Hủy
Kinh Doanh

Các hãng hàng không Việt Nam lên kế hoạch bùng nổ khi giao thông đường bộ và đường sắt kém phát triển

Thứ Hai | 21/10/2013 11:14

Tăng số lượng máy bay, mở chặng mới, IPO là những chiến lược của các hãng hàng không Việt Nam.
 

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở khoảng 5%, chậm nhất trong 13 năm qua, thì nhu cầu bay nội địa vẫn tăng gấp đôi. Do đó, số lượng hợp đồng mua máy bay của hãng hàng không Việt Nam từ Boeing, Airbus hay các hãng sản xuất trong khu vực như Mitsubishi Aircraft, Bombardier và Embraer cũng tăng mạnh.

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế dự báo Việt Nam sẽ trở thành thị trường vận tải hành khách và hàng hóa quốc tế phát triển nhanh thứ ba trên thế giới vào năm tới, và nhanh thứ hai trong lĩnh vực vận tải hàng không khách nội địa.

Cục hàng không Việt Nam dự đoán lượng khách nội địa tăng 15% trong năm nay, tăng hơn gấp đôi so với lượng khách năm ngoái.

Mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng các hãng hàng không Việt Nam vẫn sẽ tăng số lượng máy bay vào vài năm tới, gấp đôi hoặc gấp 3 để phục vụ cho thị trường nội địa 90 triệu người, cùng với các chuyến đi của khách quốc tế tăng lên trung bình 20% hàng năm.

Công ty cổ phần hàng không dân dụng VietJet Air, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, tháng trước đã đặt hàng 92 máy bay của Airbus trị giá 9 tỷ USD.

Hãng hàng không giá rẻ đang có ý định niêm yết chứng khoán ở Hong Kong hoặc Singapore vào năm 2015 để có vốn mở rộng chặng bay, bắt đầu với các chuyến bay tới Tokyo, Bắc Kinh, Singapore, Kuala Lumpur và Hàn Quốc, sau đó thậm chí là toàn bộ các thành phố của Trung Quốc, Nga, Úc và xa hơn nữa”, giám đốc điều hành của VietJet Air, ông Lưu Đức Khánh cho biết.

Reuters dẫn lời ông Khánh trong cuộc phỏng vấn: “Xa hơn nữa có thể là Mỹ, nơi có 4 triệu người gốc Việt đang sinh sống. Họ rất mong đợi các chuyến bay của VietJet Air”.

VietJet có kế hoạch tăng gấp đôi số máy bay lên 20 chiếc vào năm 2015, và đang xúc tiến liên doanh với ba hãng hàng không, trong đó có một hãng chưa được tiết lộ của Myanmar, và hãng KanAir của Thái Lan. Liên doanh dự kiến sẽ hoạt động vào đầu năm 2014.

Sự táo bạo của VietJet Air sau gần hai năm kinh doanh đã tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn giữa các hãng hàng không, không chỉ trong nước mà còn ở thị trường hàng không giá rẻ đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á, trong đó dẫn đầu là AirAsia của Malaysia và Lion Air của Indonesia.

Những kế hoạch đầy tham vọng đó có thể đánh động đến hãng hàng không nhà nước Vietnam Airlines, khiến Vietnam Airlines xúc tiến nhanh chóng kế hoạch IPO đã được chờ đợi rất lâu, đồng thời tăng số lượng máy bay phục vụ.

Vietnam Airlines chiếm lĩnh thị trường nội địa và sẽ tăng số lượng máy bay lên 101 chiếc, tương đương tăng 28% vào năm 2015. Dự định IPO sẽ tiến hành vào quý II năm 2014. Người công bố thông tin của Vietnam Airlines, ông Lê Trường Giang cho biết “kế hoạch vẫn đang thực hiện đúng quy trình”.

Máy bay Vietnam Airlines đặt hàng từ hãng Airbus và Boeing gồm có Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350.

Vietnam Airlines cũng bước chân vào thị trường hàng không giá rẻ với cổ phần trong JetStar Pacific, một liên doanh với Qantas Airways của Úc. JetStar dự định tăng hơn gấp 3 số lượng máy bay Airbus A320 lên 16 chiếc vào vài năm tới, phát ngôn viên của hãng cho biết.

Các chuyên gia về hàng không cho rằng tiềm năng phát triển đến chủ yếu từ địa hình của Việt Nam mà giám đốc điều hành của VietJet Air gọi là “một địa điểm may mắn”. Việt Nam có chiều dài 1650km, những thành phố lớn nhất và các khu nghỉ dưỡng dành cho khách du lịch đều ở xa nhau trong khi cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt lại khá yếu kém.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới