Hủy
Kinh Doanh

Đầu tư Hàn Quốc: FTA và làn sóng thứ ba

Thứ Hai | 28/12/2015 12:00

Tháng 11 vừa qua, Hàn Quốc là nước có cam kết FDI lớn nhất vào Việt Nam với 4.777 dự án, có tổng vốn đăng ký hơn 43,63 tỉ USD.
 

Cuộc chơi bán lẻ không chỉ dành cho người Nhật. Cuộc đổ bộ của Hàn Quốc trong lĩnh vực này cũng đang diễn ra mạnh mẽ không kém. Điển hình là đại siêu thị Emart đã chính thức có mặt tại Việt Nam vào cuối tháng 12.2015. Cùng với Aeon Mall của Nhật, Emart của người Hàn đã tạo nhiều cơ hội thụ hưởng mới cho người tiêu dùng trong thời gian tới.

Làn sóng thứ ba

Không riêng lĩnh vực bán lẻ, Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia có vốn đầu tư mạnh nhất vào thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tháng 11 vừa qua, Hàn Quốc là nước có cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam với 4.777 dự án, có tổng vốn đăng ký hơn 43,63 tỉ USD.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), đa số các công ty Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường nước ngoài đều chọn điểm đến là Việt Nam. Cụ thể, 49% trong tổng số gần 540 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Điều này lý giải vì sao Hàn Quốc trở thành nước có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.

Dau tu Han Quoc: FTA va lan song thu ba
Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam, tính đến tháng 11.2015

Thực tế, làn sóng đầu tư của Hàn Quốc đã bắt đầu từ lâu. Sau các khoản đầu tư của các tập đoàn Hàn Quốc thuộc thế hệ đầu như Kumho Asiana, Posco, Daewoo hay Samsung, những năm gần đây, thế hệ nhà đầu tư thứ hai với hàng loạt tên tuổi lớn như Samsung, LG, Lotte, CJ... đã nổi lên với hàng loạt dự án quy mô lớn, trị giá hàng tỉ USD. Và nay, thế hệ nhà đầu tư thứ ba bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam để tận hưởng những ưu đãi sau khi Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực.

Các doanh nghiệp thế hệ thứ ba này chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường, y tế, tài chính, công nghiệp chế biến, chế tạo và phụ trợ. “Dệt may là lĩnh vực đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc”, ông Park Sag Hyup, Giám đốc Phòng Xúc tiến thương mại Hàn Quốc tại TP.HCM, cho biết.

Còn theo ông Kim Su Ho, Tham tán Kinh tế tín dụng Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, hiện các nhà đầu tư Hàn nhận định tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam rất sáng sủa so với các nước trong khu vực. Vì thế, họ rất quan tâm đến việc rót vốn vào lĩnh vực tài chính và tín dụng tại Việt Nam.

Trong khi đó, những doanh nghiệp Hàn thế hệ đầu cũng không ngừng đầu tư mới. Samsung hiện đã đầu tư 14,2 tỉ USD tại Việt Nam và sẽ tiếp tục đầu tư thêm lĩnh vực mới như năng lượng, đóng tàu, sân bay... Lotte sau hàng loạt dự án ở Việt Nam, mới đây cũng đã đề xuất kế hoạch đầu tư một dự án 2 tỉ USD tại TP.HCM mang tên Eco Smart City. Còn CJ ở lĩnh vực giải trí cũng quan tâm các dự án nông nghiệp.

Việt Nam hút Hàn

Samsung Electronics là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, từng một thời thống trị doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Nhưng từ giữa năm ngoái, 2 tập đoàn công nghệ Trung Quốc là Xiaomi và Lenovo đã lấn át hoàn toàn Samsung tại thị trường này. Đó cũng là một phần lý do khiến thời gian gần đây, Samsung đã dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cùng lúc, một gã khổng lồ khác trong lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc là LG Electronics cũng bỏ ra 1,5 tỉ USD mở nhà máy lắp ráp smartphone và điện tử gia dụng tại Hải Phòng hồi đầu năm nay.

Doosan Engine, tập đoàn công nghiệp nặng hàng đầu Hàn Quốc, cũng là một trường hợp tương tự. Theo Nikkei (Nhật), việc chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các xưởng đóng tàu quốc doanh ưu tiên dùng động cơ sản xuất trong nước đã khiến lượng hàng công nghiệp nặng xuất khẩu của Hàn Quốc giảm sút. “Việt Nam được coi là một điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp Hàn trong thời gian tới”, tờ này nhận định.

Cùng với những dự án đầu tư mạnh của các tập đoàn Hàn Quốc lớn, nhiều công ty nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cũng sẽ theo sau. Ðiều đáng nói là do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam kém phát triển, nên sẽ không tận dụng được lợi thế của dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực này.

Ở ngành tài chính, một số ngân hàng Hàn Quốc có chi nhánh tại Việt Nam cũng tập trung vào việc tài trợ cho hoạt động thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam, như ngân hàng Korea Exchange Bank, Industrial Bank of Korea hay Shinhan Việt Nam.

Trong bối cảnh FTA Việt Nam - Hàn Quốc vừa được ký kết, nhiều mặt hàng xuất khẩu của 2 quốc gia sẽ được hưởng ưu đãi với thuế suất dần về 0%. Tiêu biểu trong lĩnh vực dệt may, thuế suất từ 3-18% sẽ giảm về 0% ngay khi có FTA có hiệu lực. Vì thế, một loạt các dự án ngành dệt may, sản xuất sợi công nghiệp các loại có vốn Hàn Quốc cũng cập bến. Có thể kể đến như dự án 660 triệu USD của Công ty Hyosung tại Đồng Nai (mang danh nghĩa dự án của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực chất là vốn của một nhà đầu tư Hàn Quốc), dự án dệt may Panko 30 triệu USD ở Quảng Nam, hay dự án Việt Pan - Pacific có vốn đầu tư 8,5 triệu USD ở Thanh Hóa.

Việt Nam cũng hưởng lợi từ FTA này. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc mở cửa rộng rãi cho các sản phẩm nông nghiệp được cho là “nhạy cảm” như gạo, tỏi, gừng, tôm và ớt của Việt Nam vào nước này. Những mặt hàng trên hiện bị đánh thuế nhập khẩu rất cao tại Hàn Quốc, ở mức hơn 200%, mà lại là những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.

Thanh Hương


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới