Hủy
Kinh Doanh

Công ty chứng khoán phải lập bộ phận chuyên trách quản trị rủi ro

Thứ Ba | 20/11/2012 07:59

Công ty chứng khoán phải hình thành Hệ thống quản trị rủi ro theo 4 cấp để quản lý tối thiểu 4 loại rủi ro trọng yếu.
 

Theo dự thảo Quy chế hướng dẫn thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro trong CTCK vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường, lần đầu tiên, nhà quản lý buộc CTCK phải lập bộ phận chuyên trách quản trị rủi ro.

Đo rủi ro hàng ngày bằng quy tắc 4 - 4

Theo dự thảo Quy chế, CTCK phải hình thành Hệ thống quản trị rủi ro (QTRR) theo 4 cấp: HĐQT; ban kiểm soát và hệ thống kiểm soát nội bộ; tiểu ban QTRR và bộ phận QTRR, để quản lý tối thiểu 4 loại rủi ro trọng yếu: rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động.

Trong đó, HĐQT chịu trách nhiệm cao nhất đối với việc QTRR. Ban kiểm soát và hệ thống kiểm soát nội bộ phải đánh giá độc lập về tính tuân thủ, hiệu quả và đầy đủ của hệ thống QTRR.

Đặc biệt, CTCK phải thiết lập tiểu ban QTRR trực thuộc HĐQT. Trưởng tiểu ban này phải là thành viên HĐQT, hoặc chủ sở hữu của CTCK. Thành viên của tiểu ban phải ít nhất gồm một thành viên HĐQT, tổng giám đốc, trưởng bộ phận QTRR, giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ.

Tiểu ban QTRR có trách nhiệm đệ trình chính sách QTRR hàng năm để HĐQT ban hành; xây dựng các tiêu chuẩn QTRR định tính và định lượng nhằm tạo thuận lợi cho công tác QTRR thường xuyên; kiểm tra, đánh giá sự đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực của bộ phận QTRR trực thuộc ban giám đốc. Tiểu ban QTRR báo cáo hàng quý cho HĐQT hoặc chủ sở hữu CTCK về công tác QTRR và phương hướng khắc phục (nếu có).

Ban giám đốc phải thành lập bộ phận QTRR hoạt động độc lập với các bộ phận chuyên môn khác. Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm trưởng bộ phận QTRR của tổng giám đốc phải có sự chấp thuận của HĐQT hoặc chủ sở hữu CTCK. Trưởng bộ phận QTRR có trách nhiệm giám sát, đánh giá hàng ngày trạng thái rủi ro của CTCK.

Các trưởng bộ phận nghiệp vụ trong CTCK phải chịu trách nhiệm QTRR hàng ngày mà bộ phận mình gặp phải; phải đảm bảo bộ phận mình quản lý tuân thủ các quy định về hạn mức rủi ro. Bộ phận QTRR có trách nhiệm đề xuất các chính sách QTRR cho tổng giám đốc và tiểu ban QTRR; đề xuất hạn mức rủi ro cho từng phòng ban; đánh giá mức độ rủi ro và thiệt hại thực tế phát sinh được dự báo bởi bộ phận QTRR.

Theo dự thảo, chính sách QTRR phải được rà soát và được HĐQT thông qua ít nhất mỗi năm một lần. Hệ thống QTRR được thiết lập phải đảm bảo CTCK có khả năng đo lường, giám sát và xử lý hiệu quả các rủi ro trọng yếu. CTCK phải đảm bảo công tác QTRR được thực hiện độc lập, khách quan, trung thực, thống nhất và phải được thể hiện rõ ràng bằng văn bản. Các bộ phận tác nghiệp và bộ phận QTRR phải được tổ chức tách biệt, độc lập với nhau; người phụ trách bộ phận tác nghiệp không đồng thời phụ trách bộ phận QTRR và ngược lại.

Muộn còn hơn không

Theo nhìn nhận của các thành viên, sau hơn 12 năm hoạt động của TTCK, lần đầu tiên UBCK mới “buộc hờ” CTCK phải thiết lập hệ thống và thực hiện QTRR là quá muộn. Nhưng dẫu sao muộn còn hơn không. Sở dĩ nói “buộc hờ”, bởi dự thảo Quy chế không đưa ra chế tài đối với các CTCK không hoặc chậm trễ thiết lập hệ thống và thực hiện QTRR, hoặc không tuân thủ các quy định về QTRR theo quy định của Quy chế.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhìn nhận, sự ra đời của Quy chế lúc này là cần thiết, nhưng quá muộn. Để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn QTRR tại CTCK, dự thảo cần sửa đổi, bổ sung ít nhất 3 nội dung.

Thứ nhất, thực tiễn cho thấy, rủi ro lớn nhất đối với CTCK thời gian qua và sẽ vẫn là rủi ro đáng ngại trong thời gian tới, đó là rủi ro khi triển khai hoạt động giao dịch ký quỹ (margin). Ví dụ như CTCK Sacombank đứng trước nguy cơ tan vỡ, khi suốt một thời gian dài mạnh tay cho vay margin, đến nay gần như không có khả năng thu hồi nợ hàng nghìn tỷ đồng từ NĐT. Để ngăn ngừa rủi ro này, dự thảo Quy chế nên nhấn mạnh các giải pháp kiểm soát rủi ro cho vay margin mà CTCK phải tuân thủ.

Thứ hai, không ít CTCK đã có bộ phận kiểm soát nội bộ và QTRR, nhưng nặng tính hình thức. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo cần có quy định rõ ràng trách nhiệm của HĐQT, ban giám đốc trong việc đảm bảo cho bộ phận QTRR hoạt động thực sự độc lập, khách quan.

Thứ ba, chính lãnh đạo UBCK đã không dưới một lần than phiền về tính tuân thủ của nhiều CTCK còn kém. Bởi vậy, rất nhiều quy định được ban hành, nhưng thiếu chế tài đi kèm, nên chỉ tồn tại trên giấy. Để tránh tình trạng tương tự xảy ra khi Quy chế có hiệu lực, cần có chế tài đối với các CTCK không lập bộ phận QTRR chuyên trách, hoặc không tuân thủ các nguyên tắc QTRR được quy định trong Quy chế.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới