Hủy
Kinh Doanh

Giá dầu có thể đã chạm đáy

Thứ Bảy | 12/03/2016 12:47

Đó là nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 11/3.
 

Giá dầu có thể đã qua điểm thấp nhất khi nguồn cung từ OPEC bị xáo trộn và từ các nước ngoài OPEC thu hẹp, giảm áp lực lên thừa cung toàn cầu, IEA cho biết.

Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng ra ngày 11/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết, sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 750.000 thùng/ngày trong năm nay, cao hơn 150.000 thùng/ngày so với ước tính hồi tháng trước.

Thị trường dầu thô cũng được hỗ trợ khi nguồn cung dầu từ Iraq và Nigeria sụt giảm trong khi tốc độ khôi phục sản xuất dầu của Iran chậm hơn so với dự kiến sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

“Có nhiều dấu hiệu cho thấy, giá dầu có thể đã chạm đáy. Đã xuất hiện ánh sáng cuối đường hầm đối với giá dầu khi diễn biến trên thị trường hỗ trợ và các nước sản xuất chi phí cao phải cắt giảm sản lượng", báo cáo của IEA cho hay.

Giá dầu đã hồi phục 50% từ mức thấp nhất 12 năm qua ghi nhận hồi tháng 1/2016 sau khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ giảm cũng như một số thành viên OPEC, kể cả Arab Saudi, đạt được thỏa thuận sơ bộ với Nga về việc đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016.

Tuy vậy, IEA cho rằng, thỏa thuận đóng băng này, mặc dù đang hỗ trợ giá dầu, nhưng không thể có tác động đáng kể đến thị trường dầu thô trong nửa đầu năm nay.

Rõ ràng quan điểm của IEA đã thay đổi so với báo cáo đưa ra hồi tháng trước, theo đó, cho rằng giá dầu có thể giảm sâu hơn nữa khi thị trường vẫn "ngập trong dầu".

Viễn cảnh về cân bằng cung-cầu trong nửa đầu năm nay vẫn không thay đổi đáng kể so với báo cáo tháng trước, theo IEA. Tiêu thụ dầu thô toàn cầu sẽ tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày, giúp kéo giảm thừa cung từ 1,7 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2016 xuống 200.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm, giảm so với dư thừa 300.000 thùng/ngày trong trong báo cáo tháng trước.

IEA cho biết, quá trình trở lại thị trường dầu thô của Iran sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ "không mạnh mẽ như tuyên bố của các quan chức nước này" và quá trình này sẽ diễn ra từ từ.

Mặc dù Iran tuyên bố sẽ tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày ngay sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, nhưng thực tế, sản lượng của nước này trong tháng 2/2016 chỉ tăng thêm 220.000 thùng/ngày lên 3,22 triệu thùng dầu/ngày, cao nhất 4 năm qua.

Theo số liệu của IEA, sản lượng dầu của 13 nước thành viên OPEC trong tháng 2/2016 giảm 90.000 thùng/ngày xuống 32,61 triệu thùng/ngày khi mức tăng sản lượng của Iran được "cân bằng" bởi sự sụt giảm sản lượng của Iraq, Nigeria và UAE. Tuy vậy, sản lượng dầu của OPEC vẫn cao hơn 700.000 thùng/ngày so với nhu cầu dầu thô của khối trong năm nay, theo IEA.

Khoảng 600.000 thùng dầu của Iraq đã bị tạm ngừng xuất khẩu do đường ống dẫn dầu phía bắc bị tạm ngừng hoạt động trong khi Nigeria cũng ngưng xuất khẩu 250.000 thùng/ngày do hệ thống đường ống bị hư hại sau khi bị phiến quân đánh bom.

Theo IEA, sản lượng dầu thô của Mỹ cũng sẽ giảm 530.000 thùng/ngày trong năm nay vì giá dầu ở mức thấp khiến nhiều công ty dầu khí nước này phải giảm đầu tư và khai thác.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới