Hủy
Doanh Nghiệp

Y tế Việt Nhật tiếp tục chịu sóng gió

Hoàng Anh Thứ Sáu | 14/09/2018 17:25

Y tế Việt Nhật phản hồi về đơn tố cáo nợ tiền của Công ty CP Triết Tôn Tiên.
 

Lãnh đạo Công ty Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) phản hồi về đơn tố cáo của Công ty CP Thiết bị y tế Triết Tôn Tiên, theo đó các nội dung tố cáo là những việc đã diễn ra từ giai đoạn năm 2012 đến 2015, không liên quan đến Ban lãnh đạo JVC đương nhiệm. Qua rà soát, JVC cho rằng không nợ tiền Triết Tôn Tiên, ngược lại Triết Tôn Tiên còn đang nợ JVC.

Ngày 7/9, Công ty CP Thiết bị Y tế Triết Tôn Tiên cho rằng một số cá nhân giữ chức vụ quản lý trong Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (Mã: JVC) có dấu hiệu sai phạm trong các hợp đồng mua bán của hai công ty từ năm 2012 đến 2015. JVC còn có biểu hiện giả mạo giấy tờ để cho thuê số thiết bị mà Triết Tôn Tiên đã đặt mua.

Sau khi rà soát, JVC đã ra thông cáo chính thức để nhà đầu tư và thị trường cập nhật thông tin, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Theo đó, sau khi rà soát lại hoạt động đã nhận thấy có nhiều khoản chuyển tiền qua lại giữa Thiết bị y tế Việt Nhật và Triết Tôn Tiên. Tuy nhiên, Y tế Việt Nhật cho biết chưa nhận được khoản thanh toán liên quan đến hợp đồng mua thiết bị, thay vào đó Triết Tôn Tiên vẫn còn công nợ chưa thanh toán với Y tế Việt Nhật.

Đối với nội dung tố cáo của Triết Tôn Tiên về tính pháp lý của các thiết bị Y tế Việt Nhật cho thuê với các bệnh viện, phòng khám khác, đại diện đơn vị này cho biết Y tế Việt Nhật có  đủ hồ sơ pháp lý để chứng minh các tài sản này là sở hữu hợp pháp của Công ty và việc sử dụng tài sản này là toàn quyền do Công ty quyết định.

Riêng với đơn tố giác một số cá nhân giữ vai trò quản lý, công ty này cho rằng điều này không đúng thực tế khi các hợp đồng với Triết Tôn Tiên đều do Ban giám đốc cũ của JVC mà người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn Hướng ký kết và thực hiện.

Công ty này cũng cho biết sẽ hợp tác và đề nghị cơ quan an ninh điều tra sớm làm rõ các giao dịch giữa Triết Tôn Tiên và Thiết bị Y tế Việt Nhật để xác định rõ trách nhiệm của Triết Tôn Tiên đối với các khoản nợ tồn đọng còn phải thu.

Cổ phiếu JVC của công ty này trên thị trường chứng khoán đến phiên giao dịch ngày 14/9 chỉ còn 3.040 đồng, giảm gần 8% so với thời điểm trước khi đơn tố cáo được công bố. Vốn hóa của công ty này hiện chỉ đạt hơn 330 tỷ đồng, gần một nửa so với quy mô tổng tài sản cuối quý I/2018.

Dù chưa có kết luận của cơ quan điều tra nhưng việc cung cấp thông tin một chiều, chưa đầy đủ của sự việc đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Các cổ đông đã mất trên 50 tỷ đồng do giá cổ phiếu sụt giảm mạnh.

JVC và Triết Tôn Tiên đã có quan hệ làm ăn từ năm 2012. Cả hai hợp tác đầu tư vào dự án liên kết thiết bị y tế tại hai bệnh viện ở TP.HCM, trong đó số tiền mà JVC thể hiện trên báo cáo tài chính đến thời điểm cuối năm 2017 là 110,8 tỷ đồng.

Từ một cổ phiếu thuộc nhóm bluechip với tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại xấp xỉ 49%, đến nay mỗi cổ phiếu JVC giao dịch trên thị trường chứng khoán chỉ còn hơn 3.000 đồng. Nguyên nhân liên quan đến biến cố lãnh đạo của doanh nghiệp này bị bắt giữ về tội danh lừa dối khách hàng. Đến cuối quý I/2018, tổng tài sản của công ty này còn hơn 600 tỷ đồng với con số lỗ lũy kế vượt mốc 1.000 tỷ đồng. 

Trước đó, ngày 7/9, đại diện Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Triết Tôn Tiên (quận 7, TP.HCM) đã gửi đơn tố giác cho rằng, một số cá nhân giữ chức vụ quản lý trong Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (Mã: JVC) có dấu hiệu sai phạm trong các hợp đồng mua bán của hai công ty từ năm 2012 đến 2015.

Tổng giá trị các hợp đồng khoảng 120 tỷ đồng. Triết Tôn Tiên khẳng định đã chuyển cho Việt Nhật 89 tỷ đồng nhưng chưa nhận đủ hàng đặt mua. Số máy móc, thiết bị đó lại được mang đi cho thuê tại các bệnh viện, phòng khám khác.

Theo đơn tố cáo, Triết Tôn Tiên cho biết, JVC đã bán cho công ty một số máy móc là 2 máy chụp cắt lớp vi tính trị giá hóa đơn hơn 42 tỷ đồng, 1 máy chụp cộng hưởng từ trị giá 15,5 tỷ đồng, 6 máy siêu âm 7000HV 4 chiều trị giá hơn 13 tỷ đồng, 4 máy siêu âm Avius trị giá gần 10 tỷ đồng; trong đó có nhiều máy móc vẫn chưa được JVC giao hàng. Đáng chú ý, tất cả các thương vụ trên đều được ghi nhận thời điểm trước năm 2015 khi ông Lê Văn Hướng còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc JVC.

Đến ngày 9/8, Cơ quan An ninh Bộ Công an đã có văn bản đề nghị JVC cung cấp thông tin, tài liệu và triệu tập 12 cá nhân hiện và đã giữ chức vụ quản lý của công ty đến làm việc.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới