Hủy
Kinh Doanh

Bước đi mới của các ngân hàng vùng Vịnh

Thứ Hai | 04/05/2015 11:53

Sự hiện diện của các định chế tài chính lớn của các nước Vùng Vịnh ở khu vực châu Á còn khá khiêm tốn, nhưng điều này đang thay đổi.
 

Các nước Vùng Vịnh như Qatar hay các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có một vị trí địa lý khá đặc biệt, đó là khu vực trung tâm nối liền hai lục địa Á - Âu. Vị thế này cho phép các hãng hàng không Vùng Vịnh chiếm một vai trò quan trọng trong bản đồ hàng không thế giới với những đường bay xuyên lục địa. Có lẽ vì thế mà các thương hiệu hàng không như Emirates Airlines hay Qatar Airlines ngày càng trở nên phổ biến. Bên cạnh những chiếc máy bay, các nước Vùng Vịnh còn có cả những mỏ dầu và du lịch cũng đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng ở các quốc gia này.

Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh phổ biến của những chiếc máy bay, công ty dầu mỏ hay những tòa nhà chọc trời, sự hiện diện của các định chế tài chính lớn của các nước Vùng Vịnh ở khu vực châu Á còn khá khiêm tốn, nhưng điều này đang thay đổi.

Một ví dụ mới nhất là động thái gia nhập thị trường Việt Nam của Ngân hàng Qatar National Bank (QNB), ngân hàng bán lẻ có quy mô lớn nhất Qatar (tổng tài sản lên đến 10 tỉ USD vào cuối năm 2014). Theo đó, văn phòng đại diện của QNB ở TP.HCM vừa chính thức hoạt động vào tháng 3 vừa qua. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Qatar trong lĩnh vực tài chính và là khoản đầu tư thứ hai sau dự án lọc dầu trước đây.

Đại diện QNB trao quà lưu niệm cho Đại sứ Qatar (trái) tại Việt Nam
Đại diện QNB trao quà lưu niệm cho Đại sứ Qatar (trái) tại Việt Nam

Sự hiện diện ở Việt Nam được xem là sự kiện khá đặc biệt, vì hiện tại QNB chỉ có mặt ở một vài quốc gia châu Á tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Indonesia. Các quốc gia này đều có điểm đặc trưng riêng. Chẳng hạn, Singapore là trung tâm tài chính mới ở châu Á; Trung Quốc và Ấn Độ là những thị trường mới nổi lớn; Indonesia lại là quốc gia có phần đông dân số Hồi Giáo giống như đặc trưng ở các quốc gia Vùng Vịnh (QNB có chi nhánh ở Indonesia, trong khi những quốc gia khác là văn phòng đại diện).

Vì vậy, có thể nói Việt Nam là điểm nhấn đặc biệt trong bản đồ đầu tư của các đại gia tài chính Vùng Vịnh. Theo đại diện của QNB, nhiệm vụ của văn phòng ở Việt Nam là hỗ trợ và kết nối những khoản đầu tư, thương mại giữa Qatar và Việt Nam, vốn đang tăng lên trong thời gian gần đây.

QNB cũng cho biết Việt Nam là một phần trong kế hoạch mở rộng mạng lưới của QNB ở châu Á. Theo báo cáo của QNB về tình hình tăng trưởng các khu vực thì châu Á mới là khu vực năng động và có tốc độ tăng trưởng tiềm năng là cao nhất.

Dù vậy, sự hiện diện của QNB ở châu Á còn khiêm tốn nếu so với những khu vực khác. Theo báo cáo thường niên của QNB năm 2014, khu vực châu Á chỉ có 49 chi nhánh của QNB, trong khi ở châu Phi và châu Âu có 260 chi nhánh và khu vực Trung Đông là 310 chi nhánh.

Với mô hình hoạt động là ngân hàng đa năng, cung cấp đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ cho mọi phân khúc ở các lục địa khác nhau, kế hoạch lớn hơn của QNB là kết nối mạng lưới giao dịch cho hành lang kinh tế Đông - Tây, chứ không chỉ có nhu cầu mở rộng thị trường sang châu Á.

QNB không hề đơn độc trong làn sóng mở rộng đầu tư vào châu Á. Trong vài năm gần đây, những khoản giao dịch và đầu tư từ các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh - GCC (bao gồm 6 nước Vùng Vịnh là Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE ) với phần còn lại của thế giới ngày càng tăng, theo The Economist. Trong đó, châu Á vẫn là đối tác quan trọng đối với GCC, với tỉ trọng xuất khẩu lên đến 67% và nhập khẩu 40%

Nguồn NCDT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới