Hủy
Doanh Nghiệp

“Vua” có hồi cung năm 2020?

Viết Nguyên Thứ Ba | 03/12/2019 08:00

Nguồn ảnh: Quý Hoà

Chuẩn Basel II có trở thành động lực cho cổ phiếu ngân hàng?
 

Thời hạn năm 2020 cận kề cũng là lúc các ngân hàng tăng tốc để đạt chuẩn Basel II và bắt buộc lên sàn chứng khoán. Liệu điều này có khiến bức tranh cổ phiếu ngân hàng thay đổi?

Cho đến thời điểm này, mới chỉ 18/31 ngân hàng thương mại cổ phần là niêm yết trên cả 3 sàn chứng khoán. 13 ngân hàng còn lại như SeABank, ABBank, SCB, Nam Á Bank... đang rục rịch chuẩn bị. Dự báo năm sau, sẽ có hàng tỉ cổ phiếu ngân hàng góp mặt trên thị trường.

Đây là thông tin đáng chú ý bởi ngân hàng là ngành có vốn hóa lớn nhất nhì thị trường và luôn đóng vai trò dẫn dắt. Một khi có thêm nhiều gương mặt mới tham gia, vị thế cổ phiếu ngân hàng năm 2020 lại càng quan trọng.

Theo đánh giá của ông Quản Trọng Thành, Trưởng Phòng Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam (MBKE), tương lai cổ phiếu ngân hàng sẽ vẫn tích cực. Trong trung dài hạn, đầu tư cổ phiếu ngân hàng là lựa chọn phù hợp cho những ai yêu thích an toàn.
 

 

MBKE cho rằng, các yếu tố như GDP tăng mạnh, tỉ lệ tín dụng/GDP thấp, tỉ lệ nợ xấu (NPL) của hệ thống ngân hàng đã được VAMC mua lại... đang hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu ngân hàng. Giai đoạn 2019-2020, MBKE đánh giá ngân hàng vẫn là ngành tăng trưởng ổn định, nhờ tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ ở mức 13-14%/năm. Đây là mức tăng trưởng đã giảm tốc so với giai đoạn 2015-2017.

Tuy nhiên, theo quan sát của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng tín dụng 14% là hợp lý, vẫn hỗ trợ GDP và giúp tổng quy mô tín dụng nền kinh tế ngày càng phình to. Đặc biệt, từ trong chính sách siết lại tín dụng, như nâng hệ số rủi ro, giảm tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn bất động sản (từ 45% xuống 40%), các doanh nghiệp buộc phải đa dạng thêm nguồn vốn. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam đồng tình, giảm tăng trưởng tín dụng là điểm tích cực, sẽ góp phần hạn chế bong bóng bất động sản và rủi ro tín dụng cho vay tiêu dùng.

 

 

Dù vậy, các ngân hàng ở Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng tín dụng cao nhờ chính sách cấp hạn mức tăng tín dụng dựa vào sức khỏe tài chính ngân hàng (như đáp ứng tiêu chuẩn Basel II). Điều này lý giải vì sao dù tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 9 tháng đầu năm 2019 chưa tới 10% thì Techcombank, VIB, OCB, TPBank... vẫn đạt trên 20%.

Để có lợi thế cũng như đáp ứng các yêu cầu mới, nhiều ngân hàng chạy đua áp dụng chuẩn Basel II. Vietbank, Ngân hàng Bản Việt, LienVietPostBank, BIDV... đã nộp hồ sơ và hy vọng sớm gia nhập Câu lạc bộ Basel II. BIDV còn gây chú ý do thương vụ phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc) hứa hẹn mang lại nhiều hậu thuẫn.
 

 

Thực tế, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng có khả năng chạm tới Basel II đều trở nên sáng giá hơn. Ngoài ra, nhà đầu tư  quan tâm đến kinh doanh của ngân hàng, nhất là mảng cho vay bán lẻ, gia tăng thu nhập ngoài lãi. Tính cuối tháng 9.2019, hầu hết ngân hàng đã đạt hơn 3/4 mục tiêu kinh doanh đề ra. VDSC tin rằng nhiều ngân hàng sẽ vượt kế hoạch cả năm 2019 và đạt triển vọng tích cực năm 2020.

Sắp tới, theo StoxPlus, các ngân hàng Việt Nam có nhiều cơ hội trong cho vay tiêu dùng cá nhân do tỉ lệ thâm nhập tín dụng hộ gia đình chỉ ở mức 47,9% GDP, thấp hơn so với Thái Lan (78,6%) và Malaysia (82,1%). Đối với cho doanh nghiệp SME vay, triển vọng đến từ số doanh nghiệp đăng ký mới tiếp tục tăng trưởng 16% năm 2018.

Tuy nhiên, để có thể nắm bắt thời cơ, ngân hàng phải xây dựng được đội ngũ, dịch vụ, khả năng phân phối... rộng khắp. Những ngân hàng có mạng lưới và tập khách hàng lớn như Vietcombank (VCB), Ngân hàng Quân Đội (MBB), Techcombank (TCB)... thường lợi thế hơn. Đây cũng là những ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi ngân hàng số, tham gia sâu hơn vào phân phối, bán chéo các sản phẩm như bảo hiểm...

Lợi thế cũng đến với những ngân hàng nào chưa có đối tác bảo hiểm độc quyền như ACB, BIDV. Riêng các ngân hàng mạnh về bancassurance (VPBank, TPBank, VIB) dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ phí hoa hồng bảo hiểm.

Hiện tại, những cổ phiếu có vị thế và chất lượng tài sản tốt, có thu nhập đa dạng và bền vững, có khả năng nắm bắt cơ hội mới từ cho vay bán lẻ và dịch vụ, có khả năng huy động vốn lãi suất thấp, có nguồn tiền gửi không kỳ hạn cao, hạn chế rủi ro nợ xấu... như VCB, MBB, ACB, TCB đều được khuyến nghị đầu tư.

Mới đây, JP Morgan cũng đánh giá tích cực cho cổ phiếu VCB, TCB, ACB.  Ngoài ra, VDSC nhận định, sức hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng là mức định giá vẫn tương đối thấp, với P/B forward 2020 khoảng 1-1,4x và ROE cao (18-20%) . Tuy nhiên, điều lưu ý là hầu hết các cổ phiếu ngân hàng tư nhân niêm yết đã không còn dư địa cho sở hữu nước ngoài. JP Morgan cũng đưa ra các khuyến cáo: Moody’s xem xét hạ xếp hạng tín dụng  17 ngân hàng; tỉ giá ngoại hối có thể làm giảm lợi nhuận trên USD; Việt Nam đang thuộc danh sách bị giám sát về thao túng tiền tệ; thay đổi mạnh thặng dư vãng lai cùng cán cân thanh toán có thể dẫn đến thắt chặt thanh khoản, hạn chế tăng trưởng tín dụng tự thân. Đây đều có thể là các yếu tố gây bất lợi cho cổ phiếu ngân hàng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới