Hủy
Kiều bào

Cần có tiếng nói phản ánh nguyện vọng của kiều bào

Thứ Năm | 12/05/2016 13:00

Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (tên giao dịch quốc tế ALOV) là một cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với hơn 4,5 triệu kiều bào.
 

Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới và cải cách kinh tế kiều bào ta đã có những đóng góp vật chất, tinh thần và trí tuệ to lớn trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt ở TP.HCM mức đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - giáo dục và khoa học - công nghệ luôn ở vị trí dẫn đầu cả nước.

Đóng góp to lớn của kiều bào

Năm 2014 kiều bào đã chuyển về TP.HCM hơn 5 tỉ USD và năm ngoái con số này vẫn tiếp tục gia tăng, chiếm khoảng 50% tổng số kiều hối cả nước. Mỗi năm có gần 1 triệu lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, gần 100.000 lượt kiều bào tạm trú tại địa phương và tính đến nay có gần 500 kiều bào đã trở về TP.HCM sinh sống.

TP.HCM là địa phương rất coi trọng, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút, phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp phát triển thành phố, đất nước. Cụ thể, TP.HCM đã thực hiện một số chính sách về bố trí, sử dụng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học như: Viện Khoa học Công nghệ và Tính toán, Viện Nghiên cứu Sinh học, Khu Công nghệ cao, với chế độ làm việc bán thời gian và cấp kinh phí hỗ trợ đặc biệt để hoạt động. Hiện nay có hàng trăm chuyên gia, trí thức từ nhiều quốc gia hợp tác làm việc tại TP.HCM. Trong đó có 47 giáo sư và phó giáo sư, 50 tiến sĩ, 11 thạc sĩ (số liệu của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM).

Hiện TP.HCM có hơn 2.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Việt kiều được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn điều lệ hơn 35.000 tỉ đồng; 122 dự án đầu tư nước ngoài có vốn kiều bào với tổng vốn đầu tư trên 260 triệu USD. Có những doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả như Sun Group, Sovico Holding, Mỹ Lan, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Tập đoàn Norfolk... Nhiều Việt kiều cũng là cổ đông lớn của các ngân hàng như Techcombank, VIB, Công ty Eurowindow...

Vai trò cầu nối của Việt kiều trong hợp tác quốc tế cũng được phát huy, góp phần chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển ở các ngành hóa, vi sinh, in ấn, quang dẫn, công nghệ thông tin. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở thành phố do kiều bào trực tiếp hoặc gián tiếp làm cầu nối, dẫn dắt đầu tư về Việt Nam như Tập đoàn Intel (ông Thân Trọng Phúc, Việt kiều Mỹ), Robert Bosch (ông Võ Quang Huệ, Việt kiều Đức), Fujitsu (ông Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật). Riêng tại Khu Công nghệ cao thành phố, hiện có 9 nhà đầu tư là Việt kiều với tổng vốn đầu tư 113,3 triệu USD (tính đến cuối năm 2014).

Cần có những quyết sách mang tính đột phá

Theo các chuyên gia tài chính thì lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm tuy đã hơn 10 tỉ USD/năm nhưng thực tế vẫn quá nhỏ bé so với tổng thu nhập của hơn 4,5 triệu kiều bào ở khắp nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, đóng góp của kiều bào ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ về Việt Nam vẫn còn khá ít. “Để thu hút nhiều hơn nữa nguồn lực tài chính cũng như các đóng góp phi tài chính từ kiều bào, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cần có những quyết sách mạnh hơn. Ví dụ chính sách mở cửa cho kiều bào về mua nhà tại Việt Nam vừa được ban hành là thích hợp nhưng cần có thêm nhiều chính sách khác. Đó là tạo ra các trung tâm nghiên cứu khoa học, thành lập những doanh nghiệp có khả năng tiếp nhận công nghệ và các chuyên gia từ các nước trở về sinh sống và làm việc với chế độ đãi ngộ phù hợp.

Cùng với kiều hối, vốn đầu tư, công nghệ, kỹ thuật cao và kinh nghiệm thâm niên làm việc tại các quốc gia phát triển chính là “nguồn lực mềm” quý giá mà đến nay, những nỗ lực của Chính phủ để thu hút nguồn lực này vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Theo ý kiến của nhiều doanh nhân và chuyên gia khoa học công nghệ về nước làm việc thì guồng máy hành chính tại Việt Nam còn quá cồng kềnh, nếu không nói là rườm rà phức tạp là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.

Muốn thu hút nguồn lực, Việt Nam cần tinh giản bộ máy hành chính gọn nhẹ hơn nữa. Làm thế nào để phát huy tối đa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đến gần với kiều bào hơn tránh tình trạng bị ách tắc tại các địa phương do phải chờ hướng dẫn.

Tiếng nói của kiều bào trong cơ quan lập pháp

Để có những chính sách phù hợp với diễn tiến phát triển của xã hội liên quan tới cộng đồng hơn 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã không ngừng đổi mới và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, các bộ ngành có liên quan khác và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống Mặt trận Tổ quốc trên khắp 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đó thì tiếng nói phản ánh trực tiếp nguyện vọng của kiều bào trong Quốc hội vẫn là một yếu tố quan trọng giúp cho các quyết sách về kiều bào đi sâu, đi sát hơn với thực tế cuộc sống.

Điều đáng được ghi nhận là trong cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 lần này Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (tên giao dịch quốc tế là ALOV) - thành viên của Mặt trận Tổ quốc đã có một đại diện được giới thiệu ra ứng cử tại TP.HCM - Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Đại sứ tại Hàn Quốc và Nhật Bản và hiện là Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - ALOV , Ủy viên Đoàn Chủ tịch và Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về đối ngoại và kiều bào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nhật.

Can co tieng noi phan anh nguyen vong cua kieu bao
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: Sơn Phạm

Thời kỳ công tác trên cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài của Đại sứ Nguyễn Phú Bình cũng là giai đoạn công tác hòa giải và hòa hợp với những người đã rời đất nước trước hoặc sau năm 1975 đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận qua những chuyến về nước lần đầu của cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ, Tướng Đỗ Mậu và rất nhiều doanh nhân, nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa gốc Việt nổi tiếng khác như giáo sư - nhà Vật lý Trần Thanh Vân, các giáo sư Nguyễn Quang Riệu, Trần Văn Thọ, Võ Tá Hân, Ngô Bảo Châu, Vũ Quang Việt, Đặng Lương Mô, Tiến sĩ Lương Bạch Vân, nhạc sĩ Phạm Duy, Đặng Thái Sơn và nghệ sĩ Công huân Liên Bang Nga Nguyễn Lân Tuất...

Nhiều năm nay, ALOV đã triển khai mạng lưới gồm Trung ương Hội và 30 Hội thành viên ở các địa phương, thu hút thân nhân hoặc kiều bào hồi hương, đồng thời với tư cách là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, ALOV phát huy chức năng và nhiệm vụ “phản biện và giám sát”, đã tích cực tham gia góp ý xây dựng hoặc kiến nghị sửa đổi các nội dung liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài trong các luật và bộ luật như: Luật quốc tịch, Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật đầu tư...

Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Hội đã tích cực ủng hộ các cá nhân, tập thể kiều bào trong việc thu thập và quảng bá thông tin cho cộng đồng quốc tế về những cơ sở pháp lý cũng như bằng chứng lịch sử liên quan tới Hoàng Sa, Trường Sa. Điển hình là kỹ sư Trần Thắng (Mỹ) đã sưu tầm được trên 150 bản đồ cổ chứng minh quyền sở hữu đối với 2 quần đảo nêu trên ở Biển Đông của Việt Nam. Với sự hợp tác của ALOV, 5 năm qua nhiều đoàn kiều bào đã ra thăm Trường Sa.

ALOV cũng đã hỗ trợ các cựu lưu học sinh học tại các nước kết nối với nhau, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tìm kiếm việc làm, giúp nhau khởi nghiệp, chủ động đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước. Hoạt động lớn đầu tiên đã diễn ra rất thành công cuối năm 2015, ở Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM, thu hút được hàng chục ngàn thanh niên tham gia cùng nhiều đại diện các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Hiện nay ALOV đang tham gia cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Ngân hàng Thế giới trong khuôn khổ dự án FIRST (Forstering Innovation Through Research, Science and Technology) nhằm xây dựng mạng liên kết trí thức và doanh nhân Việt toàn cầu. Đây là một sáng kiến có ý nghĩa to lớn góp phần nâng cao hiệu quả quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định như TPP, EU, ASEAN...

Ước mong giản dị và thường trực của ALOV là phải hoạt động làm sao để tiềm năng kinh tế và chất xám cùng với tâm huyết xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh của hàng triệu người con đất Việt đang xa tổ quốc được hiện thực hóa

Phạm Gia Minh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới