Hủy
Kinh Doanh

4 nguyên nhân khiến giá vàng mất mốc 1.600 USD/oz

Thứ Sáu | 01/03/2013 13:06

USD phục hồi mạnh, Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu vàng, các quỹ bán tháo vàng... là nguyên nhân chính khiến giá vàng mất mốc 1.600 USD/ounce.
 

Kết thúc giao dịch tháng 2 tại mốc 1.580 USD/ounce, giá vàng quốc tế đã lần thứ hai trong vòng một năm qua xuống dưới mốc 1.600 USD/ounce. So với thời điểm cuối năm 2012, giá vàng đã mất 100 USD/ounce, tương đương 6% giá trị.

Dưới đây là 4 nguyên nhân chính khiến giá vàng thế giới lao dốc mạnh trong thời gian qua:

1. Các quỹ tín thác bán tháo vàng

Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã có chuỗi bán ròng dài nhất trong lịch sử hình thành khi có 8 phiên liên tiếp bán ra với tổng khối lượng là 46 tấn. Từ mức nắm giữ 1.270 tấn, hiện SPDR Gold Trust chỉ còn giữ 1.254,5 tấn, mức thấp nhất trong vòng nửa năm qua.

Chỉ trong 2 tháng, khối lượng vàng bán ra của SPDR đã cán mốc 96 tấn, tương đương với lượng mua ròng trong cả năm 2012. Riêng trong phiên 20/2, khi vàng xuống thấp nhất trong vòng 10 tháng, quỹ này đã bán tới 20,8 tấn vàng.

Ngoài SPDR, các quỹ tín thác khác như COMEX Gold Trust hay ETF Securities cũng bán ròng khối lượng lớn. Lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ tín thác hiện đang ở mức thấp nhất 5 năm, so với lượng nắm giữ kỷ lục đạt được hồi tháng 12, con số này giảm 3,9%.

Việc bán vàng ồ ạt của các quỹ tín thác do ảnh hưởng từ việc Fed có thể thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng QE do những dấu hiệu phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo số liệu việc làm trong tuần cuối cùng của tháng 2 này, lượng thất nghiệp tại Mỹ đã giảm khoảng 6%, cao hơn nhiều so với ước tính 1% trước đó.

2. Đồng USD hồi phục mạnh

Chỉ số USD so với 6 loại tiền tệ chủ chốt khác đã tăng điểm nhanh chóng, đánh dấu thời điểm phục hồi mạnh của đồng tiền này. Kết thúc tháng 2, tỷ giá EUR/USD cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua, đồng nghĩa với việc đồng USD đang mạnh lên tương đối so với đồng EUR. Thay vì nắm giữ những tài sản rủi ro, các nhà đầu tư sẽ quay sang yêu thích đồng bạc xanh, khiến các hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này giảm giá mạnh.

Ngoài vàng, thị trường quốc tế cũng chứng kiến tháng giảm giá mạnh của dầu thô khi nhu đang ở mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. Giá ngũ cốc giảm trong khi nhu cầu về cà phê tăng cao do hạn hán, nguồn cung thiếu hụt.
3. Các quốc gia cứng rắn trong việc xử lý tình trạng bội chi ngân sách

Mặc cho người dân nhiều nước lên tiếng phản đối về những chính sách khắc khổ mà Chính phủ áp dụng nhằm xử lý tình trạng bội chi ngân sách, các biện pháp này vẫn được nhiều quốc gia áp dụng.

Ở Italy, việc áp dụng chính sách này đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế như thất nghiệp tăng tới 37%, GDP có thể giảm 1% trong năm nay. Tuy nhiên, chính sách này lại đảm bảo cho các quốc gia như Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha ở lại Liên Minh Châu Âu, giữ cho khu vực đồng euro ổn định.
4. Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu vàng khiến nhu cầu giảm sút

Hiệp hội Kinh doanh vàng và kim cương Ấn Độ cho biết quốc gia này đang có kế hoạch tăng thuế nhập khẩu lần thứ hai trong năm, trong đó có thuế áp dụng với mặt hàng vàng.

Động thái này nhằm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, hạn chế kinh doanh vàng trang sức và vàng đầu tư trong nền kinh tế Ấn Độ. Là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, việc tăng thuế, giảm nhập khẩu của quốc gia này có thể khiến cầu vàng giảm mạnh, dẫn tới việc giá vàng liên tục đi xuống trong thời gian qua.

Nguồn Infonet


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới