Hủy
Kinh Doanh

Chủ tịch Vinaxuki: "Chính sách đánh lừa doanh nghiệp"

Chủ Nhật | 21/12/2014 13:51

Cả hai dự án chế tạo giàn khoan của PetroVietnam Shipyard chưa từng vay được vốn ưu đãi của Chính phủ. Chủ tịch Vinaxuki than: "Chính sách đang đánh lừa DN".
 

Tại hội thảo tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN) cơ khí “kêu” chính sách ưu đãi mà Chính phủ đưa ra không được thực thi trong thực tế khiến DN mất lòng tin.
DN buồn vì … mất lòng tin

“Không phải DN ngại khó khăn, mà vấn đề chính là chính sách. Chính sách đang đánh lừa DN, có nhưng không được thực thi” – ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Công ty ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) trăn trở khi nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Theo ông, trong khi ở các nước đều có chính sách bảo hộ DN sản xuất cơ khí trong nước, còn Việt Nam ngược lại, mỗi bộ một ý khiến DN vướng như tơ vò.

Việc sửa đổi bổ sung Quyết định 10 của Thủ tướng Chính phủ là đúng, hợp lý, đồng nghĩa Chính phủ đã hiểu được khó khăn của DN. “Nhưng chính sách mới đưa ra liệu có được thi hành không? Làm sao quyết định này phải đưa ra phải có chế tài thực hiện để DN có lòng tin, chứ giờ DN mất lòng tin hết rồi”- ông Huyên bức xúc.

Chia sẻ cụ thể hơn về những bất cập trong chính sách hỗ trợ đối với DN ngành cơ khí trọng điểm, ông Phan Tử Giang – Giám đốc điều hành Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí (PetroVietnam Shipyard) than thở, cho tới giờ cả 2 dự án chế tạo giàn khoan của PetroVietnam Shipyard  đều không vay được bất kỳ đồng vốn nào từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thuộc chương trình ưu đãi phát triển dự án cơ khí trọng điểm quốc gia.

“Sau 4-6 tháng thẩm định hồ sơ vay, VDB lắc đầu từ chối khiến DN rất khó khăn, buộc phải đi vay 800 tỷ đồng với mức lãi suất 21% hồi năm 2010”- ông Giang kể. Và tới dự án chế tạo giàn khoan thứ 2, rút kinh nghiệm PetroVietnam Shipyard cũng không trông chờ vốn từ chương trình ưu đãi mà tự mình xoay xở.

“Nguồn vốn của VDB cũng vô cùng hạn hẹp, Chính phủ nên cho cơ chế để DN vay vốn từ các ngân hàng thương mại khác, nhưng có sự hỗ trợ lãi suất từ VDB khoảng 4-5%. Chính sách nên mang tính thực tiễn hơn chứ đừng mang tính cổ vũ, nên đưa ra rồi lại để đấy không thực hiện được”- ông Giang nói.

Tới giờ chính sách duy nhất mà PetroVietnam Shipyard được hưởng ưu đãi là chính sách đầu tư khoa học công nghệ (KHCN), song cũng được phê duyệt rất chậm và “lệch pha” với dự án đầu tư thực tế, gây lãng phí cho DN.

Mục tiêu của PetroVietnam Shipyard là xuất khẩu được giàn khoan ra nước ngoài, song khi triển khai thì lại “vướng”. Bởi thường các chủ đầu tư chế tạo giàn khoan ở các nước khác được hỗ trợ trong thời gian đóng giàn tới 85-95% vốn. “Nếu chúng ta kém thì cũng phải được hỗ trợ 70-80% thì mới mong xuất khẩu được và cạnh tranh được với Trung Quốc, Singapore”- Giám đốc điều hành PetroVietnam Shipyard chia sẻ.

Loay hoay với chính sách ưu đãi

Theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí những năm gần đây đã có mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp ngành này đã đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp; giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006.

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng thực có của các doanh nghiệp cơ khí, phần lớn các lĩnh vực chưa đạt được chỉ tiêu đề ra cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, cụ thể trong năm 2013, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước.

Nguyên nhân được ông Thụ chỉ ra, là do việc thực thi các cơ chế chính sách còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế. Riêng về việc xác định sản phẩm và dự án cơ khí trọng điểm, ông Thụ nhìn nhận, nếu cứ dàn trải dự án trong khi tiền đầu tư không có thì ngành cơ khí Việt Nam khó phát triển được.

“Nên chọn sản phẩm trọng điểm chứ không nên đầu tư vào dự án. Phải lách vào con đường mà thế giới còn “hở” thì cơ khí Việt Nam mới có thị trường “sống” – ông nói.

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10, ông Trần Văn Quang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cho rằng, việc đưa sản phẩm trọng điểm vào dự thảo sửa đổi Quyết định số 10 của Thủ tướng Chính phủ sẽ là “kênh” kích cầu tốt cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam.

Riêng với mức thuế suất nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, ông Quang đề xuất, nên áp dụng mức thuế ưu đãi 0%. Miễn hoặc giảm tối thiểu 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Còn ông Trương Quốc Tuấn – Tổng giám đốc Công ty CP Máy công cụ và thiết bị TAT kiến nghị, Chính phủ cần đưa vào danh mục các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp máy công cụ nằm trong danh mục sản phẩm cơ khí trong điểm giai đoạn 2014-2020, không giới hạn kích thước hoặc trọng lượng lớn như dự thảo.

“Các loại máy kích cỡ nhỏ và vừa mới chính là cái mà DN Việt cần để đổi mới công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự thành công về mặt đầu ra của dự án đầu tư theo chương trình cơ khí trọng điểm, qua đó thu hút được nhà đầu tư”- ông Tuấn chia sẻ.

Nguồn Infonet


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới