Hủy
Kinh Doanh

Kinh tế thăng hạng: Trăn trở những con số vàng

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 05/03/2018 08:30

Tăng liền 14 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi kinh doanh là một kết quả rất đáng ghi nhận của nền kinh tế.
 

Nhưng đằng sau bảng vàng thành tích này là câu hỏi về hiệu quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp Việt.

Vượt Trung Quốc

Dù không đóng góp trực tiếp vào mức tăng GDP 6,81% năm 2018, sự tăng hạng của nền kinh tế Việt Nam trong các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (tăng 5 bậc) hay Chỉ số EDBI của World Bank (tăng 14 bậc) đã khiến chúng ta có lý do để vui. Những ý kiến thành thật về việc tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) phần nào bớt gay gắt bởi nếu môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, niềm hy vọng về một nội lực bền chắc của nền kinh tế có vẻ như hoàn toàn có cơ sở.

So với công bố năm 2016, các chỉ số trong EDBI của Việt Nam năm 2017 đã tăng điểm đáng kể. So sánh với Trung Quốc (không kể đặc khu kinh tế Hồng Kông và Đài Loan), mức độ thuận lợi kinh doanh tại Việt Nam lại cao hơn hẳn. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đứng hạng 78, thua Việt Nam khá xa ở các chỉ số Getting Credit (báo cáo tín dụng và hiệu lực của luật thế chấp và phá sản trong hoạt động vay) hạng 68, Paying Taxes (các khoản thuế và đóng góp bắt buộc, các gánh nặng hành chính trong nộp thuế) hạng 130...

Cùng với bảng vàng thành tích trên, những lần rậm rịch, đánh tiếng chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật, Mỹ, châu Âu theo kiểu đất lành chim đậu càng củng cố thêm niềm tin tưởng, thảm đỏ cho mọi thành phần doanh nghiệp tồn tại, phát triển và dựng xây nền tảng cho nền kinh tế đã trải sẵn. Thế nhưng, những con số có nói hết sự thật?

Thứ nhất, ở chính những chỉ số tăng hạng, vẫn còn quá khó để đo đếm tác động của chúng tới hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, mà chủ yếu là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chẳng hạn, thuế, phí của Việt Nam đang chiếm tới 38,1% trong tổng số lợi nhuận, củng cố thêm nhận định mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác.

Kinh te thang hang: Tran tro nhung con so vang
 

Trong đó, phần đóng góp của doanh nghiệp FDI vào ngân sách lại thấp nhất trong các thành phần kinh tế. Điều này chứng tỏ, điểm số thăng tiến vẫn không thay đổi được tình trạng còng lưng đóng thuế, phí của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cải thiện thứ hạng trong đánh giá hoạt động thương mại dọc biên giới có lẽ cũng không mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong nước khi nhập siêu từ Trung Quốc vẫn ở mức trên 20 tỉ USD, còn xuất khẩu lại là sân chơi chính của các doanh nghiệp FDI.

Thứ hai, nhìn vào các chỉ số trong EDBI, 2 chỉ số cơ bản về Khởi đầu kinh doanh (Starting Business) và Thủ tục phá sản (Resolving Insolvency) của Việt Nam đang ở thứ hạng chưa tốt. Có thể, do việc cắt giảm gần 700 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương được thực hiện vào tháng 9.2017, chưa được cập nhật trong báo cáo (nghiên cứu số liệu tới tháng 6.2017), việc bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam vẫn xếp hạng 123 về mức độ thuận lợi.

Về thủ tục phá sản, Việt Nam đứng thứ 129/190 nền kinh tế được đánh giá, tạo ra cảm nhận vấn nạn doanh nghiệp “muốn chết cũng khó” tồn tại cả 5-7 năm nay vẫn còn tiếp tục là... nỗi khổ của doanh nghiệp. Có thể thấy, ở những chỉ số đánh giá liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp trong nước, những cải cách giúp doanh nghiệp dễ thở hơn không mấy rõ ràng. Đương nhiên, gánh nặng lớn nhất vẫn thuộc về khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.

Những điểm mờ nói trên cần phải được tháo gỡ nếu đặt trong tương quan với các nước trong khu vực. Hai năm gần đây, Indonesia và Brunei liên tục có sự tăng hạng tốc độ nhanh hơn Việt Nam (năm 2016, Indonesia tăng 15 bậc, Brunei tăng 25 bậc). Đáng lưu ý, đối với Indonesia, các chỉ số liên quan tới bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tiếp cận tín dụng, tiếp cận năng lượng và minh bạch thuế quan đều đạt điểm số cao hơn hẳn Việt Nam. Về thủ tục thuế, dù đứng thứ 114/190, tỉ lệ nộp thuế và phí trên lợi nhuận của Indonesia chỉ ở mức 30% tổng lợi nhuận, con số khiêm tốn hơn Việt Nam tương đối nhiều.

Mục tiêu trước mắt

Sẽ đáng mừng hơn nhiều nếu thứ hạng tại các bảng xếp hạng môi trường kinh doanh nâng cao cùng với những chuyển động tích cực trong hoạt động của doanh nghiệp Việt. Trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét: 2 nhân tố trên chỉ có mối tương quan một phần. Tác động tích cực tới doanh nghiệp sẽ rõ ràng nếu nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh được duy trì bền bỉ, liên tục. Còn muốn nhìn thấy hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, phải hướng tới các mục tiêu trước mắt, quan trọng nhất là đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và giải quyết vấn đề tín dụng kinh doanh. Đây chẳng phải là những miếng bánh dễ nhằn.

Về tiêu dùng nội địa, chỉ có thể đẩy sức mua của thị trường bằng cách tăng thu nhập trung bình của người dân. Giải quyết theo hướng tăng lương cơ bản không khả thi ở nhiều lẽ. Đối với bộ phận công chức, viên chức, tăng lương đồng nghĩa với tăng gánh nặng ngân sách, điều bất khả thi khi nguồn tiền này đang được ưu tiên cho đầu tư phát triển và thực hiện nghĩa vụ nợ.

Đối với nhân viên khu vực doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động không cải thiện thì không thể hy vọng có một mức thu nhập tốt hơn, đặc biệt, khi Việt Nam đã tự khoác lên chiếc áo “nhân công giá rẻ” để thu hút đầu tư nước ngoài.

Bài toán có thể được giải một phần nếu làm như khuyến nghị của vị chuyên gia kinh tế. Theo đó, thay vì chỉ chăm chăm chiều chuộng doanh nghiệp lắp ráp, có thể lập những doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối gia công cho các hãng lớn trên thế giới. Doanh nghiệp Việt có đủ tiềm lực về vốn và công nghệ (thực chất là nhập dây chuyền công nghệ) để làm được việc này, để không cần tiếp tục trải thảm đỏ cho những doanh nghiệp trung gian đến hưởng đủ thứ ưu đãi trên mảnh đất này. Khi người Việt tự lực, phần lợi nhuận hưởng về mới tăng tương ứng, từ đó, mới có thể đặt vấn đề cải thiện thu nhập người dân.

Về nút thắt tín dụng kinh doanh, ngoài địa chỉ doanh nghiệp nhà nước, nguồn tín dụng đang được đổ vào các doanh nghiệp tư nhân lớn, không chỉ nhờ các dự án kinh doanh mà còn nhờ quan hệ. Cho vay đầu tư bất động sản trong những năm gần đây cũng tước đi cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mong muốn được tiếp cận nguồn vốn đúng lúc với lãi suất hợp lý, có thể tương đương với mức hiện tại cũng không phải là điều dễ thực hiện với một bộ phận doanh nghiệp. Dù sao, có thể lạc quan rằng, mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vào năm 2020 cộng với những điều chỉnh về hướng đi của tín dụng chắc chắn sẽ cải thiện tình hình.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới