Hủy
Kinh Doanh

Sẽ mua hết ngân hàng âm vốn

Thứ Sáu | 06/03/2015 09:40

Tuy nhiên, NH Nhà nước sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng có thời gian khắc phục.
 

Tại cuộc họp, lãnh đạo Ngân hàng (NH) Nhà nước đã công bố quyết định chuyển đổi mô hình NH TMCP Xây dựng Việt Nam (NH Xây dựng) thành NH thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (VNCB) do nhà nước làm chủ sở hữu đồng thời bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao của VNCB và yêu cầu NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tham gia điều hành quản trị VNCB.

“Thay máu” Ngân hàng Xây dựng

Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vietcombank, được điều động giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) VNCB; ông Đàm Minh Đức, nguyên Tổng Giám đốc NH Xây dựng, làm thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc VNCB; ông Phạm Thế Tuân, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP HCM và ông Trần Trung Tướng, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bắc Sài Gòn, được bổ nhiệm làm thành viên HĐTV VNCB…

Với sự tham gia của Vietcombank, NH Nhà nước kỳ vọng phương án tái cơ cấu VNCB với định hướng tập trung nguồn lực nhằm khắc phục tình hình tài chính của NH Xây dựng trước đây, củng cố lại công tác quản trị, điều hành sẽ làm cho NH này hoạt động bình thường.

Chủ tịch HĐTV Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết Vietcombank có nhiệm vụ hỗ trợ VNCB về nhân sự, công tác quản trị, công nghệ, một phần nguồn vốn hoạt động… và khách hàng trong phạm vi nhất định sao cho không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Vietcombank. “Đề án tái cơ cấu VNCB đã nhận được sự đồng thuận của NH Nhà nước. Sau khi NH Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc triển khai tái cơ cấu VNCB trong thời gian tới là rất khả thi” - ông Thành tự tin.

Tiền thân của NH Xây dựng là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Năm 2012, NH này bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do gặp khó khăn về thanh khoản. Tháng 5-2013, Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm cổ đông mới góp vốn vào TrustBank đổi tên thành NH Xây dựng. Đầu năm 2015, đơn vị này 3 lần tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại hội đồng cổ đông đã ra quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn. Ngay lập tức, NH Nhà nước công bố mua lại NH Xây dựng với giá 0 đồng để tái cơ cấu, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém từ NH này sang các NH khác.

Sẽ mua tiếp OceanBank và GP. Bank?

Trao đổi với báo giới, Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết để hỗ trợ hoạt động cho VNCB, NH Nhà nước đã chuẩn bị 40.000 tỉ đồng. Theo ông Thanh, cách đây 1 tháng, NH Nhà nước đã mua toàn bộ cổ phần NH Xây dựng. Vì sao phải mua?, ông Thanh đặt câu hỏi rồi tự trả lời: Nhà nước phải mua lại NH này để bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền, tránh sự bất ổn thị trường. Việc NH Nhà nước mua đứt NH Xây dựng không phải là quốc hữu hóa mà là hoạt động mua bán thuần túy vì các cổ đông của NH này không tăng vốn lên được.

Đề cập những khó khăn của NH Đại Dương (OnceanBank) và NH Dầu khí Toàn cầu (GP. Bank), ông Thanh cho biết không chỉ 2 NH này mà các NH khác kinh doanh thua lỗ, vốn pháp định bị âm… thì nhà nước sẽ mua toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng. Tuy nhiên, NH Nhà nước sẽ tạo điều kiện để các NH có thời gian khắc phục. Nếu các cổ đông không kịp thời bổ sung vốn theo đúng quy định của pháp luật thì NH Nhà nước sẽ trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của NH đó. Lộ trình xử lý cũng giống như quá trình giải quyết tình trạng yếu kém của NH Xây dựng.

Trong khi đó, ông Phạm Quyết Thắng, Tổng Giám đốc GP.Bank, cho báo giới biết tiến trình tái cơ cấu của GP.Bank diễn ra theo hướng đã lựa chọn được đối tác trong nước là các cá nhân và doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, giàu kinh nghiệm quản lý, điều hành. Với quyết tâm của các bên và dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án tái cơ cấu của NH Nhà nước, GP.Bank tin tưởng mọi công việc sẽ hoàn tất trong thời gian tới để việc tái cơ cấu NH thành công.

Nguồn Người Lao Động


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới