Hủy
Kinh Doanh

Năm 2019, Việt Nam có thể được nâng hạng thị trường

Thứ Tư | 25/10/2017 14:21

Trong điều kiện tốt nhất, tháng 6.2019, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ được nâng cấp thị trường, từ thị trường sơ khai lên thị trường mới nổi.
 

Trong điều kiện tốt nhất, tháng 6.2019, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ được đưa vào danh sách rà soát để nâng cấp thị trường, từ thị trường sơ khai lên thị trường mới nổi. Đây là thông tin được đưa ra từ ông Valentin Laiseca, Phụ trách thị trường Đông nam Á của MSCI, trong sự kiện Gateway to Viet Nam lần thứ 4 do Công ty Chứng khoán Sài Gòn(SSI) tổ chức.

Tuy nhiên, để có thể đạt tới điều kiện này, theo ông Valentin Laiseca, Việt Nam cần chú ý cải thiện yếu tố tỉ lệ free float (tự do chuyển  nhượng), tạo điều kiện cho tiếp cận thị trường ở mức tốt hơn như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, hỗ trợ cho lưu chuyển dòng vốn vào ra, cung cấp thông tin thị trường, thông tin doanh nghiệp niêm yết bằng tiếng Anh, chuyển giao, triển khai cho vay chứng khoán, bán khống… Các yếu tố này còn nhiều không gian có thể cải thiện..

SSI lựa chọn thời điểm cuối năm 2017 để tổ chức Gateway to Viet Nam nhằm mục đích giới thiệu, chào đón những nhà đầu tư trên khắp thế giới, làm cầu nối, chuẩn bị vốn cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sẽ bước vào giai đoạn “nước rút” cuối cùng từ năm 2018 - 2020. Đối tượng cổ phần hóa trong giai đoạn này hầu hết sẽ là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề. Mặt khác, các nhà đầu lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt đã có một thời gian dài để chuẩn bị. Vì vậy, năm 2017 được xem là thời điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư...

Thực tế, theo các báo cáo trong hội nghị, Việt Nam hiện là nền kinh tế mở, quy mô thương mại tới 360 tỉ USD, đang thu hút vốn đến 300 tỉ USD. Trong đó, khu vực FDI đóng góp khoảng 22% GDP. Việt Nam lại có dân số trẻ (60% dưới 35 tuổi) và đông (gần 100 triệu dân), tăng trưởng GDP đạt trên 6,5% suốt nhiều năm liền, chi số VN-Index vượt 800 điểm tính đến hết cuối tháng 9.2017, Việt Nam ổn định chính trị, kinh tế, vĩ mô, thể chế chính sách có sự cải thiện… Tất cả tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp động lực gắn bó phát triển..

Trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục ổn định vĩ mô, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 và duy trì đà tăng trưởng này cho những năm tiếp theo. Riêng thâm ngân sách sẽ dưới 4%, nợ công duy trì dưới 65%, lạm phát dưới 5% cũng như tập trung cải cách hệ thống tài chính tiền tệ, cải cách ngân hàng, xử lý nợ xấu, hài hoà giữa chính sách tiền tệ và tài khoá, ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước, giảm can thiệp của Nhà nước trong việc kinh doanh, trao vai trò kinh doanh cho tư nhân và coi việc phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Cơ hội cho đầu tư vào Việt Nam còn được nhìn nhận ở khía cạnh, Việt Nam đã xem khối doanh nghiệp tư nhân là thành phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Và quan điểm của Chính phủ trong thoái vốn Doanh nghiệp Nhà nước là thoái vốn ở tỉ lệ mạnh (có thể trên 50%) và không can thiệp soát ở những công ty đã thoái vốn. Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, năm 2018 sẽ là năm ồ ạt IPO của nhóm doanh nghiệp Nhà nước và đến năm 2019 sẽ cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp lớn.

Về phía các doanh nghiệp, để thu hút dòng vốn đầu tư, theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) quan trọng là minh bạch, quản trị doanh nghiệp tốt. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới