Hủy
Doanh Nhân

5 bí quyết để giữ trí óc minh mẫn trong lúc khởi nghiệp

Ý Nhi Thứ Ba | 11/04/2017 19:25

Với tần suất công việc dồn dập, có rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp bị “xì hơi” trước đủ thứ áp lực.
 

Không có kinh nghiệm quản lý nào có thể giúp bạn trở thành một nhà sáng lập doanh nghiệp. Rajeev Behera, nhà đồng sáng lập và là CEO của công ty phần mềm nhân sự Reflektive, đã chia sẻ như vậy về quá trình khởi nghiệp. Trong 3 năm qua,  Reflektive đã phát triển từ  chỗ chỉ có 1 nhân viên tăng lên thành 100 người, từ 1 khách hàng lên hơn 300, cũng như gọi được 42 triệu USD sau 2 vòng huy động vốn. Mỗi ngày trôi qua đều có vô vàn cơ hội cũng như thách thức mới xuất hiện.

Với tần suất công việc như vậy, Rajeev không lấy làm lạ khi có rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp bị “xì hơi” trước đủ thứ áp lực. Đó là lý do tại sao bạn cần phải có những nguyên tắc cốt lõi về việc giữ bình yên cho tâm hồn mà bạn không bao giờ được phép đi chệch hướng. Đó là yếu tố quan trọng để bảo đảm dự án khởi nghiệp của bạn vận hành suôn sẻ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu gây dựng một công ty.

1. Thuê đúng người     

Là một CEO sáng lập, một trong những công việc quan trọng nhất của bạn chính là xây dựng một đội ngũ vững mạnh, bảo đảm mọi thứ hoạt động tốt hàng ngày. Việc thuê đúng người cho mọi công việc sẽ cho phép bạn tập trung tốt hơn vào việc điều hành công ty.

Việc để mọi người ra đi cũng tương tự như vậy. Bạn phải trao quyền cho những nhà quản lý dưới quyền và để họ đưa ra những quyết định như vậy, để bạn có thể ưu tiên tập trung v2o những nhiệm vụ cấp thiết hơn, chẳng hạn như xem xét và điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình hay đi gặp gỡ khách hàng.

Hãy tuyển dụng những nhà quản lý mà bạn có thể tin cậy, đặc biệt là những người quan tâm đến sự phát triển của nhân viên. Một nhà quản lý giỏi nên phối hợp chặt chẽ với nhân viên để xác định điểm mạnh và điểm yếu của họ, để có thể huấn luyện họ theo đúng khả năng.

2. Mỗi ngày phải lựa ra một công việc ưu tiên để thực hiện

Rajeev cho biết mỗi buổi sáng, ông nhìn vào danh sách công việc và xác định đâu là những rủi ro hay cơ hội kinh doanh lớn nhất vào thời điểm đó, từ đó chọn ra 2 việc để giải quyết.

Ví dụ, ngay bây giờ, Rajeev cho biết nhiều khách hàng trong các bộ phận nhân sự muốn thay thế bài đánh giá hiệu suất hàng năm bằng những phản hồi liên tục, nhưng rõ ràng là ông chưa có đủ nhân lực bán hàng để đáp ứng nhu cầu này. Điều này trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Rajeev vì nó làm tăng nguy cơ rủi ro cho mô hình kinh doanh của ông.

Sau đó, Rajeev đã tập trung vào việc giúp nhóm tuyển dụng của mình tìm kiếm những nhân tài hàng đầu về bán hàng - không chỉ trong lĩnh vực bán sản phẩm công nghệ nói chung, mà còn cụ thể là trong lĩnh vực bán các giải pháp phần mềm nhân sự.

3. Dành thời gian cho gia đình

Vợ của Rajeev cũng là CEO của một dự án khởi nghiệp, và con của họ hãy còn rất nhỏ. Rajeev cho biết nếu như không có thời gian để ở bên nhau mỗi ngày, có lẽ vợ chồng ông đã không thể đi cùng nhau vượt qua những khó khăn đến tận bây giờ. Vợ chồng Rajeev luôn ưu tiên ăn tối cùng nhau trong những ngày không phải công tác xa, bất kể là vì lý do gì.

Tốt nhất là bạn nên cắt giảm bớt thời gian dành cho các sự kiện không cần thiết vào buổi tối, để có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

4. Đi bộ để đầu óc thư thái

Một trong những thách thức khó khăn nhất đối với CEO là thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bất cứ khi nào có nhiều cuộc họp liên tiếp, Rajeev sẽ nhanh chóng đi bộ lòng vòng để điều chỉnh lại đầu óc, nhờ vậy ông có thể tập trung vào bất cứ điều gì mình đang cần phải hoàn thành. Việc tạm thời đi ra khỏi văn phòng, dù chỉ trong vài phút, sẽ cực kỳ hiệu quả trong việc giúp bạn giữ bình tĩnh và sự tập trung.

5. Tự tách mình khỏi công việc 2 lần/năm

Một năm, Rajeev luôn có 2 kỳ nghỉ để đi du lịch cùng với gia đình đến các địa điểm thật xa, nơi ông có thể hoàn toàn tự tách mình ra khỏi thế giới bên ngoài. Đầu năm nay, gia đình ông đã đi đến đảo Madagascar. Kỳ nghỉ này không chỉ là dịp giúp ông có được khoảng thời gian tuyệt vời bên gia đình, mà còn giúp ông trở thành một nhà lãnh đạo và quản lý tốt hơn sau khi trở về. Những lần “ngắt kết nối” như vậy giúp Rajeev chọn lựa ưu tiên tốt hơn khi trở lại, và biết nên tập trung vào tương lai của doanh nghiệp như thế nào. Với đội ngũ quản lý đáng tin cậy trong tay, công ty cũng không hề xảy ra biến cố nào khi ông vắng mặt cả.

Ý Nhi

Nguồn Fortune


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới