Hủy
Kinh Doanh

Quí 1, VAMC đã mua gần 4.000 tỉ đồng nợ xấu

Thứ Ba | 01/04/2014 18:59

Tổng giá trị của 169 khoản nợ mua từ 10 tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, trong đó có một tổ chức tín dụng quốc doanh.
 

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được 3.929 tỉ đồng nợ gốc từ các tổ chức tín dụng.Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho biết đó là tổng giá trị của 169 khoản nợ được công ty này mua từ 10 tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, trong đó có một tổ chức tín dụng quốc doanh.

Tổng giá trị trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành để mua số nợ này là 3.048 tỉ đồng, ông Hùng trao đổi với TBKTSG Online. Như vậy, từ khi ra đời công ty này đã mua tổng cộng khoảng 42.829 tỉ đồng nợ gốc của các tổ chức tín dụng Việt Nam từ gần 40 tổ chức tín dụng. Tổng giá trị trái phiếu đặc biệt “đổi” số nợ xấu này là 35.448 tỉ đồng.

Theo kế hoạch của 2014, VAMC sẽ mua 70.000 tỉ đồng nợ xấu theo đó quý 1 mua vào 10.000 tỉ đồng, quý 2 mua 20.000 tỉ đồng. Kết quả hoạt động 3 tháng vừa qua cho thấy VAMC đã không đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định công ty vẫn quyết tâm đạt kế hoạch 70.000 tỉ đồng cho năm 2014.

Theo ông Hùng, ”trách nhiệm mua nợ không có nghĩa phải mua bằng mọi giá. Vấn đề là khoanh đúng vùng nợ xấu cần mua. Và quan trọng hơn, VAMC phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý với chỗ nợ xấu đã mua."

“Hiện công ty đang tập trung rà soát, phân loại và phối hợp với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp lên kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp và tư vấn cho các tổ chức này xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC,” ông Hùng nói.

Nhận định về khả năng xử lý nợ xấu trong năm nay, ông Hùng nói ông cảm thấy lạc quan hơn bởi sự phục hồi của các khoản nợ xấu thành nợ bớt xấu. Ông Hùng cũng cho rằng các ngân hàng đừng nhìn nhận VAMC là kênh duy nhất xử lý nợ xấu. "Các tổ chức tín dụng phải nhìn xa trông rộng về chất lượng tài sản của mình và tự có phương án tìm cách xử lý nợ xấu trong dài hạn. VAMC chỉ là một trong những công cụ để giúp tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu nhanh hơn mà thôi. Nếu bản thân tổ chức tín dụng không đánh giá đúng về tình hình nợ xấu và chủ động giải quyết thì họ sẽ tự đào thải mình,” ông Hùng nói.

Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới