Hủy
Kinh Doanh

Đồng tiền "chạy lạc"

Thứ Bảy | 27/09/2014 14:25

Đổ tiền quá nhiều vào thị trường phi sản xuất khiến cho tổng thể nền kinh tế mất cân đối lớn.
 

Đồng tiền "có chân" là điều mà bất kỳ ai trong giới tài chính đều hiểu rõ. Như "nước chảy vào chỗ trũng", tiền cũng có xu hướng "chảy" từ nơi có hiệu suất thấp đến nơi có hiệu suất cao. Theo quy luật này, có thể dễ hiểu vì sao dòng tiền lớn thường đổ vào thị trường chứng khoán, nhà đất,... bùng nổ hơn là lĩnh vực sản xuất thực lâu sinh lời.

Nhưng đó là câu chuyện của Việt Nam 5 năm trước. 5 năm không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để nền kinh tế toàn cầu chuyển mình từ trạng thái "khủng hoảng" sang "phục hồi". Và trong 5 năm đó, xu hướng này ở Việt Nam có thay đổi và điều hiển nhiên trong giới tài chính có thực sự tốt cho tổng thể nền kinh tế vĩ mô? Câu hỏi trên đã được giải đáp một phần tại diễn đàn kinh tế mùa thu 2014, khai mạc sáng nay 27/9 tại Ninh Bình.

Tăng trưởng tín dụng 6,21% trong 8 tháng đầu năm 2014 không phải tốc độ cao đáng kể so với với tỷ lệ 5,41% trong năm ngoái, là một trong những khó khăn của nền kinh tế hiện nay được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ra trong lời phát biểu khai mạc. Tuy nhiên, phía dưới phần nổi của tảng băng, phân bố dòng tín dụng mới là vấn đề cần lưu ý.

Phát biểu tại diễn đàn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, xu hướng đầu cơ trong nền kinh tế đã và đang diễn ra rất "nặng nề". Thay vì đầu tư vào lĩnh vực suất, lượng tiền lớn đã đổ vào thị trường bất động sản, cổ phiếu,... gây mất cân đối với trong nền kinh tế. Cụ thể hơn, Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW - TS. Võ Trí Thành nêu rõ, đó là sự mất cân đối giữa nền kinh tế thực và thị trường tài chính.

Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014 diễn ra sáng 27/9 tại Ninh Bình - Ảnh: Gafin
Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014 diễn ra sáng 27/9 tại Ninh Bình - Ảnh: Gafin

Nền kinh tế bị kích thích chủ yếu bởi những "động lực ngắn hạn" do dòng tiền đầu tư quá lớn vào lĩnh vực phi sản xuất sẽ rơi vào tình trạng "thiên lệch và sai lệch", PGS.TS. Trần Đình Thiên đặc biệt nhấn mạnh.

Kích thích tạo ra tăng trưởng bằng cách nào là câu hỏi lớn được nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đặt ra. "Việt Nam muốn tăng trưởng thêm 1-2% không phải là điều khó" nhưng cần có động lực để tạo ra tăng trưởng có chất lượng và bền vững.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại nhắc lại: tổng giá trị dòng tiền luân chuyển trong thị trường tài chính toàn cầu gấp 4,31 lần giá trị nền kinh tế thực từng là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Tại Việt Nam, "giá nhà đất vượt rất xa giá trị thực, giá cổ phiếu cũng vượt quá xa giá trị thực của doanh nghiệp", ông Trương Đình Tuyển nhận định.

Định hướng dòng tín dụng đi đúng hướng không phải vấn đề của riêng Việt Nam, mà còn của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi các thị trường chứng khoán châu Âu đang chìm trong cơn hưng phấn tăng điểm, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn đang "đau đầu" trong nhiệm vụ hướng dòng vốn chảy đến nơi cần đến - nền kinh tế thực.

Sau 5 năm, những lệch lạc trong cân đối vĩ mô giữa dòng vốn vào nền sản xuất thực với dòng vốn vào lĩnh vực phi sản xuất vẫn tồn tại, nhưng vì một nguyên nhân khác - sản xuất thực đã quá yếu để có thể vay vốn. 9 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp trong nước phá sản và ngừng hoạt động đã là 48.330, và đây có phải là một con số đáng suy ngẫm?

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới