Hủy
Kinh Doanh

Nông dân Việt có thể làm hồi sinh ngành công nghiệp ngọc trai của Nhật

Thứ Ba | 22/12/2015 16:05

Một doanh nghiệp Nhật đang muốn mang những người nông dân trẻ từ Việt Nam sang Nhật để đào tạo các kỹ năng nuôi trai lấy ngọc.
 

Vịnh Ago ở thành phố Shima, tỉnh Mie là một trong những vùng thích hợp nuôi ngọc trai nhất Nhật Bản. Mặc dù vậy, số lượng nông dân nuôi ngọc trai ở đây đã giảm dần trong những năm qua, hầu hết hiện tại chỉ còn những người lớn tuổi.

Tomokazu Tanabe, nông dân nuôi ngọc trai 57 tuổi ở Shima, tính tận dụng cơ hội để hồi sinh ngành công nghiệp này bằng cách mở rộng hoạt động ra nước ngoài thông qua việc đem kỹ thuật nuôi ngọc trai đến Việt Nam.

Tanabe là thế hệ thứ ba trong gia đình chủ sở hữu Công ty Tanabe Pearl Farm . Ông đã bắt đầu tìm cách cải tiến kỹ thuật nuôi ngọc trai từ khi được thừa kế việc kinh doanh của gia đình vào năm 21 tuổi.

"Những viên ngọc trai từ Shima có độ bóng cao nhất thế giới", Tanabe nói khi ông đang đứng trên chiếc bè làm sạch sò trai.

Các thỏa thuận về kế hoạch mở rộng hoạt động sang Việt Nam chính thức được khởi động vào mùa hè vừa rồi, khi ông được Ngân hàng Hyakugo (Nhật Bản) kết nối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo với ông rằng "các nhà đầu tư đang tìm kiếm nông dân nuôi ngọc trai từ Nhật Bản" để làm việc tại Phú Quốc, nơi có điều kiện thuận lợi để nuôi trai lấy ngọc.

Sau đó, Ngân hàng Hyakugo tiếp cận với Tanabe và đề nghị ông cần phải khảo sát tiềm năng của Phú Quốc.

Trong chuyến khảo sát, ông phát hiện có một con sông chảy ra biển chứa đầy khoáng chất cần thiết cho sự tăng trưởng của các loại trai nuôi cấy. "Đây là nơi hoàn hảo để nuôi trai", Tanabe nói.

Và khi Tanabe đi vòng quanh đảo Phú Quốc, ý tưởng cho kế hoạch đầu tư sang Việt Nam bắt đầu nảy sinh.

Nong dan Viet co the lam hoi sinh nganh cong nghiep ngoc trai cua Nhat

Tanabe muốn mang những người nông dân trẻ từ Việt Nam sang Nhật để đào tạo các kỹ năng nuôi trai lấy ngọc. Ảnh: Japan Times

Tanabe sẽ bắt tay vào thực hiện kế hoạch này trong năm 2016. Quyết định này phụ thuộc vào tình hình tại Nhật.

Theo một cuộc khảo sát do Sở Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản tỉnh Mie tiến hành, có 315 nông dân nuôi ngọc trai ở tỉnh này trong năm 2013, chỉ bằng 10% so với mức đỉnh giữa những năm 1960.

Bão và thủy triều đỏ tại đây có thể tác động mạnh đến việc thu hoạch, ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân. Thu nhập bấp bênh, nhiều nông dân trẻ đã từ bỏ công việc này, chỉ còn lại một lực lượng lao động đang già hóa.

Tanabe muốn mang những người nông dân trẻ từ Việt Nam sang Nhật, để có thể đào tạo họ các kỹ năng nuôi trai lấy ngọc. Sau khi học hỏi tại Nhật, họ sẽ quay lại Việt Nam để phát triển các vùng nuôi trai lấy ngọc ở đây.

Việc trao đổi nông dân không chỉ đem lại sức sống cho ngành công nghiệp này tại Shima mà còn có khả năng làm điển hình cho các công ty khác trong vùng đẩy mạnh hoạt động ra nước ngoài.

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, tình hình kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua đã thúc đẩy nhu cầu ngọc trai của người tiêu dùng, trong khi ngành kinh doanh nuôi trai lấy ngọc chỉ mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam. Đa phần các loại ngọc trai giá rẻ trên thị trường hiện nay đều có xuất xứ từ Trung Quốc và gần như không có doanh nghiệp nuôi trai Nhật Bản nào đang hoạt động tại Việt Nam.

Thành phố Shima là nơi sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến vào tháng 5/2016. Tanabe cho biết, đây sẽ là cơ hội lớn để giới thiệu vẻ đẹp ngọc trai vùng Shima. Ông cũng hy vọng điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp Nhật đầu tư vào ngành công nghiệp ngọc trai của Việt Nam.

Trường Văn

Nguồn Japan Times


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới