Hủy
Kinh Doanh

Châu Á đang dẫn đầu xu thế ngân hàng số trên toàn cầu

Chủ Nhật | 24/11/2019 09:03

Nguồn ảnh: acceleratesme

Từ năm 2014, tỷ lệ ngân hàng số thâm nhập thị trường tài chính tại châu Á tăng gấp 3 lần.
 

Theo các chuyên gia, châu Á đang dẫn đầu xu thế nở rộ ngân hàng số trên toàn cầu. Chưa bao giờ cuộc đua cấp phép cho ngân hàng số tại châu Á lại nóng như hiện nay. Cái tên mới nhất gia nhập câu lạc bộ này chính là Singapore. Chỉ có 5 giấy phép hoạt động sẽ được quốc đảo này cấp ra nhưng tính đến nay, đã có hơn 40 doanh nghiệp đăng ký tham gia xin cấp phép. Tuần qua, sự xuất hiện thêm của Ant Financial - công ty công nghệ tài chính lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc - tuyên bố muốn chen chân trong hoạt động ngân hàng số tại Singapore đang khiến cuộc đua càng trở nên "nghẹt thở" hơn. 

Triển vọng ngân hàng số ở Singapore

Tại sao ở một đất nước là trung tâm tài chính, có nhiều ngân hàng truyền thống đang làm ăn tốt, hệ thống tài chính "mượt mà" lại cần phải thành lập ngân hàng số? Để mở tài khoản hay tiến hành các giao dịch quan trọng, khách hàng vẫn phải đến giao dịch tại quầy với thời gian xếp hàng nhiều khi tới cả tiếng đồng hồ. Đây là lý do nhiều người dân Singapore hào hứng với dự án ngân hàng số của chính phủ. Giới chuyên gia cho rằng, ngân hàng kỹ thuật số có thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực mà các ngân hàng truyền thống không muốn tham gia.

Theo Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, việc cấp phép cho ngân hàng số nhằm bảo đảm hệ thống ngân hàng Singapore tiếp tục mang tính cạnh tranh cao, duy trì tính năng động và đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng trên thế giới.

Có thể nói, thanh toán điện tử rất phổ biến ở Singapore, tiền kỹ thuật số cũng đang dần khẳng định thì việc ra đời ngân hàng số là xu thế tất yếu. Vấn đề giờ đây là người dân và doanh nghiệp cần thời gian thích nghi và chuyển đổi để tham gia vào sân chơi mới này.

Bên cạnh Singapore, Malaysia, Thái Lan… cũng đang cân nhắc cấp phép cho các ngân hàng số dạng này. Trong khi đó, cách đây 2 năm, Hàn Quốc đã cấp những giấy phép đầu tiên cho ngân hàng số. Theo các chuyên gia, châu Á đang dẫn đầu xu thế nở rộ ngân hàng số trên toàn cầu.

Các nước châu Á chạy đua cấp phép mở ngân hàng số

Kakao Bank, ngân hàng số thứ hai được ra đời tại Hàn Quốc, là một trường hợp khá thành công. Chỉ trong vòng 25 tiếng đồng hồ sau khi ra mắt, đã có tới hơn 300.000 người đăng ký tài khoản. Không hề có chi nhánh ngoài đời thực, Kakao Bank có thể đưa ra mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn hơn so với các ngân hàng truyền thống. Chi phí chuyển tiền ra nước ngoài cũng chỉ bằng 1/10.

Kể từ năm 2014, tỷ lệ các ngân hàng số thâm nhập thị trường tài chính tại châu Á đã tăng gấp 3 lần. Đồng hành cùng xu thế này chính là sự tăng trưởng nhanh chóng của nhóm người trẻ tuổi trong khu vực. Đây cũng là một khu vực được đánh giá là có quy mô thị trường nhỏ, đủ để thử nghiệm sân chơi cho các ngân hàng số. Đặc biệt là sự phụ thuộc vào tiền mặt trong khi không phải ai cũng tiếp cận được với các dịch vụ tài chính và có thẻ ngân hàng. Ngân hàng số đưa ra những dịch vụ tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn và quan trọng là chỉ cần mở điện thoại ra.

 

Hong Kong (Trung Quốc) thậm chí còn đi trước một bước so với nhiều quốc gia cùng khu vực. Cơ quan quản lý tiền tệ của Hong Kong HKMA đang dẫn đầu làn sóng tại thị trường này, chạy đua với các công ty Fintech, mở màn cho một kỷ nguyên của ngân hàng thông minh. Từ tháng 3 năm nay, cơ quan này đã cấp 8 giấy phép hoạt động cho ngân hàng số, con số lớn nhất hiện nay tại khu vực châu Á.

Ngân hàng số có thể phát triển được ở một thị trường tín dụng đa dạng và trẻ như châu Á nhờ đặc điểm dịch vụ nhanh chóng hơn so với các tổ chức tài chính lâu đời, gỡ bỏ được nhiều thủ tục rườm rà và chi phí hoạt động hay nhân công cao. Ngân hàng số thường không tính phí các dịch vụ cơ bản, trong khi có lãi suất tốt hơn. Phát triển dịch vụ ngân hàng số cũng là một cách mà chính phủ các nước đang thu hút nhiều tiền đầu tư hơn vào nền kinh tế.

Ngân hàng truyền thống: Đối thủ đáng gờm trong cuộc đua số hóa

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), sau khi cơ quan tiền tệ của đặc khu này bắt đầu cấp phép ngân hàng số, nhiều tên tuổi hàng đầu của lĩnh vực ngân hàng truyền thống cũng đã nhanh chân nắm bắt xu thế. 3 trong số các Fintech được cấp phép trong năm nay đã có sự tham gia của các "ông lớn" ngân hàng gồm Bank of China, Standard Chartered và Ngân hàng Công thương Trung Quốc ICBC.

Trong khi đó, tên tuổi lớn nhất là HSBC lại bất ngờ sốc lại mảng ngân hàng truyền thống, thông qua việc miễn phí duy trì tài khoản như một cách ứng phó với lợi thế chi phí rẻ của ngân hàng số. Còn trên mặt trận số hóa, hãng chọn cho mình hướng đi riêng là tự đầu tư phát triển nền tảng trên phạm vi toàn cầu.

Nửa đầu năm nay, HSBC đã chi 2,2 tỷ USD vào số hóa và cũng tuyển dụng hơn 1.000 nhân sự cho lĩnh vực số trong vòng 5 năm qua. Hồi đầu tháng, tập đoàn này đã ra mắt HSBC Kinetic - một nền tảng ngân hàng số hoàn chỉnh đầu tiên, phục vụ quản lý tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ.

 

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều thị trường lớn khác như Singapore và Hàn Quốc, nơi các ngân hàng lớn cũng đang dần dần đặt chân vào cuộc chơi Fintech. Tại Singapore, ngân hàng lớn nhất nước này DBS đang sở hữu nền tảng thanh toán điện tử phổ biến thứ hai chỉ sau Grab, sẽ có mặt trên Google Pay vào năm sau. Năm ngoái, DBS cũng tung ra Wealth Chat, một dịch vụ hỗ trợ bằng câu lệnh cho phép thực hiện giao dịch tài khoản ngay trên tin nhắn Whatsapp hoặc WeChat.

Theo các chuyên gia, bất chấp những tiềm năng, Fintech hay ngân hàng số châu Á nói chung và toàn cầu nói riêng vẫn sẽ cần nhiều thời gian để cất cánh, do thiếu kinh nghiệm và vẫn đang trong giai đoạn đốt tiền để mở rộng thị trường. Ngược lại, với lợi thế về vốn và lượng khách hàng, các ngân hàng truyền thống vẫn còn nhiều hướng đi có lợi như bắt tay với các Fintech hay tự phát triển nền tảng, qua đó củng cố sự hiện diện trong cuộc đua số hóa 4.0 hiện nay.

Nguồn VTV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới