Hủy
Kinh Doanh

Đến lượt nông dược VFC vào tầm ngắm PAN

Minh Anh Thứ Sáu | 09/10/2020 09:27

PAN Group quyết tâm gia tăng sở hữu tại VFC để “khép kín quy trình sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và tối ưu hóa lợi nhuận cho các công ty thành viên. Ảnh: PAN

PAN Group vẫn không ngừng “khát khao” VFC khi quyết tâm chào mua cổ phần của VFC với mức giá cao hơn giá tham chiếu bình quân.
 

Trong thông báo chào mua công khai cổ phiếu VFC vừa được Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group) công bố, PAN Group cho biết sẽ nhận hồ sơ đăng ký bán của nhà đầu tư trong thời gian từ 8.10 - 9.11.

Theo đó, thông qua Nghị quyết 1.9 phê duyệt phương án chào mua công khai cổ phiếu Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) để nâng tỉ lệ sở hữu lên mức chi phối. Hiện tại, PAN Group sở hữu gần 13,24 triệu cổ phần, tương đương 41,26% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của VFC.

PAN Group sẽ chào mua hơn 4,8 triệu cổ phần, tương đương 15% tổng số cổ phần đang lưu hành của VFC để gia tăng sở hữu từ 41,2% như hiện tại lên mức 56,26%. Mục tiêu của PAN được ghi rõ trong thông báo chào mua gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là để nâng tỉ lệ sở hữu và đầu tư lâu dài.

Trong lần chào mua này, PAN Group đưa ra giá chào mua cổ phiếu VFC là 50.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá tham chiếu bình quân do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM công bố trong thời hạn 60 ngày giao dịch liền kề trước ngày nộp bản đăng ký chào mua (mức 39.190 đồng/cổ phiếu).

Điều này cho thấy PAN Group quyết tâm gia tăng sở hữu tại VFC để khép kín quy trình sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và tối ưu hóa lợi nhuận cho các công ty thành viên.

Ảnh: Bnews
PAN Group là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và phân phối hàng tiêu dùng. Ảnh: Bnews.

PAN Group là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và phân phối hàng tiêu dùng. Các công ty thành viên của PAN Group có thể kể đến như Sao Ta (thủy sản), Bibica (bánh kẹo), 584 (nước mắm)...

VFC là doanh nghiệp đang hoạt động ở 2 mảng chính, độc lập với nhau là dịch vụ khử trùng (khử trùng các mặt hàng nông sản theo yêu cầu kiểm dịch khi xuất nhập khẩu) và kinh doanh nông dược.

Nếu VFC và PAN về chung một nhà, PAN sẽ tận dụng được mảng khử trùng cho các mặt hàng nông sản, còn VFC coi như có thêm công ăn việc làm trong thời điểm nhiều doanh nghiệp nông sản gặp khó khăn.

Tính đến 6 tháng đầu năm 2020, VFC đạt doanh thu 929,7 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận đạt 60,7 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh của VFC năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái với doanh thu 2019 đạt 1.158 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 73,9 tỉ đồng. 

► Xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm sẽ đạt 2,3 tỉ USD?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới