Hủy
Kinh Doanh

SCIC muốn dứt khoát chia tay Vinaconex

Minh Anh Thứ Ba | 09/10/2018 10:54

Sau phiên giao dịch lần đầu không mấy thành công, lần này SCIC muốn bán hết phần vốn tương đương với gần 58% vốn điều lệ của Vinaconex
 

Hy vọng ở tháng 4

SCIC sẽ bán đấu giá công khai cả lô toàn bộ cổ phần sở hữu của SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) tại Vinaconex qua HNX. Thời gian tổ chức đấu giá trong quý 4.2018.

Theo SCIC, bán cổ phần của Vinaconex (Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, mã chứng khoán VCG) là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Số lượng cổ phần SCIC chào bán là 254.901.153 cổ phần, chiếm 57,71% vốn điều lệ Vinaconex (4.417.106.730.000 đồng).

Các đối tượng được tham gia đấu giá gồm nhà đầu tư trong nước (cá nhân, tổ chức), Nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân, tổ chức), Các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư (trường hợp các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nắm tối đa 49% cổ phần tại Vinaconex.

Tổ chức nhận ủy thác đầu tư có trách nhiệm tách biệt rõ số lượng nhà đầu tư, số cổ phần đăng ký mua của từng nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua và đảm bảo giới hạn về tỷ lệ nắm giữ đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định. Hiện vốn hóa trên thị trường chứng khoán của Vinaconex đạt khoảng 8.525 tỉ đồng.

Theo chủ trương tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, toàn bộ phần vốn góp của SCIC sẽ thoái khỏi Vinaconex trong giai đoạn 2017 - 2020. Cuối năm 2017, SCIC đã lên kế hoạch thoái 22% vốn điều lệ nhưng không thành công.

SCIC muon dut khoat chia tay Vinaconex
 

Tái cấu trúc công ty con trong tương lai

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018, VCG ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.353 tỉ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động xây lắp tiếp tục là nguồn thu chủ đạo của công ty, kế đến là bất động sản và sản xuất công nghiệp.

Chi phí giá vốn tăng 10% so với cùng kỳ khiến lãi gộp sụt giảm tới 30% xuống mức 450 tỉ đồng. Mặt khác, các khoản chi phí vẫn tương đối cao khiến VCG báo lãi trước thuế giảm 38% so với cùng kỳ, xuống mức 235 tỉ đồng. Lãi ròng giảm một nửa, xuống còn 134 tỉ đồng.

Tính tới cuối quý 2.2018, tổng tài sản của VCG ở mức 20.173 tỉ đồng, giảm 7.2% so với đầu năm. Các khoản nợ và phải trả của công ty không có biến động nhiều; vẫn duy trì ở mức 63% cơ cấu tổng tài sản.

Cũng tại thời điểm cuối quý 2.2018, Vinaconex đang đầu tư vào 26 công ty con và 10 công ty liên kết. Trong năm nay, Vinaconex có kế hoạch cấu trúc lại các khoản đầu tư tại các công ty này.

Trước đó, vào tháng 7.2018, VCG công bố Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018, trong đó nhấn mạnh việc các dự án chủ lực vẫn còn trong quá trình thực hiện nên trong năm không phát sinh doanh thu nhiều, dự kiến đến năm 2019 sẽ ghi nhận những khoản thu lớn từ các dự án này.

Vinaconex hiện có vốn điều lệ 4.410 tỉ đồng, SCIC sở hữu 57,71%. Trong lần thoái vốn năm nay, SCIC sẽ bán ra toàn bộ lô cổ phiếu Vinaconex đang nắm giữ. Năm ngoái, SCIC chỉ bán một phần số cổ phiếu trên và đã không thành công trong thoái vốn.

Hiện vốn hóa trên thị trường chứng khoán của Vinaconex đạt khoảng 8.525 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 9.789 tỉ đồng.

Năm 2016, Vinaconex đạt doanh thu đứng thứ 5 và lợi nhuận đứng thứ 2 cả nước trong số các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây lắp. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinaconex đạt 1.629 tỉ đồng, nằm trong Top 30 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất cả nước.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới