Hủy
Kinh Doanh

ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% trong 2015

Thứ Ba | 24/03/2015 10:24

ADB cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện trong thời gian tới, tuy nhiên tăng trưởng vẫn dưới mức tiềm năng.
 

Sáng nay (24/3), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức buổi họp báo về Tình hình Phát triển Kinh tế châu Á và Việt Nam 2015.

Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam mạnh mẽ trong 2 năm tới với tốc độ tăng trưởng dự báo ở 6,1% và 6,2% trong 2015 và 2016. Tuy nhiên, theo ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia ADB, mức này vẫn dưới tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Lạm phát được ADB dự báo ởm ức 2,5% trong năm 2015 và sẽ tăng tốc lên 4% trong năm 2016 khi cầu trong nước và giá dầu thế giới đều tăng.

Kinh tế cải thiện tại các nền kinh tế công nghiệp lớn, đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sẽ thúc đẩy xuất khẩu, mặc dù theo ADB tác động tích cực này sẽ phải bù đắp cho phần tăng trưởng đang chậm lại tại Trung Quốc.

ADB cho rằng Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ giá dầu thế giới thấp, bởi giá dầu giảm sẽ làm tăng thu nhập sau thuế và giảm chi phí kinh doanh.

Dù tình hình kinh tế Việt Nam cải thiện, một số vấn đề về cấu trúc vẫn cần được giải quyết. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn quá trình củng cố sức mạnh của hệ thống ngân hàng bao gồm những nỗ lực để vạch ra một chiến lược rõ ràng hơn nhằm giải quyết nợ xấu. Tăng trưởng cũng được hỗ trợ bởi việc các quy định pháp luật mới nhằm hướng dẫn giảm số lượng các doanh nghiệp Nhà nước và đẩy nhanh cổ phần hóa. Quy định mới về hợp tác công tư (PPP) sẽ giúp thu hút thêm nhiềm đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng và xã hội.

Tăng trưởng kinh tế đang cải thiện trong dài hạn tuy nhiên sẽ phụ thuộc vào khả năng cải cách cấu trúc sâu hơn nữa, đặc biệt trong hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào mạng lưới sản xuất hướng tới xuất khẩu, trong khi tại Thái Lan và Malaysia là gần 60%. Chỉ hơn 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lạm phát giảm, xếp hạng tín nhiệm tăng, triển vọng xuất khẩu hàng hóa chế tác đầy hứa hẹn là các yếu tố cải thiện triển vọng đầu tư. Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2015 là 13 -15%, cao hơn một chút so với kết quả ước đạt của năm trước. Các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản sẽ được nới lỏng từ tháng 7/2015, điều này sẽ hỗ trợ cho các biện pháp khác của chính phủ nhằm thu hút đầu tư trở lại với thị trường bất động sản.

ADB cho rằng, chính sách tài khóa dự báo sẽ tiếp tục mở rộng do thâm hụt ngân sách được đặt mục tiêu 5% GDP trong năm 2015 và khả năng duy trì ở mức này trong năm 2016. Thâm hụt ngân sách đồng nghĩa về việc nhấn mạnh nhiều hơn vào chi đầu tư, dự báo sẽ tăng gần 20% sau hai năm giảm tuyệt đối. Chi thường xuyên dự báo sẽ tăng hơn 10%, trong đó, chi cho y tế tăng 11% và chi cho giáo dục tăng 5%.

Chính phủ có thể sẽ gặp khó khăn để đạt được chỉ tiêu thu ngân sách, theo ADB. Việc hạ thuế suất thu nhập doanh nghiệp, dỡ bỏ thuế quan và miễn thuế cho các doanh nghiệp ưu tiên đều ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách. Từ năm 2010 đến 2014, tài trợ và thu ngân sách trung ương giảm từ 27,6% GDP xuống khoảng 21,5%. Trong thời kỳ dự báo, giá dầu giảm sẽ tác động bất lợi tới số thu thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự báo triển vọng giả định rằng nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là giảm chi tiêu.

Theo kịch bản đó, nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP. Triển vọng này cho thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh cân đối ngân sách trong trung hạn để tránh làm tăng nợ công lên mức không bền vững hoặc gây tác động xấu đến lòng tin của nhà đầu tư.

Nguồn DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới