LG đổ tỉ đô vào Việt Nam, dòng 'Hàn lưu' chuyển mạnh?
LG sẽ xây dựng một khu phức hợp nhà máy rộng 402.600 m2 tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng trong vòng 10 năm với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
Ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc LG Việt Nam cho biết: "Dự án sẽ chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện từ 2013 – 2017 với số vốn 510 triệu USD, giai đoạn 2 sẽ thực hiện trong 6 năm từ 2017 – 2023 với số vốn 990 triệu USD.
Trong giai đoạn đầu chúng tôi sẽ sản xuất rất nhiều sản phẩm và dự kiến đến quý 2/2014 nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Chúng tôi xây nhà máy xét về mặt thời gian có chậm hơn so với Samsung hay Nokia, tuy nhiên chiến lược xây nhà máy của LG tại đây là khác Samsung và Nokia".
Nhận định về chính sách thu hút đầu tư, ông Ko Tae Yeon đánh giá Việt Nam có những chính sách ưu đãi đủ tốt và hấp dẫn để các nhà đầu tư vào, trong đó có chính sách về thuế. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân như Việt Nam có đội ngũ lao động có kỹ năng tương đối tốt, có hệ thống logistics thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu…
“Không chỉ LG mà các hãng khác cũng rất coi trọng thị trường Việt Nam để đầu tư vào đây. Chúng tôi coi Việt Nam là thị trường chiến lược để phát triển, vì các bạn có dân số đông và trẻ, thị trường lao động tay nghề cao…”, ông Ko Tae Yeon nhấn mạnh.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tới môi trường đầu tư của Việt Nan |
Trước đó, giới chuyên môn nhận định xu hướng công ty chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tăng lên trong 2-3 năm tới do chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn Việt Nam.
Điển hình như hãng điện tử Samsung Electronics đã xây dựng nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất ở Trung Quốc để tận dụng nguồn lao động dồi dào và giá rẻ ở quốc gia này. Tuy nhiên, không lâu sau, Samsung đã chuyển các nhà máy của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, nơi có chi phí lao động thấp hơn để tránh lợi nhuận bị sụt giảm do tăng trưởng doanh số smartphone cao cấp chậm lại.
Samsung đã vượt qua Apple để trở thành hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới bằng các thiết bị hàng đầu có giá trên 900 USD, cũng như điện thoại cơ bản giá dưới 150 USD. Tuy nhiên, nhu cầu điện thoại cao cấp đang giảm dần và các đối thủ Trung Quốc lại ngày càng hạ giá để cạnh tranh.
Vì thế, Samsung đã gia nhập làn sóng các công ty công nghệ như Nokia hay Intel, sang Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ chỉ bằng một phần ba Trung Quốc.
Trong xu thế này, LG cũng muốn hướng tới thị trường lao động giá rẻ là Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận cao nhất?
Nguồn Báo Đất Việt
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư