Hủy
Kinh Doanh

HSC lặp lại đánh giá kém khả quan với BIDV

Thứ Ba | 12/01/2016 10:56

Năm 2016, HSC dự báo LNTT của BIDV là 7.785 tỷ đồng, tăng 3,6%; EPS và ROE sẽ chịu tác động phát hành pha loãng 15% cp cho đối tác chiến lược.
 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Mã: BID) vừa công bố lợi nhuận trước thuế công ty mẹ năm 2015 là 7.036 tỷ đồng, tăng 16,20% nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động cao. Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,71%.

CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) dự báo LNTT hợp nhất năm 2015 của Ngân hàng này là 7.515 tỷ đồng, sát với kế hoạch Ngân hàng đặt ra từ đầu năm (7.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, HSC lặp lại đánh giá kém khả quan đối với BIDV. 

Theo HSC, BIDV cần sớm tăng vốn Cấp 1 nếu Ngân hàng muốn tiếp tục tăng trưởng do hệ số CAR chỉ dao động trên mức 9%. Trong khi đó Ngân hàng đã chạm trần đối với việc phát hành nợ thứ cấp để huy động vốn Cấp 2. Mức vốn cần huy động không phải là con số nhỏ do yêu cầu tuân thủ quy định của Basel 2 có thể áp dụng trong năm nay. Đồng thời, hệ số LDR thuần cao và lãi dự thu lớn hơn mức bình quân là những vấn đề khác mà Ngân hàng cần giải quyết. Không có yếu tố thúc đẩy giá rõ ràng trong hiện tại mặc dù định giá cổ phiếu Ngân hàng đã giảm trong những tháng gần đây về mức hợp lý hơn.

Về tăng trưởng tín dụng và tài sản đầu tư, con số tăng trưởng là 22%, đạt 799.000 tỷ đồng. BIDV chưa công bố các thông tin cụ thể về cơ cấu tín dụng và với khả năng tài sản đầu tư giảm, việc đánh giá tăng trưởng riêng mảng cho vay khách hàng của BID là không thể. Trong 3 quý đầu năm 2015, BID báo cáo tăng trưởng 23,47% cho vay khách hàng, đạt 550 nghìn tỷ đồng, trong đó 6,70% đến từ MHB. Và 16 -17% tăng trưởng còn lại đến từ BID. Như vậy, tài sản đầu tư thực tế đã giảm hoặc cho vay khách hàng đã giảm tốc trong Q4/2015.

Tỷ lệ NPL sau xử lý theo báo cáo của BIDV là 1,71%, giảm từ 2,03% năm 2014. Và tỷ lệ này cũng thấp so với con số trước đó là 2,03% tính đến cuối Q3/2015. HSC cho rằng chưa có thông tin hỗ trợ, khó để kết luận liệu tỷ lệ nợ xấu giảm chủ yếu nhờ tăng xử lý nợ xấu, tăng trưởng nhanh của dư nợ hay tăng hoán đổi với VAMC, cũng có thể là kết hợp các nguyên nhân này. 

Trong 9 tháng đầu năm 2015, BID ước tính đã hoán đổi khoảng 11 nghìn tỷ đồng nợ xấu với VAMC tương đương 2,05% tổng dư nợ Q3/2015. Trong số các NHTMCP, tính đến hết Q3/2015, BID đã thưc hiện hoán đổi nhiều nợ xấu hơn cả VCB (1,41% tổng dư nợ) và CTG (1,66% tổng dư nợ). Theo đó chi phí dự phòng sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới. 

Theo mô hình của HSC, dự báo tổng chi phí dự phòng của BID năm 2015 là 8.373 tỷ đồng, tăng 18,14% so với năm 2014. HSC cũng lưu ý lãi dự thu của BID đã ở mức khá cao, là 1,77% nợ nhóm 1 tính đến Q3/2015. Và số lãi dự thu này có thể đến từ các khoản vay cơ sở hạ tầng hay đầu tư trái phiếu, tuy nhiên cũng có thể cho rằng dư nợ Nhóm 1 bao gồm một số nợ kém chất lượng.

HSC cũng ước tính hệ số CAR của BID có thể chỉ trên 9% một chút vào thời điểm hiện tại (theo Thông tư 36, NHNN yêu cầu hệ số CAR tối thiểu là 9%). Sự suy giảm của hệ số CAR có vẻ là do Ngân hàng chưa thực hiện xong việc phát hành riêng lẻ cho một đối tác chiến lược trong năm 2015 theo kế hoạch ban đầu đồng thời do tăng trưởng tín dụng cao. BID cũng là ngân hàng đã niêm yết duy nhất đã chạm trần mức cho phép của phát hành nợ thứ cấp làm vốn Cấp 2. 

HSC biết rằng BID đã phát hành khoảng 3.300 tỷ đồng trái phiếu không đảm bảo dài hạn trong 6 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên Ngân hàng chỉ ghi nhận 1.500 tỷ đồng số tiền huy động từ phát hành này là vốn Cấp 2 trong năm 2015 do vượt mức trần quy định (các khoản vay thứ cấp trong nợ Cấp 2 không được vượt quá 50% tổng vốn Cấp 1). Có nghĩa là Ngân hàng cần nhanh chóng tăng vốn sở hữu và khi đó Ngân hàng có thể ghi nhận toàn bộ giá trị còn lại từ phát hành nợ thứ cấp trước đó để tăng vốn.

Năm 2016, HSC dự báo LNTT của BIDV sẽ là 7.785 tỷ đồng, tăng trưởng 3,60%. Dự báo này dựa trên các giả định (1) tăng trưởng cho vay khách hàng là 16% và tăng trưởng huy động khách hàng 18%, theo đó hệ số LDR thuần giảm nhẹ; (2) dù vậy tỷ lệ NIM tăng 0,15% lên 3% nhờ tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân tốt và (3) tổng chi phí dự phòng sẽ tăng 24,66% so với nnăm 2015 lên khoảng 10.438 tỷ đồng. Ngoài ra, dự báo BID sẽ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho một đối tác chiến lược trong năm 2016. Theo đó, EPS và ROE sẽ chịu tác động của phát hành pha loãng.

Anh Thư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới