ký với khách hàng là 90% giá trị căn hộ và người mua đã thanh toán 10%. Số tiền VVF đầu tư trái phiếu là để Vina Megastar xây móng dự án Hesco.

Sau khi nghiên cứu kỹ dự án và có sự bảo lãnh của SeABank, với uy tín của ngân hàng thì chúng tôi hoàn toàn rất yên tâm đầu tư.

Nhưng dựa trên nguồn tin từ Vina Megastar, chúng tôi được biết, tại thời điểm chúng tôi mua trái phiếu của Vina Megastar, SeABank có ký một hợp đồng tài trợ cho Vina Megastar 250 tỷ đồng và Vina Megastar phải thanh toán 150 tỷ đồng đó cho SeABank thì ngân hàng mới giải ngân. Sau khi VVF thanh toán số tiền mua trái phiếu này vào tài khoản của Vina Megastar mở tại SeABank thì ngân hàng đã giữ lại số tiền đó để cấn trừ cho dư nợ cũ và Vina Megastar không thể sử dụng để đầu tư vào dự án.

Khoản tiền 150 tỷ đồng đó, ngân hàng SeAbank cho biết Vina Megastar đã rút ra 16 tờ séc tại ngân hàng, nhưng thực chất chỉ là việc đảo nợ của SeABank. Cụ thể hơn, Vina Megastar có dư nợ tại ngân hàng này và khi khoản tiền VVF chuyển vào thì SeAbank đã giữ lại để cấn trừ nợ. Và điều này là sai mục đích đầu tư của trái phiếu là đầu tư vào dự án Hesco.

Nhưng vấn đề lại vướng ở chỗ, sau khi SeABank cấn trừ 150 tỷ đồng mà VVF thanh toán cho Vina Megastar, thì số tiền 250 tỷ đồng mà ngân hàng đã hứa sẽ tài trợ lại không được giải ngân. Vì thế dự án này mới bị đình trệ.

Sau vụ việc lùm xùm lần này, liệu VVF có tiếp tục đầu tư vào Vina Megastar?

Bản thân Vina Megastar là một doanh nghiệp tốt. Họ không phải là doanh nghiệp sắp phá sản hay làm ăn bết bát, mà là do thị trường bất động sản hiện nay khó khăn, nên vấn đề thanh khoản của họ bị tắc nghẽn.

Ngoài ra, họ đang có quan hệ tín dụng với khoảng 7 tổ chức tín dụng và đều không có vấn đề gì, chỉ là vấn đề ở SeABank. Sau vụ việc lần này, nếu xét thấy các dự án của Vina Megastar tốt, chúng tôi vẫn tiếp tục cân nhắc đầu tư.

Nguồn cafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới