Hủy
Kinh Doanh

Năng lượng tái tạo nghẽn từ chính sách

Hải Vân Thứ Năm | 19/12/2019 14:49

Ảnh: Thành Đạt/ dantri.vn.

Điện mặt trời vỡ quy hoạch, lưới điện quá tải, chính sách trở thành một điểm nghẽn trong phát triển các nguồn điện tái tạo ở Việt Nam...
 

Việt Nam trong nhiều năm đã cố gắng thu gom các nguồn năng lượng trên cả nước nhằm duy trì khả năng cung ứng điện cho phát triển kinh tế, trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch đã tới hạn.

Những dự án dừng giữa đường

Việc ban hành Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 vào năm 2015 và một loạt chính sách kèm theo đã giúp Việt Nam thu hút được làn sóng đầu tư phát triển các nguồn điện tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Đầu tư vào điện mặt trời thực sự bùng nổ, trung bình 9 dự án/tháng, ngay sau khi giá bán điện mặt trời được Chính phủ điều chỉnh tăng lên mức 9,35 cent/kWh, tương đương 2.100 đồng/kWh, kể từ tháng 4.2017, theo Quyết định 11/QĐ-TTg.

 

Công ty Phong điện Thuận Bình có kế hoạch phát triển một số dự án điện mặt trời tại Bình Thuận, Ninh Thuận và Đắk Lắk. Ông Bùi Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Bình, cho biết, đã có những đầu tư nhất định nhằm đảm bảo đến năm 2030, Công ty sẽ có 1.000MW, trong đó 1/3 là điện gió và 2/3 là điện mặt trời.

Thậm chí, Thuận Bình đã đầu tư xây dựng tuyến đường 2,7km, nối dự án với Quốc lộ 1 để phát triển dự án điện mặt trời xen kẽ không gian điện gió và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, Thuận Bình quyết định dừng toàn bộ kế hoạch phát triển các dự án điện mặt trời vào cuối năm 2018. Quyết định gây tốn kém này được đưa ra dựa trên các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm triển khai điện gió Phú Lạc, dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam, của chính Thuận Bình. Điều đó cũng cho thấy, Thuận Bình quyết không đổ tiền vào những dự án không chắc chắn.

Nhiều nhà đầu tư cảm thấy việc đầu tư vào điện mặt trời là một sai lầm. Đầu tư vào điện mặt trời tăng mạnh đã phá vỡ quy hoạch về năng lượng tái tạo trong Tổng sơ đồ Điện 7 điều chỉnh, vốn chỉ ước tính được một phần công suất các nguồn năng lượng tái tạo, không tính đến đường dây và trạm biến áp truyền tải sẽ phát triển qua từng năm. Đến nay, theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng công suất nguồn đầu tư đã lên tới 17.000MW, trải khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, trong khi công suất vào năm 2018 chỉ vỏn vẹn 86MW.

Xung đột hệ thống truyền tải đã buộc nhiều nhà máy phải giảm phát điện từ 10-50% công suất, trong khi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang cố gắng triển khai các giải pháp tình thế như xây dựng và cải tạo các dự án lưới điện, nhằm giải tỏa công suất. Thực trạng này làm giảm khả năng hỗ trợ cung cấp điện của các nguồn năng lượng tái tạo thời gian tới, giảm lòng tin và động lực đối với các nhà đầu tư, trong bối cảnh thiếu nguồn điện trầm trọng ở khu vực phía Nam.

 

Thế nhưng, đầu tư vào điện mặt trời chắc chắn chưa dừng lại. Trên bản đồ điện mặt trời mới nhất do World Bank vừa công bố, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam có khả năng bức xạ nhiệt khoảng 2.506 kWh/m2/năm và kéo dài ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Mòn mỏi chờ chính sách mới

Điểm nghẽn chính sách vẫn có thể tái diễn nếu khoảng trống về chính sách không nhanh chóng được khỏa lấp. Đến thời điểm này, toàn bộ các dự án điện mặt trời đã vận hành hoặc đang triển khai sau ngày 30.6.2019 vẫn mỏi mắt chờ chính sách mới. Chính phủ vẫn chưa ban hành một cơ chế mới, thay thế cho cơ chế hỗ trợ giá FIT theo Quyết định 11/QĐ-TTg đã hết hiệu lực kể từ ngày 30.6.2019, ngoại trừ tỉnh Ninh Thuận được Chính phủ gia hạn đến hết năm 2020. Chính phủ cũng chưa có quyết định cơ chế giá FIT điện mặt trời áp dụng theo vùng, trong khi lượng điện phát ra từ các nhà máy điện mặt trời chỉ mới được ghi nhận, chưa có biểu giá thanh toán.

Một quy hoạch đồng bộ ở tầm quốc gia là vô cùng cần thiết cho Việt Nam để đảm bảo an ninh năng lượng, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định. Theo ông, chính sách và chất lượng kém của quy hoạch năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng, đã gây nghẽn từ khâu phát điện, truyền tải đến phân phối và bán lẻ. Giá điện mặt trời áp dụng trong thời gian nhất định là vấn đề then chốt làm vỡ quy hoạch chỉ trong mấy tháng, trong khi các yếu tố liên quan đến phân cấp về xây dựng và thực hiện quy hoạch, sử dụng đất đai, sự minh bạch và nguồn vốn đều không được coi trọng.

“Quy hoạch là do Nhà nước xây dựng nhưng thực hiện là khu vực kinh tế tư nhân, cả trong nước và ngoài nước”, ông Ánh chỉ rõ thực tế. Tổng sơ đồ Điện 8 đang được xây dựng, theo ông Ánh, điểm nghẽn có thể sẽ nhiều hơn nếu quy hoạch phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng không gắn với vấn đề sử dụng đất. Đất đai, lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm, nhưng ngay cả Ninh Thuận, một tỉnh phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, cũng chưa đặt nặng vấn đề này.

 

Quy hoạch mới cũng cần gắn với quy hoạch vốn phát triển các nguồn điện tái tạo. Việt Nam cần khoảng 100 tỉ USD để phát triển năng lượng tái tạo, theo dự báo của World Bank. Tuy nhiên, việc các dự án điện tái tạo giảm phát điện lên tới 30-40% đang ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực các nhà đầu tư. Chưa kể đến việc tiếp cận các cơ hội đầu tư mới, thì khả năng thanh toán các khoản vay ngân hàng, kể cả trong chương trình Tín dụng xanh mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai, cũng sẽ có vấn đề. Đây là bài toán khó giải đối với bất cứ nhà đầu tư nào.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Sơn Vũ, kiến nghị: “Chính phủ sớm có quy hoạch năng lượng quốc gia cho các nguồn điện, trong đó, có các nguồn điện mới và tái tạo, cũng như quy định giá cho từng vùng, phù hợp với lượng bức xạ. Một quy hoạch rõ ràng giúp chúng tôi yên tâm hơn về đồng vốn bỏ ra đầu tư”.

►Cách mạng năng lượng mặt trời: Thành công của Trung Quốc và bài học cho ASEAN

►Hàn Quốc muốn đầu tư vào năng lượng điện hạt nhân Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới