Hủy
Kinh Doanh

Petrolimex kinh doanh xăng dầu lỗ do giá bán lẻ tăng chậm hơn giá và thuế nhập khẩu

Thứ Bảy | 25/05/2013 09:41

Năm 2012, giá bình quân các sản phẩm và thuế nhập khẩu tăng khoảng 10-15%, trong khi giá bán lẻ trong nước chỉ được tăng khoảng 6-12%.
 

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Chủ tịch Hội đồng quản trị Bùi Bảo Ngọc cho biết, năm 2012 kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu xăng dầu sụt giảm, chính sách quản lý của Nhà nước còn nhiều chồng chéo, chính sách kinh doanh xăng dầu chưa được vận hành đầy đủ theo Nghị định 84... dẫn đến hàng loạt các công ty kinh doanh không có lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong năm 2012, Petrolimex vẫn đảm bảo gia tăng lợi ích cho các cổ đông, dự kiến mức chia cổ tức năm 2012 là 500 đồng/cổ phần. Trong năm 2013, Tập đoàn dự kiến mức chia cổ tức tăng lên 800 đồng/cổ phần.

Theo báo cáo của Petrolimex, chỉ tiêu sản lượng xăng dầu tiêu thụ đạt 98,5% kế hoạch, trong đó sản lượng bán buôn, bán tổng, đại lý, tái xuất giảm từ 10 -15%, riêng sản lượng bán lẻ tăng trưởng 5% so với thực hiện năm 2011.

Lợi nhuận chủ yếu được hình thành từ hoạt động kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác ngoài xăng dầu, riêng kinh doanh xăng dầu phát sinh lỗ. Năm 2012, Petrolimex đạt hơn 978 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 97,8% kế hoạch. Trong đó, kinh doanh xăng dầu lỗ tới 125 tỷ đồng.

Về lý do lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tập đoàn không đạt kế hoạch, Tổng Giám đốc Trần Văn Thịnh cũng cho rằng, do năm 2012 hoạt động kinh doanh xăng dầu không được vận hành một cách đầy đủ theo Nghị định 84, phần lớn thời gian trong năm, các đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá bình quân các sản phẩm và thuế nhập khẩu năm 2012 tăng khoảng 15% đối với xăng và 10% đối với dầu, trong khi giá bán lẻ trong nước chỉ được tăng khoảng 12% đối với xăng và khoảng 6% đối với dầu đã làm cho kinh doanh xăng dầu hầu như không có lợi nhuận.

Ngoài ra, nguyên nhân không đạt kế hoạch còn do chi phí bán lẻ trong kết cấu giá cơ sở theo quy định của Nhà nước không còn phù hợp (quy định từ năm 2009), không đủ bù đắp chi phí thực tế, chi phí Tập đoàn tăng sau cổ phần hóa do đánh giá lại tài sản, tính giá trị thương hiệu, khoản lỗ trước cổ phần hóa chưa được xử lý làm tăng chi phí tài chính, tiền thuê đất tăng.

Mạng lưới rộng phủ kín trên 63 tỉnh, thành phố nên chi phí kinh doanh của cả hệ thống cao cũng ảnh hưởng đến cạnh tranh, cơ chế tạo nguồn và bán hàng chưa kịp thời điều chỉnh theo thị trường.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới