Hủy
Kinh Doanh

CPI năm 2013 cán đích ngoài mong đợi

Thứ Sáu | 20/12/2013 15:27

Giống như năm 2012, CPI đã về đích thành công, khi chưa chạm tới giới hạn cho phép là 7% như mục tiêu đề ra.
 

Quy luật "hai cao một thấp" của CPI được xác lập từ năm 2006 trở lại đây chắc chắn sẽ bị phá vỡ trong năm 2013 khi CPI cả năm ước chỉ tăng khoảng 6% so với tháng 12 năm trước.

Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi sau 11 tháng, CPI mới chỉ tăng 5,49% và CPI tháng 12 được dự báo chỉ tăng ở mức vừa phải thậm chí, theo một chuyên gia được tham vấn thì khả năng CPI tháng 12 tăng không quá 0,48% so tháng trước để CPI cả năm dưới 6% không phải là không có khả năng xảy ra.

Như vậy, giống như năm 2012, CPI đã về đích thành công, khi chưa chạm tới giới hạn cho phép là 7% như mục tiêu đã đề ra.

So sánh diễn biến giá cả của 2 năm "giảm" này cũng có diễn biến tương đồng đáng chú ý đó là, CPI cùng chịu tác động rất lớn từ các quyết định tăng giá từ cơ quan nhà nước như tăng học phí các cấp của các trường công lập và tăng lệ phí khám chữa bệnh tại các bệnh viện công.

Năm 2012, CPI đã tăng 6,81% nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá mạnh đến từ các quyết định hành chính trên thì con số trên chỉ là 3,2%. Tương tự, sau khi loại trừ các yếu tố trên, CPI cả năm 2013 cũng chỉ khoảng 4,3%.

Các quyết định tăng phí khám chữa bệnh tại các bệnh viện công vào tháng 4 năm 2013 cũng tránh cho CPI không bị giảm 3 tháng liên tiếp (CPI tháng 3 giảm 0,19%, CPI tháng 4 tăng 0,02% - nếu loại trừ tăng giá do dịch vụ y tế thì giảm 0,2% và CPI tháng 5 giảm 0,06%). Lần gần đây nhất, CPI đã giảm 3 tháng liên tiếp vào cuối năm 2008 khi nền kinh tế bắt đầu lâm vào khó khăn trước tác động của khủng hoảng tài chính thế giới.

Yếu tố tăng giá theo quy luật thị trường phản ánh trong CPI của 2 năm trở lại đây là rất thấp, chỉ khoảng 3 - 4%/ năm. Với một nền kinh tế đang phát triển, mức tăng CPI một năm dưới 5% về lâu dài không thể là động lực kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tổng cầu giảm là từ được nhắc lại nhiều lần trong năm 2013. Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 năm 2013 của Tổng cục Thống kê thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của 11 tháng năm 2013, sau khi loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; vốn đầu tư toàn xã hội 11 tháng năm 2013 cũng chỉ đạt 90,6% kế hoạch và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số tồn kho tính đến đầu tháng 11 năm 2013 cũng đang ở mức cao, tăng 9,4% so với năm 2012 là những con số minh chứng phần nào cho nhận định trên.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng dân cư suy giảm còn được minh chứng qua mức "lạm phát do tâm lý" của năm qua. Thông thường, khi tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước thì tác động "tăng giá do tâm lý" sẽ kéo dài, gây tăng giá nhất là ở các nhóm hàng nhạy cảm như lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra trong năm nay.

Tính đến thời điểm này, giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt tăng giá và 6 đợt giảm giá với tổng mức tăng là 2,15% nhưng những tác động của nó lên CPI chỉ được ghi nhận ở các tác động trực tiếp, việc ảnh hưởng gián tiếp đến các nhóm hàng khác là không nhiều.

Trong tháng 4 có 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu nhưng giá lương thực thực phẩm trong tháng đó vẫn giảm 0,91%, thậm chí vào tháng 7 khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay thì nhóm lương thực, thực phẩm cũng chỉ tăng nhẹ 0,1% trong đó lương thực giảm 0,3% và thực phẩm tăng 0,18%.

Tại thời điểm đó, theo như phản ánh của các tiểu thương tại chợ Dịch Vọng (Hà Nội), họ không thể tăng giá các hàng nhu yếu phẩm theo giá xăng dầu bởi kinh tế khó khăn, nhà nhà thắt lưng buộc bụng, việc tăng giá xăng dầu chỉ làm ngân sách gia đình nặng nề thêm nên không thể là động lực cho việc tăng giá các mặt hàng khác như trong thời gian trước đây.

Một yếu tố không thể không nhắc đến tác động đến CPI năm qua là yếu tố tiền tệ. Tính đến thời điểm 12/12/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,64%, tăng trưởng tín dụng tăng 8,83% so với cuối năm ngoái là các mức tăng thấp so với các năm gần đây đã kiểm soát được lượng tiền trong lưu thông góp phần kiềm chế mức tăng của CPI năm nay.

Theo tính toán, lạm phát lõi (lạm phát chung loại trừ lương thực, thực phẩm và năng lượng) năm 2013 cũng tăng gần 6%, tương được mức lạm phát chung.

Năm 2013 chỉ tiêu CPI đã hoàn thành mục tiêu đề ra khi tăng ở mức thấp thậm chí có lúc còn gây lo lắng về giảm phát nhưng, ở một góc nhìn khác, việc giá cả thị trường tăng thấp trong thời gian qua cũng là cơ hội, tạo thêm dư địa cho chính phủ thực thi các chính sách dài hạn phù hợp tạo đà cho sự phát triển trong tương lai.

Nguồn Diễn đàn đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới