Hủy
Kinh Doanh

Homestay xưa rồi, giờ là thời của Homestead

Cẩm Tú Thứ Năm | 24/12/2020 07:30

Không cần phải đóng chi phí ăn ở và tùy theo khả năng của mỗi người mà tình nguyện viên sẽ đảm nhận những công việc khác nhau để cùng hình thành diện mạo Libra Valley. Ảnh: TL

Lối sống tự cung tự cấp ở nông trại bỗng trở thành trải nghiệm hấp dẫn và có thể đưa vào kinh doanh.
 

Mô phỏng theo khái niệm homestead của nước Mỹ (chính phủ cấp đất cho nông dân để họ làm nhà, xây dựng trang trại, phát triển cộng đồng cùng hàng xóm xung quanh, tự cung tự cấp lương thực thực phẩm), Libra Valley Đà Lạt (phường 7, thành phố Đà Lạt) đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ở đây thường xuyên có khoảng 5-10 tình nguyện viên đến từ nhiều tỉnh thành.

Thông điệp ý nghĩa 

Không cần phải đóng chi phí ăn ở và tùy theo khả năng của mỗi người mà tình nguyện viên sẽ đảm nhận những công việc khác nhau để cùng hình thành diện mạo Libra Valley. Mỗi ngày, ngoài chuyện thu hoạch, làm cỏ, trồng cây, dựng hàng rào, sáng tạo tác phẩm từ vật liệu thừa..., tình nguyện viên còn có hoạt động thể thao, nghệ thuật như Yoga, học guitar mini, làm bánh... Thông qua các hoạt động đó, nhiều thông điệp ý nghĩa cũng được lan tỏa đến các tình nguyện viên. Đó cũng là cách mà một số người tìm lại chính mình, hoặc tự chữa lành cho những tổn thương trong tâm hồn. Lê Trần Khánh Vy, phụ trách chương trình tình nguyện viên của Libra Valley, cho biết: “Tình nguyện viên là một phần không thể thiếu góp phần xây dựng nên văn hóa của Libra Valley. Ở đây, chúng tôi đã và đang xây dựng một cộng đồng những người có cùng suy nghĩ, cùng đam mê. Các bạn tham gia làm vườn, tạo nên những góc nhỏ xinh từ vật liệu sẵn có, tái chế những đồ bỏ đi thành vật có ích. Từ đó, hướng các bạn về với lối sống giản dị, gần gũi với tự nhiên và có những khoảnh khắc cân bằng cho cuộc sống”.

Còn du khách có thể chọn lưu trú hoặc chọn các gói trải nghiệm làm homesteader. Là một homesteader, hằng ngày mọi người dậy sớm, tập thể dục hoặc tản bộ săn mây, pha một ấm trà thảo mộc và ngắm bình minh, sau đó sẽ cùng nhau học và thử nghiệm các mô hình nông nghiệp không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...

Nông trại chia sẻ đầu tiên

Nhắm đến đối tượng khách gia đình với nhu cầu thực tế hơn, Nông trại chia sẻ Sharefarm (tại xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) kêu gọi các hộ dân thành phố cùng đầu tư sản xuất rau, củ, quả, thực phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày của các gia đình. Các gia đình có thể đặt hàng trực tiếp hoặc thuê đất sản xuất rồi 1 tuần 2 lần nhận rau, quả, thực phẩm do nông trại cung cấp.

Sau 3 năm tổ chức, Nông trại chia sẻ Sharefarm hiện có gần 100 cổ đông đang tương tác, sử dụng sản phẩm và cùng CEO quản trị, hoàn thiện quy trình. Bên cạnh đó, có gần 100 khách hàng mua sản phẩm của Sharefarm nằm trong gói trả trước 3 tháng, 6 tháng, 1 năm... Thực phẩm của Sharefarm được gửi đến tận nhà cho khách mỗi tuần 2 lần, định kỳ theo nhu cầu.

Theo ông Lương Văn Hùng, CEO Công ty Cổ phần Nông trại chia sẻ Sharefarm Hà Nội, áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ, mỗi thành viên tham gia sẽ sở hữu chung toàn bộ hệ thống qua cơ chế cổ phần, trở thành cổ đông của Sharefarm. “Cổ đông nhận được cam kết của Ban lãnh đạo Công ty chịu trách nhiệm thực phẩm đảm bảo thường xuyên liên tục theo cam kết với các cổ đông tham gia”, ông Hùng nhấn mạnh. Với quy mô 16,8 ha, Sharefarm hiện có khoảng 60-70 sản phẩm khác nhau như bò, bò sữa, heo, gà, cá, trứng, rau theo mùa. 

Sharefarm là mô hình cung cấp thực phẩm hữu cơ tạo nền tảng cho du lịch trải nghiệm nên khách mua sản phẩm sẽ phải trả tiền cao hơn những cổ đông. Nhưng những người thuộc hệ thống Sharefarm sẽ được hưởng giá gốc, minh bạch tất cả các yếu tố và đặc biệt họ đến với tư cách là người chủ, hưởng mọi dịch vụ cũng như hệ sinh thái mà Sharefarm cung cấp.

“Hiện nhu cầu từ thị trường khá lớn, ngoài các thành phố lớn, ở các tỉnh hiện cũng có nhu cầu áp dụng mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp cung cấp thực phẩm sạch. Mô hình như Sharefarm rất có tiềm năng nhân rộng ra cả nước. Chúng tôi đang định hướng mở rộng nhưng gặp phải rào cản từ việc các chính sách chưa được đồng bộ, đòi hỏi người đứng đầu có đủ tầm để giải quyết. Ví dụ, gặp cơ quan quản lý nhà nước về đất đai lại không thống nhất về dự án phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn”.

Sharefarm mong muốn sau khi có được chính sách thống nhất về phát triển, với mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp cung cấp thực phẩm sạch như “Farm to table” thì như thành phố Hà Nội sẽ cần đến 500-1.000 nông trại để cung ứng chứ chưa nói đến mở rộng ra các tỉnh. “Làm nông nghiệp sinh thái cần quỹ đất lớn. Để có diện tích 16,8 ha hiện nay, tôi phải vận động, thuyết phục hàng trăm hộ dân ở xã Ngọc Tảo cho thuê đất. Kế đó, mời gọi cư dân thành phố cùng đầu tư... tốn khá nhiều thời gian. Mô hình cam kết sẽ tạo việc làm cho nông dân ngay trên mảnh đất của họ (đang cho thuê), tăng nguồn thu nhập”, ông Hùng chia sẻ.

Bà Bùi Hoàng Ly Ly ở phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) là một trong những người tham gia đầu tư tại nông trại. Bà cho biết: “Gia đình tôi mua gói SF2 (dành cho gia đình 2 người) với giá hơn 46 triệu đồng. Chi phí mỗi tháng là 1,6 triệu đồng để nhận được thực phẩm, rau quả phục vụ gia đình theo tiêu chuẩn tại nhà. Nếu có thời gian, tôi đưa gia đình lên thăm nông trại, được tự tay nhặt trứng gà, hái rau, câu cá... mang về sử dụng. Đây là mô hình rất phù hợp với cư dân đô thị, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, tiết kiệm chi phí, vui nhất là được du lịch sinh thái miễn phí”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới