Hủy
Doanh Nghiệp

Wang Chuanfu Linh hồn của BYD

Thứ Hai | 20/07/2009 10:48

 

Việc tỉ phú Warren Buffett đầu tư 230 triệu USD vào công ty BYD cuối năm ngoái đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế đối với công ty sản xuất pin và xe ôtô điện Trung Quốc này.

Nguyên nhân khiến Buffett quan tâm đến công ty Build Your Dreams (BYD) là ông thực sự ấn tượng đối với nhà sáng lập - Chủ tịch BYD Wang Chuanfu, qua lời mô tả về nhân vật này của người bạn lâu năm Charlie Munger, hiện là Phó Chủ tịch tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway. Theo Munger, Wang Chuanfu là “sự kết hợp giữa Thomas Edison (nhà phát minh) và Jack Welch (cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn GE). Wang giống Edison ở khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật và giống Welch ở quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”.

Và dưới sự lãnh đạo của một nhà chiến lược có tầm nhìn như Wang, Buffett tin rằng: “BYD hoàn toàn có thể trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới với thế mạnh là dòng xe điện, cũng như trở thành một đơn vị đi đầu trong ngành pin năng lượng mặt trời đang tăng trưởng nhanh”.

Nhìn xa trông rộng

Wang thành lập BYD vào năm 1995 tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông với số vốn ban đầu là 300.000 USD vay của người thân. Mục đích của ông khi thành lập BYD là sản xuất pin giá rẻ, cạnh tranh với hàng nhập khẩu của Sony và Sanyo. “Pin nhập khẩu từ Nhật Bản quá đắt do phải trả thuế nhập khẩu và thời gian giao hàng cũng kéo dài”, Wang nói. Vốn là một kỹ sư, Wang đã tháo rời pin của Sony và Sanyo để nghiên cứu cấu tạo của chúng. Quá trình nghiên cứu “tốn rất nhiều thời gian và cũng vấp phải không ít thất bại”, Wang cho biết.

Đến năm 2000, BYD đã trở thành nhà sản xuất pin điện thoại di động lớn nhất thế giới, cung cấp pin cho Motorola, Nokia, Sony Ericsson và Samsung. Hiện nay iPod, iPhone và tổ chức phi lợi nhuận One Laptop Per Child đều sử dụng pin của BYD.

Wang chính thức đưa BYD tiến quân vào thị trường ôtô năm 2003 bằng cách mua lại một hãng sản xuất ôtô Trung Quốc bị phá sản và đầu tư cả một đội ngũ kỹ sư 3.000 người nhằm nghiên cứu và phát triển mảng ôtô. “Nhiều người tỏ ra thắc mắc trước quyết định lấn sang lĩnh vực ôtô của tôi. Tôi làm như vậy vì có 2 lý do. Thứ nhất, thị trường Trung Quốc vô cùng rộng lớn. Thứ hai, BYD đang nắm trong tay công nghệ pin tiên tiến của thế giới. Tôi tin rằng, thời đại của nhiên liệu hóa thạch sẽ sớm kết thúc, nhường chỗ cho các dạng năng lượng xanh và sạch”, Wang nói. “Ai cũng đều cho rằng dòng xe chạy bằng điện sẽ trở nên phổ biến vào năm 2030. Nhưng với khả năng của BYD, trong vòng 10 năm, dòng xe điện sẽ có mặt khắp thế giới”, ông khẳng định.

Ông Wang Chuanfu, nhà sáng lập - Chủ tịch BYD.

Tháng 12.2008, ông cho ra mắt chiếc xe lai plug-in (có thể sạc pin bằng cách cắm vào ổ điện ở nhà) đầu tiên của thế giới mang tên F3DM, chủ yếu chạy bằng điện và có trang bị động cơ xăng 1 lít. Wang cho biết, chiếc F6DM (chiếc sedan có kích cỡ như chiếc Toyota Camry) sẽ ra mắt vào cuối năm nay dành cho thị trường Mỹ. Tham vọng của Wang là tăng gấp đôi lượng tiêu thụ xe lai lên 350.000 chiếc trong năm nay.

Châu Âu được Wang xác định là thị trường xuất khẩu triển vọng nhất đối với dòng xe điện của Hãng vì đây là nơi giá năng lượng cao và chính phủ các nước châu Âu lại ủng hộ các dòng xe sử dụng năng lượng sạch, ít tiêu hao nhiên liệu. Năm ngoái, Wang đã ký hợp đồng với Autobinck (Hà Lan) để phân phối xe hơi tại thị trường Hà Lan và 5 nước Đông Âu.

Mô hình kinh doanh “độc nhất vô nhị” của Wang

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất trong chiến lược của Wang. Đó cũng chính là yếu tố chủ yếu làm nên sự thành công của BYD. Daniel Kim, chuyên gia phân tích công nghệ của Merrill Lynch tại Hồng Kông, cho biết: “Khi đến thăm nhà máy của BYD, tôi đã bị sốc. Đó là một mô hình kinh doanh hoàn toàn khác hẳn”. Thay vì đầu tư hệ thống sản xuất tự động như Sony và Sanyo, Wang đã chọn cách tận dụng một trong những nguồn lực lớn nhất của Trung Quốc, đó là nguồn lao động kỹ thuật cao giá rẻ. Điều này đã giúp Wang tiết kiệm đáng kể chi phí so với đầu tư vào hệ thống dây chuyền tự động. Mức lương kỹ sư tại BYD chỉ khoảng 600-700 USD/tháng, trong khi đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tự động phải tốn ít nhất 100.000 USD/dây chuyền, Wang cho biết.

Hiện nay Công ty tuyển dụng khoảng 10.000 kỹ sư, tất cả đều đã trải qua các chương trình đào tạo của Công ty và khoảng 7.000 sinh viên tốt nghiệp đại học đang được đào tạo. Những kỹ sư này đều là những người xuất sắc nhất từ những trường đại học tốt nhất Trung Quốc. Tại BYD, mỗi công việc đều được quy định rõ trách nhiệm nhằm đảm bảo chất lượng và các sản phẩm đều phải trải qua quy trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Đó là lý do tính cho tới nay, Hãng chưa hề rơi vào tình trạng phải thu hồi pin do lỗi kỹ thuật như Sony và Sanyo.

Lực lượng kỹ sư hùng hậu của Wang nghiên cứu mọi công nghệ, từ hệ thống điều hòa không khí chạy bằng pin cho xe hơi cho đến thiết kế đèn sử dụng năng lượng mặt trời. Không giống như hầu hết các hãng sản xuất ôtô khác, BYD sản xuất gần như tất cả các thành phần của xe hơi, không chỉ động cơ và thân xe mà còn cả máy điều hòa không khí, đèn, ghế, dây an toàn, túi khí… “Đây là lợi thế mà các hãng ôtô khác khó có thể sánh được”, Wang nói.

Với lợi thế này, Wang đang đặt ra mục tiêu đưa BYD trở thành hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới vào năm 2025. Wang tin rằng, xe hơi chạy bằng điện sẽ là sản phẩm chủ chốt làm “bệ phóng” cho thành công của BYD.

Nhưng tham vọng của Wang không thuyết phục được nhiều chuyên gia phân tích. Bởi lẽ, vấn đề lớn nhất đối với dòng xe điện là chúng rất đắt đỏ và khoản chi phí lớn nhất trong sản xuất xe điện là pin. Việc sản xuất pin có thời gian sạc nhanh, thời lượng sử dụng lâu, bền và an toàn rất phức tạp và tốn kém. Về vấn đề này, Wang cho biết, BYD đã tạo ra một sự đột phá với công nghệ phosphate sắt lithium-ion. Nhưng nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của công nghệ mới này. Chuyên gia phân tích Chitra Gopal tại Nomura Securities ở Singapore, nhận định: “BYD đang đặt cược vào công nghệ hoàn toàn mới và khả năng sản xuất pin đại trà với chi phí thấp vẫn chưa được chứng minh. Công ty vẫn cần phải thuyết phục người tiêu dùng rằng xe hơi của họ chất lượng, bền và đáng tin cậy”.

Một trong những mục tiêu của Wang là sản xuất ra pin có thể tái chế 100%, một phần bằng cách sử dụng chất lỏng điện phân không độc. BYD cũng đang nghiên cứu một sản phẩm mang tính đột phá gọi là Home Clean Power Solution - tập hợp những tấm pin năng lượng mặt trời để tích trữ điện. “Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng vô tận. Với công nghệ tiên tiến hơn, chúng ta hoàn toàn có thể cắt giảm chi phí”, Wang nói.

(Tổng hợp)

Một trong những điều giúp Wang thành công là nhờ biết cách tận dụng nguồn lao động kỹ thuật cao, giá rẻ của trung quốc.

Công ty BYD

Niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào năm 2002, có mức vốn hóa tính đến đầu tháng 4.2009 là 3,8 tỉ USD, so với 7 tỉ USD của Ford và 1,3 tỉ USD của GM.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm khoảng 45% trong suốt 5 năm qua. Năm 2008, BYD đạt doanh thu 4 tỉ USD với lợi nhuận ròng khoảng 187 triệu USD.

Lực lượng lao động gồm 130.000 người; có 11 nhà máy ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hungary và Romania.

Ông Wang Chuanfu

Sinh năm 1966 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc trong một gia đình nghèo khó.

Năm 1987: Tốt nghiệp cử nhân hóa trường Central South Industrial University of Technology (hiện là trường Central South Industrial University), sau đó lấy bằng thạc sĩ khoa học tại Beijing Non-Ferrous Research Institute (năm 1990).

Năm 1995: Thành lập công ty BYD. Wang đã làm cho nhiều người kinh ngạc khi chia 15% cổ phần của ông trong BYD cho 20 cấp lãnh đạo và các kỹ sư trong Công ty (chỉ một thời gian ngắn sau khi BYD lên sàn).

Tài sản của Wang theo ước tính của tạp chí Forbes là 1,3 tỉ USD.

Khởi nghiệp ở tuổi 29, Wang Chuanfu đã đưa BYD trở thành một công ty tầm cỡ quốc tế trong chưa đầy 15 năm.



Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới