Hủy
Kinh Doanh

Bảo hiểm nhân thọ: Ngoại tăng tốc, nội lo

Sơn Nguyễn Thứ Ba | 29/10/2019 10:00

Khách hàng giao dịch ở Văn phòng Tổng Đại lý Prudential. Ảnh: Quý Hòa

Các hãng bảo hiểm nước ngoài đua tăng đầu tư, mở rộng quy mô nhằm nhanh chóng giành ưu thế.
 

165.000 là số lượng ca mắc bệnh ung thư ghi nhận mỗi năm. Số tiền mà người Việt phải bỏ ra để điều trị chỉ tính riêng cho bệnh ung thư hằng năm đã lên đến hàng tỉ USD. Nếu không có kế hoạch tiết kiệm và dự phòng hợp lý, gánh nặng chi phí khi đối mặt với bệnh tật là điều khó lòng tránh khỏi cho các hộ gia đình trong tương lai.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh gia tăng tại Việt Nam mang tới cơ hội lớn cho các hãng bảo hiểm nhân thọ khám phá. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều thương hiệu bảo hiểm nước ngoài mở rộng đầu tư vào Việt Nam và chứng tỏ sức mạnh trước các tên tuổi trong nước như Bảo Việt, Bảo Minh hay PVI.

Điển hình cho sự bành trướng của các đại gia ngoại là mới đây, Generali Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền với Ngân hàng OCB trong thời hạn 15 năm. Aviva, thương hiệu bảo hiểm đến từ Anh, khai trương 12 văn phòng kinh doanh mới trải rộng trên cả nước chỉ trong năm nay. Với mức tăng trưởng doanh thu 56% năm 2018, Việt Nam nằm trong số những thị trường quan trọng nhất của Aviva trong các năm tới.

 

Cùng với chiến lược bành trướng ra toàn quốc, các hãng bảo hiểm nhân thọ đang mở một cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ khốc liệt để cải thiện sức mạnh tài chính, gia tăng các chương trình ưu đãi để lôi kéo khách hàng. Manulife liên tiếp gia tăng vốn điều lệ lên 9.695 tỉ đồng, Hanwha Life Vietnam tăng vốn lên 4.891 tỉ đồng từ 1.891 tỉ đồng hay Generali Vietnam bơm thêm vốn, đưa vốn điều lệ hiện tại lên 4.853 tỉ đồng.
Động thái tăng tốc của các đối thủ ngoại khiến cho các doanh nghiệp nội bắt đầu cảm thấy sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Hiện nay, hãng bảo hiểm nội có quy mô tiệm cận gần nhất với các tập đoàn ngoại là Bảo Việt Nhân Thọ chỉ mới đạt quy mô vốn điều lệ 4.150 tỉ đồng.

Thị phần khai thác lớp khách hàng mới ở top đầu nên thị trường bảo hiểm chứng kiến những biến động lớn trong nửa đầu năm 2019. Nhờ quyết tâm mở rộng mạng lưới và sử dụng đa dạng kênh phân phối (đại lý, Bancassurance, bán hàng trực tuyến), Manulife đã nhảy lên vị trí đầu bảng xếp hạng doanh thu phí khai thác mới (2.724 tỉ đồng), đẩy Bảo Việt Nhân Thọ xuống thứ 2 (2.647 tỉ đồng). Ba vị trí còn lại trong top 5 cũng thuộc về các tên tuổi ngoại là Prudential, Dai-ichi và AIA.

Do thu nhập và mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân ngày càng gia tăng, Việt Nam đang là tâm điểm của thị trường bảo hiểm nhân thọ khu vực. Theo dự báo của World Bank, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và sẽ đạt đến quy mô 33 triệu người trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2012-2017 lên đến 21,4%, cao hơn nhiều so với Philippines (14,4%) và Trung Quốc (14,4%).

 

Mặc dù có sự tăng trưởng ngoạn mục trong vài năm qua, theo các chuyên gia, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn chưa được khai thác khi chỉ khoảng 7% dân số mua bảo hiểm. “Tiềm năng phát triển hơn nữa là rất lớn, đặc biệt là khi tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng nhanh chóng và nhận thức về các rủi ro như ung thư gia tăng”, ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng Giám đốc FWD Việt Nam, nhận định.

Bên cạnh gia tăng nguồn vốn đầu tư của các hãng bảo hiểm hiện có, thị trường có thể sẽ ghi nhận thêm một số thương vụ M&A đáng chú ý trong thời gian tới. Theo Bloomberg, FWD Group, đơn vị kinh doanh bảo hiểm của tỉ phú Hồng Kông Richard Li, đang lên kế hoạch mua lại Vietcombank Cardif Life với giá trị lên tới 400 triệu USD.

Hãng bảo hiểm của Đức là HDI Global đang đàm phán để mua lại phần thoái vốn của Tập đoàn PVN trong Công ty bảo hiểm PVI (khoảng 35,5%). Hay ở hãng bảo hiểm Bảo Minh, các nhà đầu tư tiềm năng đang nắm đến phần vốn mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang lên kế hoạch thoái vốn (chiếm khoảng 50,7%). “Sản phẩm của các công ty trong nước hiện tương đối giống nhau. Các công ty nước ngoài nhờ khả năng cung cấp những sản phẩm khác biệt có sức sinh lời tốt hơn đang nhắm đến thị trường Việt Nam. Ở đó, hướng đi mua cổ phần của các hãng nội là cách nhanh nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam còn non trẻ và cạnh tranh cao”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới