Hủy
Kinh Doanh

Ra ngõ AEC, cộc đầu người Thái

Hoàng Hạnh Thứ Tư | 10/01/2018 08:30

Quý Hòa

Khi gia nhập đầy đủ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), vấn đề đầu tiên đối với Việt Nam là tính chuyện làm sao đỡ bị thua thiệt.
 

Khi gia nhập đầy đủ vào các định chế thương mại tự do, vấn đề đầu tiên đối với Việt Nam không phải bàn cách hưởng lợi tối đa mà là tính chuyện làm sao đỡ bị thua thiệt. Đó là tư duy ngược...

Từ ngày 1.1.2018, Việt Nam (cùng với Lào, Myanmar và Campuchia) chính thức tham gia đầy đủ các thỏa thuận của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Bốn nước nói trên đã có khoảng lùi 2 năm để thực hiện đầy đủ các cam kết trên, cũng như nâng cao năng lực sản xuất, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong nước để có thể sòng phẳng gia nhập cuộc chơi chung. Tiếc là, không phải ai cũng làm được điều này.

Đối với Việt Nam, sau những kỳ tích của kinh tế năm 2017, bước sang năm 2018, thách thức đã bày ra ngay trước mắt. Việc cắt giảm thuế về mức 0% hoặc dưới 5% với hơn 98% mặt hàng và việc tự do lưu chuyển lao động có tay nghề trong khối ASEAN, dù đã được lường trước từ khi AEC chính thức thành lập năm 2015 nhưng vẫn được dự báo sẽ gây nên sức ép cho nền kinh tế. Trực tiếp nhất, dễ hình dung nhất là thị trường bán lẻ hiện đại cũng như thị trường lao động sẽ phải đón nhận những đợt sóng dồn. Tất nhiên, không có nhiều cơ hội cho kẻ yếu thế.

Không cần chờ tới khi toàn bộ các mức thuế quan giảm còn 0%, hàng Thái đã có cuộc xâm nhập ngoạn mục vào thị trường Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt khoảng 9,64 tỉ USD và Việt Nam nhập siêu 3,5 tỉ USD. Các nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2017 là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).

Nhìn vào cơ cấu này, có thể thấy, mức 618 triệu USD xấp xỉ 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam trong cả năm 2017, một điều rất đáng suy ngẫm khi Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, cạnh tranh vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với Thái Lan. Câu chuyện của mặt hàng điện gia dụng và linh kiện phải coi là điều tất yếu bởi Việt Nam đã không phát triển được một nền sản xuất công nghiệp của riêng mình. Nếu không là Thái Lan thì sẽ là châu Âu, Mỹ và đương nhiên là Trung Quốc.

Tình thế sắp tới sẽ còn gian nan hơn nhiều. Trao đổi với NCĐT, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chỉ rõ, người Thái đã thể hiện chiến lược rõ ràng đối với thị trường Việt Nam. Thứ nhất, về kênh sản xuất, những ưu thế về quy mô sản xuất lớn dẫn đến giá thành rẻ, chất lượng và mẫu mã cho phân khúc hàng trung bình vẫn tiệm cận được tiêu chuẩn hàng hóa ở các thị trường phát triển... hẳn nhiên sẽ áp đảo được hàng Việt. Cách thức quản lý chuyên nghiệp, hiệu quả và tiết kiệm, cộng với mạng lưới phân phối, dịch vụ logistics để đưa hàng từ Thái Lan sang Việt Nam (thông qua Lào) thuận tiện, thậm chí còn cạnh tranh được với hàng hóa Việt vận chuyển chiều Nam - Bắc là một điểm cộng khác khiến việc hàng Thái chiếm lĩnh được thị trường Việt không phải là điều quá khó hiểu. Thái Lan đang dự kiến xây dựng trung tâm trái cây cao cấp, cung cấp cho thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ra ngo AEC, coc dau nguoi Thai
 

Thứ hai, về kênh phân phối, người Thái đã bộc lộ chiến lược rõ ràng thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo thống kê của các cơ quan quản lý, người Thái đã thôn tính một nửa trong hơn 100 điểm bán hàng hiện đại các nước đang nắm giữ trên thị trường Việt Nam. Đương nhiên, đó chính là chiếc cầu đưa hàng hóa Thái Lan đến thẳng tay người tiêu dùng Việt.

Thứ ba, thỏa thuận của AEC bao gồm cả những ưu ái về đầu tư, không có lý gì Thái Lan không tiếp tục mô hình này. Đã có những sự dịch chuyển về may mặc, dệt may từ Thái Lan sang Việt Nam để tận dụng chính sách ưu đãi, nguồn lao động giá rẻ và các thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Xu hướng này chắc chắn không chỉ dừng lại ở nhóm ngành hàng may mặc nói trên. Một tín hiệu khác đến từ cuộc thâu tóm Sabeco diễn ra vào cuối năm 2017 và tương lai sẽ có thể là Vinamilk.

Điều đáng suy ngẫm hơn cả là dù có nhận thức rõ ràng tình thế này, Việt Nam vẫn rất khó khăn để xoay chuyển tình hình. Ông Vũ Vinh Phú phân tích, trong hệ thống bán lẻ hiện đại, hệ thống cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, siêu thị mini... đều đánh mất lợi thế cho các đối thủ nước ngoài.

Nhiều hệ thống siêu thị Việt cũng đang bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với hy vọng có thể cạnh tranh với các chuỗi siêu thị hiện đại mới xuất hiện, khiến việc hỗ trợ siêu thị Việt vô hình trung thành hỗ trợ các đại gia FDI. Kênh phân phối truyền thống là hệ thống chợ hiện vẫn chiếm 70% doanh số ngành bán lẻ lại không được đầu tư, trong rất nhiều trường hợp, phải hy sinh cho sự phát triển của các trung tâm thương mại.

Về đầu tư vào cho bán lẻ, không có sự liên kết giữa người sản xuất và hệ thống phân phối mà thực chất kênh phân phối đang bắt chẹt đối tác bằng chiết khấu và các khoản phí không chính thức. Bản thân hàng hóa Việt đã yếu về năng lực cạnh tranh, lại gặp sự cấm cản ở hệ thống phân phối nên càng khó tồn tại, doanh nghiệp khó tăng quy mô sản xuất và năng lực quản lý. Vòng luẩn quẩn này đã tồn tại nhiều năm mà chưa có lối thoát.

Thêm nữa, quy hoạch hệ thống siêu thị bộc lộ nhiều hạn chế. Ví dụ, một cung đường ngắn có khi có tới 3 siêu thị lớn và đương nhiên siêu thị yếu hơn (thường là của Việt Nam) sẽ buộc phải đóng cửa. Chưa có một ý thức rõ ràng rằng, mất hệ thống phân phối sẽ là mất nền sản xuất. Trò chuyện về câu chuyện của ngành bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú không thể giấu nổi bức xúc: “Chúng ta đã tự hại mình!”.

Một thị trường có kim ngạch xuất khẩu năm 2017 trên 200 tỉ USD nếu nói là năng lực sản xuất kém cũng không đúng. Nhưng nếu biết chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu là các mặt hàng gia công thì thực sự cần nhìn nhận lại năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Về vấn đề này, ông Hans-Paul Burkner, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo giữ vững được vị thế của mình tại thị trường trong nước trước khi ra thị trường bên ngoài, tận dụng lợi thế nhỏ nhưng linh hoạt. Nhưng ngay cả nhiệm vụ giữ vững thị trường cũng là bài toán nan giải.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới