Hủy
Kinh Doanh

Quỹ VF4 sẽ không chia lợi nhuận năm 2014

Thứ Năm | 26/03/2015 20:42

Do còn lỗ lũy kế đến cuối năm 2014, nên quỹ VF4 không phân chia lợi nhuận năm 2014.
 

Chiều nay (26/3), Quỹ đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu Việt Nam (.VFMVF4) do Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý, tổ chức Đại hội Nhà đầu tư thường niên 2015.

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh cho biết, từ khi hoạt động năm 2008 đến hết ngày 31/12/2014, giá trị tài sản ròng (NAV)/chứng chỉ quỹ của Quỹ chỉ đạt 6,1%, thấp hơn 2% so với toàn thị trường (đạt 8,1%), ứng với 8.976,7 đồng/chứng chỉ quỹ.  

Nguyên nhân chủ yếu là do sự kiện Biển Đông (tháng 6/2014) và giá dầu giảm cuối năm 2014, cổ phiếu năng lượng chiếm 20-25% vốn hóa toàn thị trường nên đã kéo theo việc giảm giá của các cổ phiếu khác.

Tỷ trọng tiền mặt bình quân cả năm ở mức xấp xỉ 9% NAV. Tỷ trọng tiền mặt được nâng lên tới tối đa 20% trong giai đoạn tháng 5, nhằm giảm bớt sức ép từ thị trường đối với Quỹ. Kết thúc năm, quỹ có tỷ lệ tiền mặt khả dụng là 14,2% NAV.

Xuất phát từ các chính sách cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Quỹ VF4 tập trung nâng tỷ lệ cổ phiếu cao hơn tỷ lệ tiền mặt, nên tỷ lệ cổ phiếu chiếm vượt trội trong danh mục.

Tỷ trọng cổ phiếu các ngành có nhiều thay đổi trong cơ cấu danh mục. Trong đó, Ngành vật liệu đang giữ vị trí thứ 4 năm 2013,  nhanh chóng vươn lên chiếm vị trí thứ nhất năm 2014, chiếm 12,6%NAV. Lý giải nguyên nhân chủ yếu do sự phục hồi của bất động sản và xây dựng; ngoài ra còn hưởng lợi sự giảm giá tiền của các nước sử dụng đồng tiền EUR và từ nhóm các công ty vay nhiều đồng tiền này.

Đứng thứ hai là ngành Bất động sản, đầu tư 11%NAV. Cùng với ngành Thực phẩm – nước giải khát chiếm vị trí thứ ba, trong đó tiêu biểu cổ phiếu VNM giảm, nên VF4 đã chủ động bán bớt vào quý 1.

Ngành thiết bị và phần cứng công nghệ chiếm thứ 4. Có duy nhất cổ phiếu FPT trong quý 2 bán bớt 50% và còn lại 5,7%NAV (nhưng cổ phiếu này lại đóng góp lớn nhất gần 48% lợi nhuận của VF4 năm 2014).

Riêng ngành Năng lượng và Ngân hàng chiếm lần lượt 14,4% và 15% tỷ trọng đóng góp vào lợi nhuận. Ngành Năng lượng tiêu biểu kể đến cổ phiếu GAS và PVS, trong năm VF4 đã bán cổ phiếu PVS ghi nhận lợi nhuận cao, Tuy nhiên, VF4 phán đoán chưa chính xác cổ phiếu GAS, vẫn giữ nguyên tỷ trọng GAS ở mức cao, vì thế đến cuối năm ảnh hưởng đến việc giảm lợi nhuận khá lớn.

Ngoài ra, các ngành Ngân hàng, Năng lượng, Vật liệu, Dịch vụ tài chính, Tiện ích công cộng và Phụ tùng Ô tô đều tăng trưởng khá tốt từ 7% đến 20% năm 2014.

Các ngành Bất động sản, Bảo hiểm, Thực phẩm, Dệt may và tiêu dùng, Dược phẩm giảm nhẹ và làm giảm khoáng 0,6% tăng trưởng của Quỹ. Trong đó, Ngành Dược phẩm đã được thanh lý toàn bộ, ngành Bảo hiểm (gồm cổ phiếu BVH) giảm thị giá do thay đổi cơ cấu nhân sự.

VF4 thuộc nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ số giá thuộc top 50 cổ phiếu trên thị trường. Năm 2014, VF4 có các chỉ số P/E đạt 11,7 lần và P/B đạt 2 lần.

Mặc dù, cuối năm 2014, Quỹ VF4 tạo ra hơn 67 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng do vốn hoạt động bắt đầu từ năm 2008 cho đến nay, VF4 vẫn còn lỗ lũy kế nên vẫn chưa đủ điều kiện phân phối lợi nhuận năm 2014.

Dự kiến cho năm 2015, VF4 sẽ tăng trưởng lãi sau thuế đạt 7,8%. Theo đó, Quỹ sẽ định hướng điều chỉnh tỷ trọng danh mục vẫn theo hướng tăng tỷ trọng cổ phiếu/ngành có tiềm năng như Ngân hàng, Vật liệu, Bất động sản, Tiện ích công cộng, Vận tải, Du lịch y tế,…; tận dụng cơ hội đầu tư cổ phiếu chuẩn bị niêm yết, quyền mua lại phát hành thêm hoặc các chứng khoán phái sinh (nếu có) để gia tăng lợi nhuận cho Quỹ.

Ngoài ra, Đại hội còn thông qua đơn từ nhiệm của Ông Huỳnh Văn Thòn đang giữ chức vụ Thành viên Ban đại diện Quỹ VF4. Hiện, cơ cấu ban đại diện Quỹ VFMVF4 nhiệm kỳ 2013 – 2016 sau ngày 26/3/2015 sẽ thay đổi như sau:

  • Chủ tịch Ban đại diện: Ông Đặng Thái Nguyên
  • Phó Chủ tịch Ban đại diện: Bà Đỗ Thị Đức Minh
  • Phó Chủ tịch Ban đại diện: Ông Trần Thiên Hà
  • Thành viên Ban đại diện: Ông Nguyễn Kiên Cường
  • Thành viên Ban đại diện: Ông Lê Trung Thành

Các thành viên Ban đại diện đã thống nhất giảm tiền thù lao xuống còn 50% năm 2014.

Đại hội còn nhất trí thay đổi Ngân hàng giám sát của Quỹ từ Ngân hàng Deutsche Bank sang ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam). Cuối phiên họp, quỹ VF4 còn nhắc đến sự thay đổi trong tần suất giao dịch của quỹ từ hàng tuần sẽ chuyển sang hàng ngày đến các nhà đầu tư quan tâm.

Nguồn DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới