Hủy
Kinh Doanh

Đại gia Thái đẩy mạnh bán gà rán trên xe đẩy tại Việt Nam

Thứ Bảy | 11/06/2016 08:52

Nhiều doanh nghiệp Việt bắt tay với đối tác Mỹ, Pháp… đầu tư thực phẩm sạch.
 

Trong khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối lo lắng của người tiêu dùng trong nước thì các doanh nghiệp (DN) nước ngoài lại coi đây là cơ hội đầu tư, kinh doanh đầy tiềm năng. Chính vì vậy họ đã đổ tiền để sản xuất các loại thực phẩm sạch tại Việt Nam.

Vốn ngoại chảy vào rau, thịt sạch

Tập đoàn Registrar Corp (Mỹ) cho biết đã bắt tay với khoảng 400 DN Việt Nam. Theo đó, các DN này hợp tác với nhau để sản xuất các loại rau quả, thủy hải sản… sạch, chất lượng cao tại Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ.

Ông David Lennarz, Phó Chủ tịch Tập đoàn Registrar, tiết lộ rất nhiều công ty Mỹ muốn đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam thông qua các dự án sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. “Nhiều công ty Mỹ đang có xu hướng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi có chi phí sản xuất và lao động đang tăng mạnh để sang các thị trường khác trong đó có Việt Nam” - ông David Lennarz nhận định.

Mới đây, Tập đoàn Techna (Pháp) chuyên sản xuất và cung cấp các loại chất dinh dưỡng cho vật nuôi và cây trồng cũng coi Việt Nam là thị trường chiến lược để mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á. Techna sẽ hợp tác với các công ty chăn nuôi Việt Nam đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm an toàn, giúp nông dân cải thiện chất lượng chăn nuôi và bớt phụ thuộc vào các chất kháng sinh.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho hay công ty cũng đang hợp tác với Tập đoàn De Heus của Hà Lan để tạo chuỗi cung ứng thịt heo sạch, an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc. Tổng số vốn cho dự án nói trên khoảng 3 triệu USD. Trong đó, phía Vissan sẽ đảm bảo việc giết mổ cho đến khâu thành phẩm và phân phối ra thị trường. Dự kiến dòng sản phẩm thịt heo này sẽ ra mắt vào tháng 8 tới đây.

“Đây là một bước đi quan trọng không chỉ đối với Vissan mà có thể cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu thành công thì sẽ tạo ra được chuỗi giá trị thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và được xem là thịt heo đạt tiêu chuẩn GlobalG.a.p. đầu tiên tại Việt Nam” - Tổng Giám đốc Công ty Vissan chia sẻ.

Nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong… cũng đang ráo riết hợp tác hoặc tự đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm sạch tại Việt Nam. Điển hình như Công ty CJ Cheil Jedang của Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp, hoặc mua lại một số công ty thực phẩm tại nước ta.

Lợi nhiều phía

Trước làn sóng các DN ngoại đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm sạch tại nước ta, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng các DN nước ngoài đã chớp cơ hội đúng lúc, đúng thời điểm để đầu tư các dự án chuỗi thực phẩm sạch khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang gây lo lắng cho người tiêu dùng.

“Việc DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, sau đó chi phối luôn mảng phân phối, bán lẻ thực phẩm sạch là điều đã được dự báo. Thế mạnh của DN nước ngoài là có tiềm lực vốn, quy trình sản xuất khép kín, công nghệ hiện đại từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến phân phối, bán lẻ. Thực lực kinh tế chưa cho phép DN trong nước xây dựng được hệ thống cửa hàng bài bản như DN nước ngoài, mỗi năm cùng lắm mở được vài cửa hàng thực phẩm sạch” - ông Bình tỏ ra lo lắng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc DN Mỹ, Pháp, Nhật… sang Việt Nam đầu tư thực phẩm sạch sẽ đem theo công nghệ hiện đại, các quản lý chuyên nghiệp và bài bản. Đó chính là cơ hội cho DN Việt học hỏi, tiếp cận nhằm sản xuất thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người tiêu dùng. Ngoài ra, càng có nhiều thực phẩm sạch thì có lợi cho người tiêu dùng, đồng thời tạo sự cạnh tranh trên thị trường trong nước, kích thích DN Việt phát triển.

 “Bên cạnh đó, việc liên kết, hợp tác với DN ngoại có thể coi là một cách làm tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN nội địa. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực DN Việt chỉ nên chú trọng hợp tác, đầu tư vào sản phẩm là thế mạnh của mình, không nên đầu tư dàn trải. Chẳng hạn, DN trong nước mạnh về thịt heo thì tập trung đầu tư sản phẩm này chứ không ôm nhiều sản phẩm khác như tôm, cá, rau quả. Như vậy sẽ khó kiểm soát được chất lượng, có nhiều rủi ro” - ông Mười lưu ý.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng DN ngoại đã nhìn thấy tiềm năng, nhu cầu cao của thị trường thực phẩm với hơn 90 triệu dân của Việt Nam. Ông Vang nhấn mạnh: “Để cạnh tranh với DN nước ngoài, ngoài sự nỗ lực của các DN thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho các DN Việt thực hiện chuỗi liên kết các khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối. Từ đó tạo lòng tin cho người tiêu dùng”.

Đại gia Việt sản xuất thực phẩm sạch

Tập đoàn FPT đã hợp tác Tập đoàn Fujitsu của Nhật Bản khai trương Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh tại Hà Nội. Qua đó nhằm ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất thực phẩm sạch tại Việt Nam.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng bắt tay với gần 250 DN Việt Nam để giúp thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo ra chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm hàng Việt chất lượng, an toàn và nâng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Tập đoàn ngoại bán gà rán trên xe đẩy

Theo Hiệp hội DN TP.HCM, Công ty C.P Việt Nam thuộc Tập đoàn C.P Group (Thái Lan) đang nắm thị phần chi phối trong lĩnh vực trứng gà công nghiệp, thịt gà công nghiệp và thức ăn chăn nuôi, cũng như dần lấn sân lĩnh vực thức ăn thủy sản. Chưa hết, công ty này đang mở rộng hệ thống thức ăn nhanh Five Star với mô hình xe đẩy và kiốt, nhượng quyền thương hiệu cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ, vốn ít tại nước ta. Chuỗi này tập trung bán gà rán, gà quay tương tự như sản phẩm của Lotteria hay KFC.

Nguồn PLO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới