Hủy
Doanh Nhân

Không thể trì hoãn

Thứ Hai | 07/01/2013 16:04

Tình trạng khó khăn của nền kinh tế hiện nay buộc Việt Nam không thể trì hoãn những hành động mang tính thực chất.
 

Hiện đang có ba tình huống có phần lạ thường, nghịch lý làm nên sự khác biệt quan trọng của nền kinh tế Việt Nam so với những năm trước.

Trước hết, đó là trạng thái lạm phát hạ nhanh, nhập siêu giảm mạnh trong những tháng đã qua của năm 2012 - những mục tiêu mà trong mấy năm qua nền kinh tế đã nỗ lực hết sức, nhưng không thể đạt được. Tình trạng này đang gây lo ngại sâu sắc không kém tình trạng lạm phát cao và nhập siêu lớn của những năm trước.

Tiếp đó là việc hệ thống ngân hàng thừa thanh khoản, nhưng một bộ phận rất lớn doanh nghiệp vẫn thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng do không thể tiếp cận vốn vay do nợ xấu hoặc khó tiếp cận vốn vay do lãi suất quá cao, thậm chí không muốn vay do không tiêu thụ được sản phẩm. Sự ách tắc này đang đe dọa sự tồn vong của cả doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng - hai lực lượng chủ thể, chủ lực của kinh tế thị trường.

Cuối cùng là nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế đã được Đại hội Đảng XI và Chính phủ ghi nhận là vấn đề chiến lược cấp bách hàng đầu, được nhiều nghiên cứu nhìn nhận là giải pháp căn cơ để thoát khỏi xu hướng khó khăn gay gắt kéo dài đang làm suy kiệt nền kinh tế.

Tuy vậy cho đến nay, sau gần 2 năm, hầu như công cuộc này vẫn chưa được triển khai trên thực tế, trừ một vài công việc có tính khởi động như xây dựng đề án tái cơ cấu ở một vài lĩnh vực. Những hành động tái cơ cấu đang diễn ra phần lớn mang nặng tính tình thế, phản ứng ngắn hạn, chưa bài bản, hệ thống và triệt để, chưa đủ để tạo sự xoay chuyển căn bản trong cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia.

Đặt năm 2012 trong tiến trình liên tục của quá trình phát triển, nghịch lý nêu trên làm nảy sinh câu hỏi: phải chăng tính "có vấn đề" của nền kinh tế đã trầm trọng đến mức không thể khơi thông dòng chảy cho các luồng vốn (dù đang có sẵn chứ không phải là thiếu thốn) lưu thông bình thường, rằng nền kinh tế yếu đến mức không còn đủ sức hấp thụ cả "nhân sâm", không đủ sức thoát khỏi những vấn đề ngắn hạn để thực hiện một cú đột phá, dù chỉ mang tính cục bộ, để tạo sự xoay chuyển tình thế căn bản?

Nếu tình hình đúng là như vậy, có phải nền kinh tế đã lâm vào trạng thái mà một số nhà kinh tế gọi là "tình thế đặc biệt"? Và khi đã lâm vào tình thế đó, để xoay chuyển tình hình, phải chăng cần "liều thuốc đặc trị", chứ không thể dựa vào mấy bài thuốc quen đã dùng mấy năm qua nhưng ít tác dụng?

Cách tiếp cận vấn đề như vậy đòi hỏi phải thay đổi cách "chẩn bệnh" và tìm kiếm giải pháp "chữa bệnh" cho nền kinh tế. Nếu vẫn tiếp tục cách thức đã làm trong mấy năm qua, nghĩa là vẫn tập trung chú ý đến các thành tích ngắn hạn, lo tìm kiếm các giải pháp "ăn ngay", vẫn tiếp tục "quan tâm sâu sắc" đến sự lên xuống chi ly từng phần trăm của các chỉ tiêu vĩ mô mà không dành ưu tiên sống còn cho những quyết sách lớn, cho các giải pháp chiến lược thì chắc chắn trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới còn u ám, khó có thể tạo ra bước ngoặt thực sự để thoát khỏi nguy cơ vòng xoáy, thậm chí khủng hoảng mà nền kinh tế có thể lâm vào.

Tất nhiên, cũng cần nhận xét một cách công bằng rằng, trong năm 2012, bên cạnh những chuyển biến tích cực về "lượng" như tốc độ tăng GDP và giảm lạm phát được cải thiện hàng quý, một số cải cách thể chế mạnh cũng bắt đầu được triển khai.

Tháng 4/2012, Quốc hội đã ra Nghị quyết không cho phép mở thêm khu công nghiệp mới. Đây là nỗ lực nhằm chống lại việc mở rộng tràn lan các khu công nghiệp, vừa lãng phí đất đai vừa làm hư hỏng thể chế, gây bức xúc lớn trong xã hội.

Tiếp theo đó, tháng 7, Chính phủ ra quyết định trong số 15 khu kinh tế ven biển đã được thành lập, sẽ chỉ tập trung ưu tiên cung cấp vốn đầu tư cho 5 khu thay vì dàn trải cho tất cả như trước đây. Hoặc một sự chuyển biến đặc biệt có ý nghĩa chiến lược là việc Chính phủ sẽ chỉ ra quyết định cho phép triển khai dự án một khi chủ dự án chứng minh được năng lực tài chính bảo đảm hoàn thành dự án.

Cách làm trước đây, cấp tràn lan dự án và triển khai theo tinh thần "đến đâu hay đến đấy" đã biến cả nền kinh tế thành một công trường, "việc gì cũng làm, nhưng không làm xong một việc gì", gây lãng phí, thất thoát tài sản ghê gớm và hư hỏng cơ chế, bộ máy.

Nhưng những nỗ lực cải cách nhằm thay đổi chất lượng thể chế như vậy vẫn còn quá ít so với yêu cầu tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đã vậy, những cải cách ít ỏi đó vẫn mang đậm dấu ấn phản ứng tình thế trước áp lực thực tiễn gay gắt, thay vì diễn ra theo một chương trình hành động được thiết kế bài bản, hệ thống và có tầm nhìn.

Bắt bệnh

Nền kinh tế Việt Nam có đặc điểm nổi bật là tăng trưởng lệ thuộc nặng vào vốn đầu tư. Để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6-7%, hàng năm, tốc độ tăng tín dụng phải đạt mức cao chóng mặt: 28-35%.

Các số liệu thống kê dài hạn về đầu tư và tăng trưởng đều xác nhận một điều: nền kinh tế Việt Nam rơi vào "tăng trưởng nóng" trong một thời gian dài. Và đây chính là cội nguồn của khó khăn.

Với một nền kinh tế đang bị "ốm" nặng thể hiện ở việc thu chi ngân sách giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp đóng cửa hoặc giảm công suất tăng cao, dư nợ tín dụng qua 10 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 2% (hoạt động cho vay cũng chỉ mới bắt đầu phục hồi từ tháng 7) cho thấy một xu hướng bất bình thường đang diễn ra: nền kinh tế không thể hấp thụ nổi vốn dù đang rất "khát" vốn.

Một nền kinh tế "nghiện" vốn đầu tư mà bị cắt đứt khỏi dòng vốn - đó thực sự là một tai họa.

Tại thời điểm hiện nay, "bệnh" đã chuyển thành hai "cục máu đông" chết người là nợ xấu và hàng tồn kho - hai yếu tố cản trở mạnh nhất sự lưu thông kinh tế bình thường.

Để thoát khỏi tình thế đó, nền kinh tế phải tập trung tối đa sức mạnh để giải tỏa nhanh "hai cục máu đông". Đây sẽ là một nhiệm vụ không dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế cả trong nước lẫn thế giới vẫn bất ổn và chứa đựng nhiều rủi ro khó lường.

Muốn có giải pháp "căn cơ" để xử lý vấn đề, cần nhìn thấu động cơ của nỗ lực tăng trưởng "nóng", dựa chủ yếu vào vốn đầu tư "dễ" ở một nước nghèo vốn, trình độ thấp và muốn vươn lên thật nhanh để "đuổi kịp" và "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Phải chăng đó là động cơ: "Muốn làm tất cả, để đạt mục tiêu giải quyết thật nhanh nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong thời gian rất ngắn".

Tuy nhiên, quy luật kinh tế là hết sức khắc nghiệt. Muốn làm nhiều, làm nhanh nhưng do vốn ít, các nguồn lực khác đều khan hiếm, nhất là các nguồn lực có chất lượng và đẳng cấp, lại phải rải đầu tư cho vô số dự án nên theo nguyên lý "đánh đổi" của kinh tế học, kết cục tất yếu của cách thức đầu tư theo kiểu "cái gì cũng làm" sẽ là "làm cái gì cũng dở dang, không đúng hạn và chất lượng thấp".

Thực tế phát triển kinh tế của nước ta trong thời gian qua chính là như vậy. Đó cũng là điểm cốt lõi của mô hình tăng trưởng, của cách thức phân bổ nguồn lực căn cứ nhiều vào mong muốn chủ quan, ít dựa vào nguyên tắc thị trường.

Những việc phải làm

Trong "nguy" luôn có "cơ". Khi nền kinh tế lâm vào tình thế ngặt nghèo thì cơ hội cải cách cũng bộc lộ ra. Cải cách chứ không thể tiếp tục cách làm như mấy năm qua - chỉ lo "chữa cháy ngắn hạn", ưu tiên cho các giải pháp hành chính "giật cục", không bài bản và thiếu nhất quán.

Theo lôgic đó, năm 2013, Việt Nam phải thực sự bắt tay vào các biện pháp "căn cơ": đổi mới mô hình tăng trưởng bằng những hành động tái cơ cấu thực sự

Để giải quyết nhiệm vụ đó, phải có cách tiếp cận mới đối với việc phân bổ nguồn lực mà thực chất là: ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ tái cơ cấu đã được xác định, cho ổn định kinh tế vĩ mô, sau đó (còn bao nhiêu) mới dành cho nhiệm vụ tăng trưởng GDP. Tương quan này chính là căn cứ để xác định GDP sẽ tăng bao nhiêu trong năm 2013.

Cách làm này ngược với trình tự xử lý mối quan hệ phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu vĩ mô của những năm trước. Theo đó thường tập trung nguồn lực tài chính quốc gia cho mục tiêu tăng trưởng GDP sau khi đã trừ các khoản chi thường xuyên theo thông lệ, còn các nhiệm vụ khác như ổn định vĩ mô hay tái cơ cấu, dường như được quan niệm là những nhiệm vụ mà việc giải quyết chúng hầu như không cần đến nguồn lực tài chính nào.

Theo cách tiếp cận đó, hệ thống nhiệm vụ kinh tế năm 2013 cần được xác định theo trật tự ưu tiên sau:

(a) Trở lại thực hiện những nhiệm vụ nền tảng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới ở tầm thế mới. Những nhiệm vụ đó là: chuyển đổi cơ cấu sở hữu, chuyển dịch các quyền tài sản và phát triển cơ chế thực hiện sở hữu theo nguyên lý thị trường, khắc phục xu hướng "thả lỏng" nhiệm vụ cải cách thể chế, chỉ lo "đầu tư, tăng trưởng".

Bởi do sự thả lỏng này, các vấn đề đất đai, doanh nghiệp nhà nước hay ngân sách nhà nước lại trở nên ngày càng gay gắt trong mấy năm gần đây, tạo ra những ách tắc kinh tế - chính trị chủ yếu của quá trình phát triển kinh tế, là căn nguyên của tình trạng kém hiệu quả, mất cân đối vĩ mô và bất ổn ngày càng nghiêm trọng.

(b) Tiến hành tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, với ba khâu trọng tâm đã được xác định là: tái cơ cấu đầu tư công, các tập đoàn kinh tế nhà nước và hệ thống các ngân hàng thương mại

(c) Thực hiện một số giải pháp cấp bách - ngắn hạn, bao gồm: Thay đổi tư duy kế hoạch, hiện đang bị trói buộc trong tầm nhìn hàng năm, chuyển sang thực hiện một chương trình hành động 3 năm (2013-2015) - chương trình phục hồi sau khủng hoảng và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.

(d) Khẩn cấp cấp cứu doanh nghiệp, khôi phục sự lưu thông kinh tế bình thường bằng việc chính quyền các cấp ưu tiên ngân sách để trả ngay và trả nhanh cho các doanh nghiệp khoản nợ đọng công trình xây dựng đầu tư công đã lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đây là giải pháp cơ bản để "cấp cứu" doanh nghiệp, đánh tan hai "cục máu đông" lớn nhất hiện nay mà không làm vỡ trận.

Lúc khó khăn, không nên và không thể kỳ vọng vào những phép màu. Việt Nam khó có thể một sớm một chiều thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra như vậy. Nhưng với tất cả những gì đã trải qua, cộng với sự bức bách của tình thế, không có lý do gì để trì hoãn hành động thực tế để vượt qua tình thế. Đó chính là cơ hội của Việt Nam trong năm 2013.

(Theo DoanhnhanSaigon)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới