Hủy
Kinh Doanh

Seedcom: Sao mới làng thời trang

Công Sang Thứ Tư | 12/06/2019 10:00

Ảnh: TL

Seedcom vẫn rất hứng thú với các khoản đầu tư vào lĩnh vực thời trang.
 

C hưa đầy 1 năm công bố đầu tư vào thương hiệu thời trang nữ Hnoss, Seedcom mới đây tiếp tục công bố khoản đầu tư mới vào Eva de Eva. Thời trang có lẽ là nhánh nổi bật nhất của Seedcom hiện nay, bởi sau 5 năm hình thành, có đến 3 thương hiệu được công ty này rót vốn, chiếm số lượng nhiều nhất trong các nhánh đầu tư của Seedcom.

Thành viên mới đáng tiền

Thành lập từ năm 2007, Eva de Eva là thương hiệu thời trang nữ theo phong cách hiện đại. Sau hơn 10 năm thành lập, thương hiệu này chủ yếu khai thác nhóm khách hàng ở Hà Nội. Mức giá sản phẩm dao động từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng.“Eva de Eva được chúng tôi đánh giá cao về mức độ đầu tư, khả năng thiết kế và ứng dụng xu hướng vào sản phẩm”, ông Nguyễn Hoành Tiến, Giám đốc Điều hành Seedcom, giải thích về việc đầu tư vào thương hiệu này.

Ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Seedcom, từng nói đùa rằng ngành bán lẻ phụ thuộc rất nhiều vào phụ nữ vì đây là đối tượng có sức mua rất cao. Qua thời gian, lời nói đùa thành sự thật khi thời trang là mảng mà Seedcom đang đầu tư nhiều nhất với tốc độ ngày càng nhanh. Năm 2015, Seedcom công bố đầu tư vào Juno, năm 2018 đầu tư vào Hnoss và năm 2019 là Eva de Eva. Gu đầu tư cũng không mấy thay đổi khi các thương hiệu có điểm chung là đều có xưởng sản xuất, đều là doanh nghiệp nội. Việc của Seedcom là sẽ bổ sung thêm yếu tố công nghệ và tài chính.

Seedcom: Sao moi lang thoi trang
 

Tính đến hiện tại, Juno đang có 94 cửa hàng, Eva de Eva 34 cửa hàng và Hnoss 31 cửa hàng (tăng gần gấp đôi so với trước khi mua lại). Theo nghiên cứu của Seedcom, quy mô ngành thời trang Việt Nam ước tính khoảng 5 tỉ USD vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng khoảng 10% năm, dự kiến sẽ đạt con số 7 tỉ USD vào năm 2023.

Chiến lược của Seedcom

Thị trường thời trang Việt Nam không chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp nội, mà còn là thu hút các thương hiệu ngoại và nhóm này đang chiếm thế thượng phong. Dựa vào yếu tố thương hiệu, sự đa dạng của sản phẩm và chiến lược giá cạnh tranh để lấy thị phần, các thương hiệu ngoại ít nhiều để lại vết thương chí mạng cho nhóm nội.

Các thương hiệu một thời như Blue, PT2000, Sea... mờ nhạt hẳn với các cái tên như Zara, H&M. Gần đây nhất, thương hiệu Uniqlo (Nhật) cũng hâm nóng thị trường thời trang và sẽ sớm công bố ngày gia nhập Việt Nam.

Seedcom cũng không ngồi yên. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở chuỗi và đầu tư mạnh vào công nghệ”, ông Tiến cho biết. Theo ông, các thương hiệu ngoại tập trung tại các thành phố lớn và chủ yếu trong trung tâm thương mại. Tuy nhiên, thói quen người dùng Việt Nam khi mua sắm vẫn thích tiện ích và gần nhà nên việc có cửa hàng gần sẽ kích thích nhu cầu của khách hàng. Thứ đến, xu hướng O2O (truyền thống đến trực tuyến) đang phát triển mạnh ở Việt Nam, điển hình là ngành giao thức ăn đã hình thành và phát triển mạnh mẽ bởi các ứng dụng gọi xe. Nhưng với ngành thời trang, tâm lý trải nghiệm khách hàng vẫn đóng vai trò chủ đạo.

“Vì thế, cửa hàng sẽ trở thành điểm tiếp xúc quan trọng của thương hiệu. Đặc biệt với ngành thời trang thì hình ảnh thương hiệu quan trọng hơn và cửa hàng vẫn là nơi khách hàng tìm kiếm và mở rộng khách hàng cho trực tuyến một cách hiệu quả”, ông Tiến cho biết.

Seedcom: Sao moi lang thoi trang
 

Việc đầu tư mạnh vào công nghệ cũng có lý do. Trước đây, thời trang Việt Nam khó khăn với việc mở hệ thống chuỗi và xây được năng lực quản lý chuỗi. Còn bây giờ khi internet phát triển, hàng Trung Quốc ngày càng nhiều và giá rẻ, thông thường vận chuyển dễ dàng thì việc làm sao để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng đóng vai trò quyết định.

Xu hướng O2O dù chưa thực sự ảnh hưởng đến ngành thời trang nhưng đang dần thay đổi thói quen mua hàng và tiếp cận thương hiệu của khách hàng. Mặt khác, đây cũng là kênh tiếp cận và nắm bắt thị hiếu để phát triển sản phẩm phù hợp. Đây là bài học Seedcom rút ra được từ việc xây dựng chuỗi thời trang Juno. Bằng việc ứng dụng công nghệ, Juno có thể đưa ra thị trường hơn 30 mẫu giày và túi xách mỗi tháng, thời gian quay vòng mỗi mặt hàng là 3 tháng hoặc ít hơn.

 Hệ thống công nghệ tự điều chỉnh số lượng hàng hóa và tự đề xuất chia hàng theo nhu cầu từng khu vực. Bên cạnh đó, nhờ dự đoán được nhu cầu sản phẩm tiêu thụ từ dữ liệu trong hệ thống, năm 2017, Juno tiết kiệm được khoảng 30% chi phí đặt hàng nguyên liệu so với năm 2016 dù sản lượng bán ra cao hơn.

“Đã qua rồi thời kỳ sản xuất hàng loạt và ngành thời trang Việt Nam đã đi đến giai đoạn sản xuất nhanh chóng dựa trên nhu cầu khách hàng, từ đó giảm chi phí hàng tồn kho”, ông Tiến cho biết.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới