Hủy
Doanh Nhân

Chân dung đại gia miền Tây, mắt xích quan trọng trong vụ Hà Văn Thắm

Thứ Năm | 31/08/2017 08:42

Zing/Vietnamnet

 
 
Nữ đại gia Hứa Thị Phấn là "mắt xích" quan trọng trong thương vụ giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm.

Bà Hứa Thị Phấn hay còn được biết đến với cái tên Sáu Phấn, quê ở An Giang. Năm 2001, bà đã tham gia lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Công ty hiện có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

"Trùm" ngân hàng, bất động sản

Khi còn là Chủ tịch tại đây, bà Phấn đã cùng công ty này là cổ đông góp vốn thành lập nên một pháp nhân mới để đầu tư dự án khu căn hộ Regency Park tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM.

Bà cũng từng là Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn SSG (SSG Group) trước khi rút lui khỏi vị trí này vào tháng 10/2016 vì liên quan tới những lùm xùm trong đại án tại Ngân hàng Xây dựng (tên cũ là TrustBank, sau là VNCB, hiện tại là CBBank). SSG Group là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội và TP.HCM như Saigon Pearl, Pearl Plaza, Saigon Airport Plaza, Mỹ Đình Pearl, trường quốc tế Wellspring...

Không chỉ liên quan tới đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), bà trùm Hứa Thị Phấn còn là mắt xích quan trọng trong đại án của Hà Văn Thắm tại OceanBank.

Những phi vụ đình đám

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, khoảng năm 2009-2010, bà Phấn đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ đã chi ra khoảng 2.000 tỷ đồng để thâu tóm 84,92% vốn cổ phần của TrustBank. Sau khi thâu tóm, bà Phấn giữ vai trò cố vấn cấp cao HĐQT kiêm thành viên Hội đồng tín dụng tại nhà băng này.

Với việc nắm giữ 84,92% cổ phần, bà Phấn đã dùng sự ảnh hưởng của mình cấu kết với Chủ tịch và Tổng giám đốc TrustBank khi đó là Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam “rút ruột” nhà băng hàng nghìn tỷ đồng thông qua các phi vụ đầu tư, mua bán bất động sản…

Cụ thể, bà Phấn đã mua các tài sản bất động sản giá thấp rồi bán lại cho TrustBank với giá cao như căn nhà số 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 được bán lại với giá hơn 1.000 tỷ đồng; căn nhà 426 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3; căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch…

Riêng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch được bà Phấn mua rồi bán cho TrustBank hưởng chênh lệch gấp 8 lần giá gốc, với số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, tháng 7/2011, TrustBank đã định giá căn nhà này chỉ hơn 290 tỷ đồng, nhưng đến đầu năm 2012 bà Phấn đã bán lại cho chính TrustBank với giá lên đến 1.260 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, bà trùm Sáu Phấn đã chỉ đạo đầu tư 330 tỷ đồng vào 2 dự án The Star City và Go-Go City tại huyện Nhà Bè, TP.HCM do Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang (công ty con do bà Phấn lập ra) làm chủ đầu tư. Đến nay, 2 dự án này vẫn chưa được triển khai.

Bà Phấn còn chỉ đạo TrustBank tạm ứng tiền công đoàn 135 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Lam Giang của bà. Nhà băng này còn tạm ứng cho Công ty chứng khoán Đại Việt (có vốn góp của nhóm bà Phấn) 200 tỷ đồng. Bà Phấn và Chủ tịch TrustBank khi đó là Hoàng Văn Toàn còn chủ trương mang 700 tỷ đồng đi gửi tại các tổ chức tín dụng khác hiện chưa thu hồi được.

Theo cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng số tiền TrustBank đã mua bất động sản khi đó lên tới 3.600 tỷ đồng, số tiền vi phạm vượt mức luật cho phép hơn 2.100 tỷ đồng.

"Bán" TrustBank với giá hợp đồng chỉ... 4,4 tỷ đồng

Cũng theo kết luận điều tra, tại thời bà trùm có ý định chuyển giao TrustBank lại cho Hà Văn Thắm, các khoản nợ liên quan đến bà Phấn đã lên tới 4.500 tỷ đồng. Trong đó có 3.500 tỷ đồng trong 29 hồ sơ vay mà khách hàng cá nhân đứng tên thay bà Phấn và 1.000 tỷ đồng là khoản ngân hàng đầu tư vào các công ty liên quan đến bà Phấn.

Sau khi "rút ruột" hàng nghìn tỷ đồng, bà trùm này đã chủ trương thoái vốn để thực hiện một cuộc đào thoát khỏi TrustBank đang ngập chìm trong nợ nần và thua lỗ. Đỉnh điểm là việc nhà băng này âm vốn chủ sở hữu hơn 2.854 tỷ đồng và lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng, mất thanh khoản và bị Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Tháng 2/2012, sau khi Hà Văn Thắm khi đó là Chủ tịch OceanBank đặt vấn đề mua lại TrutsBank, bà Hứa Thị Phấn đã cử người đại diện ký hợp đồng bán lại toàn bộ 84,92% vốn cổ phần TrustBank cho Hà Văn Thắm với giá trị chuyển nhượng theo hợp đồng là 4,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Hà Văn Thắm phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay cho nhóm bà Phấn tại TrustBank khoảng 3.553 tỷ đồng và được quyền sở hữu số tài sản bảo đảm từ các khoản vay này và khoản nhà băng này đầu tư khoảng 920 tỷ đồng.

Đồng thời, Hà Văn Thắm còn cam kết hỗ trợ cho Hứa Thị Phấn tiếp tục vay vốn để đầu tư vào dự án bất động sản tại Thủ Đức và Đồng Tháp do bà Phấn làm chủ đầu tư.

Mối quan hệ của 3 đại gia

Tuy nhiên, sau khi cho người vào điều hành TrustBank, nguyên Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm đã nhận thấy tình trạng nghiêm trọng tại nhà băng này và đã "đẩy" TrustBank cho Phạm Công Danh.

Trong đại án xảy ra tại OceanBank, bà trùm Sáu Phấn có liên quan trực tiếp tới khoản vay 500 tỷ đồng của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch VNCB, tại nhà băng này.

Cụ thể, tháng 11/2012, sau khi Hà Văn Thắm đứng ra môi giới giúp Phạm Công Danh mua lại TrustBank từ tay bà Phấn. Ba bên đã bàn bạc và thống nhất việc bà Phấn cho Danh mượn một số tài sản để thế chấp cho khoảng vay 500 tỷ đồng tại ngân hàng OceanBank.

Số tiền này được sử dụng để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại TrustBank, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần TrustBank của nhóm bà Phấn theo như thỏa thuận.

Tuy nhiên, số tài sản này được định giá khống gây thiệt hại cho OceanBank đến thời điểm năm 2014 cả gốc lẫn lãi là hơn 540 tỷ đồng.

Nguồn Zing


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới