Hủy
Kinh Doanh

Quỹ ETF đứng trước áp lực thoái vốn ngắn hạn

Thứ Sáu | 08/06/2012 09:16

So với quỹ đầu tư truyền thống, các ETF cho phép cổ đông linh động rút vốn dễ dàng hơn. Khối ngoại liên tục bán ròng từ giữa tháng 5 tới nay.
 

Chỉ trong vài ngày đầu tháng 6, tỷ giá USD/VND niêm yết trên ngân hàng có cú nhảy tăng kịch trần, phá vỡ sự ổn định kéo dài từ đầu năm. Dù thị trường chứng khoán đã có những phiên phục hồi trở lại, nhưng hiện tượng trên gây quan ngại với giới đầu tư chứng khoán vì trên thị trường niêm yết, khối ngoại đang giảm dần mức độ hưng phấn, thậm chí một số quỹ có dấu hiệu đối diện với áp lực thoái vốn ngắn hạn.

Từ chỉ báo FTSE Index đến ETF

Kể từ khi được xây dựng và công bố vào năm 2007, chỉ số FTSE Vietnam Index được coi là danh mục mua bán chuẩn mực cho các định chế tài chính nước ngoài. Định kỳ, FTSE - đơn vị xây dựng bộ chỉ số - xem xét lại việc loại bỏ hay bổ sung thêm các cổ phiếu vào danh mục.

Trong lần xem xét mới nhất vào đầu tháng 6 vừa qua, FTSE loại 3 mã REE, PET KDH ra khỏi danh mục FTSE Vietnam Index và 5 mã cổ phiếu DHG, VCF, PGD, ASM LCG ra khỏi danh mục FTSE Vietnam All-share Index. Khác hẳn với những lần gần đây, FTSE không bổ sung thêm bất cứ cổ phiếu mới nào.

Việc FTSE xem xét đưa thêm cổ phiếu hay loại ra khỏi danh mục theo 2 tiêu chí chính. Thứ nhất, giới hạn có thể mua bán của nhà đầu tư nước ngoài và thứ hai là tính thanh khoản hàng ngày của cổ phiếu theo các tiêu chuẩn tính toán riêng từ FTSE.

Trường hợp của REE mới đây hay FPT cách đây nửa năm bị loại khỏi danh mục không phải xuất phát từ các yếu tố cơ bản, mà do room còn lại của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm xuống dưới 2%. Sau khi cổ phiếu này bị loại ra khỏi danh mục FTSE Vietnam Index, khối ngoại đã có 4 phiên liên tiếp bán ròng cổ phiếu REE.

Ngoài ETF do Deutsche Bank quản lý, Market Vectors Vietnam ETF - VNM (do Van Eck quản lý) là quỹ đầu tư chỉ số thứ hai được thị trường biến đến rộng rãi. Tại lần công bố danh mục đầu tư vào ngày 5/6 vừa qua, danh mục của VNM âm khoản tiền mặt gần 2 triệu USD. Theo một số quỹ đầu tư, không chỉ thực hiện tái cơ cấu danh mục định kỳ, nhiều khả năng quỹ này đang đối diện với áp lực rút vốn ngắn hạn từ các cổ đông.

Vài tuần qua, chuỗi bán ròng của khối ngoại xuất phát từ tâm lý không chắc chắn của giới đầu tư quốc tế, khi suy thoái kinh tế châu Âu trầm trọng thêm. So với các quỹ đầu tư truyền thống, các ETF cho phép cổ đông linh động rút vốn dễ dàng hơn. Do đó, động thái của các ETF có thể được xem là chỉ báo sớm đối với thị trường.

Hạ nhiệt niềm hưng phấn

Hiện tại, áp lực bán ròng của khối ngoại không quá lớn, nhưng đã kéo dài liên tục từ giữa tháng 5 đến nay. Tất nhiên, xen kẽ trong khoảng thời gian đó cũng xuất hiện một vài phiên khối ngoại mua ròng, nhưng giá trị không lớn, chủ yếu liên quan đến cổ phiếu GAS mới niêm yết. Điều đáng chú ý là việc bán ròng nhắm vào cả những cổ phiếu như BVH, VIC - một thời được các ETF nâng đỡ, lẫn các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn trên thị trường như VCB.

Diễn biến này làm các nhà đầu tư nội địa bi quan nhớ lại diễn biến thị trường cuối năm 2011, khi một số quỹ đống nước ngoài chuyển đổi mô hình sang quỹ mở. hoạt động bán ròng dai dẳng của các quỹ này thời gian đó khiến thị trường chứng khoán liên tục đi xuống

Mặc dù vậy, giám đốc một quỹ đầu tư Nhật Bản cho biết, quỹ đang bán ròng nhưng áp lực không quá lớn, muộn nhất sẽ chấm dứt trong tháng 6. Tương tự, vị này dự báo, áp lực tái cơ cấu của các quỹ ETF cũng chấm dứt trong khoảng thời gian này. Nhưng xa hơn, áp lực bán ra của khối ngoại có tiếp tục hay không phụ thuộc khá lớn vào việc giải quyết các bất ổn tại châu Âu.

Vậy cú nhảy bất thường của tỷ giá có liên quan đến việc bán ròng rồi rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài? Báo cáo phân tích của công ty chứng khoán Bản Việt lý giải, tỷ giá VND/USD tăng chủ yếu do cầu tăng mạnh từ phía các ngân hàng thương mại, khi hầu hết ngân hàng quyết định chuyển tích trữ ngoại hối từ ngắn hạn sang dài hạn, vì cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ sớm chạm mức trần. Con số nhập siêu tăng lên 700 triệu USD trong tháng 5 càng khiến thị trường tin rằng, nhu cầu USD của doanh nghiệp sẽ tăng từ nay cho đến cuối năm, kéo theo áp lực lớn hơn đối với tiền đồng.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc công ty chứng khoán HSX nhận xét, áp lực bán ròng của khối ngoại hiện chịu tác động chủ yếu do các bất ổn từ châu Âu. Các yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán nội địa như tăng trưởng kinh tế thấp, sản xuất đình đốn, không phải là câu chuyện mới dẫn đến hoạt động bán ra của khối ngoại hiện nay. Theo ông Giang, khi nền kinh tế toàn cầu bất ổn, việc các dòng vốn quốc tế rời bỏ các thị trường cận biên và tìm đến cac skhoản đầu tư an toàn cũng là điều dễ hiểu.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới