Hủy
Kinh Doanh

“Không ai chịu thay đổi luật lệ để xử lý nợ xấu của ngân hàng”

Thứ Ba | 27/01/2015 16:28

Các cơ quan liên quan cho rằng nợ xấu do các ngân hàng gây ra thì ngân hàng phải xử lý, không thể bắt họ thay đổi luật lệ.
 

Hàng loạt các vướng mắc trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là bất động sản, khiến VAMC gần như bó tay trong việc giảm nợ xấu của hệ thống ngân hàng kể từ khi thành lập giữa năm 2013.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, đã trả lời phỏng vấn BizLIVE về vấn đề này.

Thưa ông, Nghị định 53 về xử lý nợ xấu cho phép mua nợ xấu theo giá thị trường, nhưng vì sao quá trình xử lý nợ xấu không nhanh như kỳ vọng?

Mua bán nợ xấu theo giá thị trường là thuận mua vừa bán, tiềm lực tài chính cho việc mua bán nợ theo giá thị trường không phải là vấn đề, mà quyết định vẫn là khung pháp lý.

Bên cạnh việc tăng thêm vốn cho VAMC để mua nợ xấu, thì nếu cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng dự phòng rủi ro để xóa nợ hoặc tái cơ cấu lại nợ (hạch toán ngoại bảng)… cũng là yếu tố đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Vấn đề đang khó nhất là toàn bộ những thủ tục về mua bán nợ liên quan đến thị trường bất động sản và thị trường tài sản đang rất rối rắm.

Nhiều chuyên gia đã kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc Hội xử lý nhanh xung đột pháp lý có liên quan đến việc mua bán nợ. Cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc xử lý nợ xấu sẽ được thực thi một cách nhanh chóng hơn.

Nguyên nhân có phải do các cơ quan liên quan không chịu hợp tác hay do ảnh hưởng đến lợi ích của họ làm cho xử lý nợ xấu chậm trễ?

Vấn đề ở đây là không có sự đồng thuận từ các cơ quan liên quan, vì họ cho rằng nợ xấu do các ngân hàng gây ra thì ngân hàng phải xử lý, không thể bắt họ thay đổi luật lệ của họ.

Thêm nữa, nợ xấu có tính hữu hạn, luật lệ có tính dài hạn nên nếu sửa luật thì sau này sẽ tính thế nào?…

Điều này cho thấy chúng ta chưa đánh giá việc xử lý nợ xấu đúng với tầm quan trọng của nó, kể cả về mặt truyền thông và về mặt chính sách phải có sự đồng thuận mạnh mẽ với thực hiện được.

Ở nước ngoài, các đơn vị tương tự như VAMC của Việt Nam được đặc quyền rất lớn, thậm chí cơ quan xử lý nợ được quyền khắc phục các xung đột pháp lý trong một thời hạn và sau khi xử lý xong nợ xấu thì sẽ trở lại vị trí như cũ. Tại Việt Nam chưa thấy có dấu hiệu nào để VAMC có thể làm như vậy.

Năm 2015, có thể kỳ vọng việc xử lý nợ xấu đạt một bước tiến rõ rệt không thưa ông?

Nợ xấu vẫn tiếp tục được xử lý nhưng cũng vẫn tăng lên do Quyết định 780 (về giãn nợ) sắp hết hiệu lực, cộng thêm việc áp dụng Thông tư 02 của NHNN về chuẩn phân loại nợ mới.

Nhìn chung, các nỗ lực hiện nay sẽ là giảm nợ xấu, nhưng giảm nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào khung pháp lý sẽ thay đổi như thế nào, khi mà nợ xấu đang góp phần làm tắc tín dụng.

Nguồn Bizlive


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới