Hủy
Kinh Doanh

Hướng đi nào cho giá vàng trong quý II

Thứ Bảy | 30/03/2013 20:16

Giá vẫn được hỗ trợ do lo ngại về eurozone và chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng các yếu tố này không đủ để đẩy vàng lên một vùng giá mới.
 

Tuần tới sẽ bước sang quý II, tuy nhiên triển vọng giá vàng vẫn không có nhiều khác biệt so với hiện nay. Giá vẫn được hỗ trợ do lo ngại về tình hình eurozone và các chính sách tiền tệ nới lỏng, tuy nhiên những yếu tố này không đủ để đẩy kim loại quý này lên một vùng giá mới.

Giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex chốt tuần ở 1.595,7 USD/oz, giảm 0,76% trong tuần này. Giá vàng kết thúc tháng 3 tăng 1%, nhưng giảm gần 5% trong quý I.

Trong khảo sát giá vàng của Kitco, trong số 27 chuyên gia trả lời phỏng vấn có 17 người dự báo giá tăng trong tuần tới, 6 người dự báo giá giảm và 4 người đưa ra ý kiến trung lập.

Tình hình tại Síp hiện vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Các ngân hàng Síp vừa mở cửa lại vào thứ Năm tuần này, lần đầu kể từ khi khủng hoảng tài chính Síp nổ ra. Một vài nhà quan sát thị trường cho rằng, tình hình Síp sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá vàng, tuy nhiên tác động của nó không đủ để đẩy thị trường vượt lên mức kháng cự 1.620 USD/oz.

Xu hướng biến động giá vàng 30 ngày qua (Nguồn: Kitco)
Xu hướng biến động giá vàng 30 ngày qua (Nguồn: Kitco)
"Ngay lúc này, chúng ta đang được hỗ trợ bởi tình hình Síp, nhưng tôi chưa nhìn thấy nhu cầu. Vàng vẫn đang kẹt trong một vùng giá hẹp.", Peter Thomas, phó chủ tịch INTL FCStone Precious Metals cho biết.

Một số nhà giao dịch khác cho rằng, lực mua vàng sẽ quay trở lại nếu giá giảm xuống một mức thấp hơn hiện tại, đặc biệt là lực mua vật chất từ Trung Quốc.

George Gero phó chủ tịch RBC Capital Markets Global Futures thì cho rằng, một quý mới bắt đầu có thể là dịp cho các nhà quản lý quỹ có thêm các quan điểm mới về chiến lược đầu tư. Gero cho biết, ông sẽ theo dõi sát hoạt động của các quỹ, đặc biệt là sau khi các quỹ tín thác vàng bán ra ồ ạt trong quý I. Ông cho rằng, việc bán ra này là để chốt lời, và với mức giá thấp hiện nay, các quỹ có thể mua vào trở lại.

Thời gian tới, một vài chuyên gia cho rằng, căng thẳng chính trị tại Italia có thể thay thế Síp trở thành tâm điểm, khi nước này vẫn chưa thể thành lập được chính phủ. Các đảng Italia vẫn tiếp tục đàm phán, nhưng nếu không thỏa thuận nào đạt được, Italia có thể phải tổ chức bầu cử lại. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Italia đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10.

Một vài ngân hàng trung ương sẽ có cuộc họp chính sách trong tuần tới, bao gồm Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Australia, Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Hầu hết các nhà phân tích không kỳ vọng sự thay đổi chính sách nào, nhưng cuộc họp của ECB sẽ được quan tâm hơn cả sau khi một vài số liệu kinh tế tồi tệ của eurozone vừa được công bố và tình hình căng thẳng hiện nay của hệ thống ngân hàng Síp.

Tuần tới, thị trường cũng chờ đợi số liệu việc làm Mỹ tháng 3, một chỉ số quan trọng tác động đến quyết định chính sách tiền tệ của Fed. Dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tạo ra 170.000 việc làm trong tháng 3. Theo báo cáo trước đó, trong tháng 2, có thêm 236.000 việc làm được tạo ra tại Mỹ, và tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm còn 7,7%.

Nguồn Kitco/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới