Hủy
Kinh Doanh

Gia hạn cho vay ngoại tệ hết năm 2015

Thứ Năm | 18/12/2014 21:46

NHNN sẽ tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ đối với DN xuất nhập khẩu xăng dầu và DN sản xuất hàng hóa trong nước để xuất khẩu.
 

Thưa Phó Thống đốc, năm 2013, Thông tư 29/2013/TT-NHNN quy định, các ngân hàng được cho vay ngoại tệ với 4 nhóm đối tượng. Trong đó, vay nhập khẩu xăng dầu và vay để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu chỉ được đáp ứng đến hết ngày 31/12/2014. Vậy chủ trương của NHNN thời gian tới về vay ngoại tệ như thế nào?

Theo Thông tư 29, các tổ chức tín dụng được cho vay ngoại tệ để thanh toán hàng hóa và dịch vụ nhập từ nước ngoài về. Bên cạnh đó, với nhu cầu vay ngoại tệ của một số lĩnh vực ưu tiên, NHNN có thể chấp thuận bằng văn bản, sau khi đã  thẩm định.

Tuy nhiên, trong năm 2013, 2014 với tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tín dụng chưa mở rộng nhiều. Do đó, để tạo điều kiện cho các DN, NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết định việc cho vay ngoại tệ với 2 nhu cầu: cho vay để thực hiện các dự án sản xuất hàng xuất khẩu với DN có nguồn thu ngoại tệ và cho vay để các đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo định mức của Bộ Công thương.

Thời gian qua, NHNN đã đánh giá tình hình, cân nhắc trên cơ sở mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2015 là tăng trưởng kinh tế 6,2% và trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng lại tiếp tục được tự quyết cho vay với hai nhu cầu này đến hết năm 2015.

Hiện dư nợ vay ngoại tệ của 2 nhóm này có lớn không, thưa Phó Thống đốc?

Qua đánh giá, dư nợ cho vay 2 lĩnh vực này chiếm khoảng 30% tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống, trong đó dư nợ cho vay xuất khẩu chiếm 24%, còn xăng dầu khoảng 6%.

Việc tiếp tục gia hạn vay ngoại tệ cho hai đối tượng trên sẽ giúp ích như thế nào tới các DN?

Đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh tỷ giá vẫn ổn định, lãi suất tiền đồng đang cao hơn ngoại tệ thì việc tiếp tục được vay ngoại tệ sẽ giúp DN giảm được chi phí so với vay bằng tiền đồng.

Hơn nữa, mặc dù là tín dụng năm 2014 đang có xu hướng tăng trở lại, đạt mục tiêu định hướng đề ra, song thực tế, hiện nay tín dụng vẫn chưa thông suốt vì sức hấp thụ yếu. Việc mở rộng cho vay ngoại tệ này cũng nhằm mục đích giúp tăng trưởng tín dụng đạt được mục tiêu. Về tổng thể, nếu các DN được vay ngoại tệ thì sẽ giảm được chi phí,  góp phần giúp tăng trưởng kinh tế đạt 6,2% trong năm 2015.

Việc tiếp tục nới cho vay ngoại tệ liệu có tác động xấu tới tỷ giá không, thưa bà?

Thị trường ngoại tệ chịu tác động của nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là cung cầu ngoại tệ. Và về cung cầu ngoại tệ lại cần có cái nhìn toàn diện bởi  Việt Nam có nhiều giao dịch với quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra mạnh mẽ, dịch vụ, kiều hối, vốn FDI, FII… rất lớn.

Thưa Phó Thống đốc, việc tiếp tục nới cho vay ngoại tệ có đi ngược với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ và NHNN?

Tín dụng ngoại tệ hiện nay chỉ khoảng 10%. Gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ giảm. Điều này chứng tỏ đô la hóa nền kinh tế đang giảm xuống. Về lộ trình giảm cho vay ngoại tệ thời gian tới chưa thể nói cụ thể nhưng sẽ phải cân nhắc nhiều góc cạnh. Chính phủ phải chuyển dần từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán. Thông tư 29 là một phần trong lộ trình, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay với các nhu cầu có ngoại tệ để trả nợ. Có thể cuối tuần này hoặc sang tuần sau, NHNN sẽ có văn bản chính thức để thay thế thông tư 29.

Nguồn Báo Đầu Tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới