Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp Nhà nước phải cáo bạch tài chính như công ty đại chúng

Thứ Năm | 24/05/2012 15:52

Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt mức an toàn theo quy định, sẽ bị đưa vào diện giám sát đặc biệt.
 

Chính phủ đã có quy định về giám sát tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước (doanh nghiệp Nhà nước) như Quyết định 224 ngày 6/10/2006 có quy chế giám sát tài chính với doanh nghiệp Nhà nước; Quyết định 169 năm 2007 về quy chế giám sát với doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả.

Tuy nhiên, trong trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, quá trình thực hiện các quy định này có nhiều bất cập, hạn chế.

Theo tinh thần tiếp tục đổi mới quản lý tài chính với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước góp vốn, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước bỏ vốn đầu tư. Quy chế này sẽ thay thế cho cả 2 quy chế trước đó.

Theo Bộ trưởng, cơ quan quản lý Nhà nước có quyền và trách nhiệm công khai số liệu tài chính bằng biện pháp phù hợp. Lộ trình được thực hiện với việc Tổng công ty, tập đoàn nhà nước công khai, cáo bạch tài chính tương tự như công ty đại chúng, đảm bảo tài chính minh bạch. Đây là điểm rất mới so với hiện hành.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, giám sát chủ yếu vào việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, tình hình bảo toàn, phát triển vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, giám sát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, giám sát tình hình thực hiện chính sách với người lao động: tiền lương, thu nhập như tương quan tiền lương, thu nhập giữa quản lý và người lao động, Công ty mẹ và công ty con. Cuối cùng là giám sát trong lĩnh vực đặc biệt: ngân hàng, sổ xố, chứng khoán.

Bộ trưởng cho biết, doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt nếu có 2 năm liền kể từ khi có quyết định giám sát đặc biệt không còn lỗ, thực hiện báo cáo đầy đủ thì được đưa ra khỏi danh sách giám sát. Trong trường hợp 2 năm liền còn thua lỗ, thì sẽ có giải pháp đặc biệt: cơ cấu lại, chuyển đổi sở hữu, kể cả xem xét hình thức phá sản.

Doanh nghiệp có thể bị đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu kinh doanh thua lỗ, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt mức an toàn theo quy định. Hai là, có lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc tổng lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu.

Ba là, hệ số khả năng thanh toán nợ quá hạn thấp hơn 0,5. Bốn là, báo cáo không đúng sự thật tình hình tài chính của doanh nghiệp, làm sai lệch kết quả, báo cáo kê khai gian dối như lãi thật, lỗ giả. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán giám sát đặc biệt theo luật chuyên ngành.

Nguồn VOV News


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới