Hủy
Kinh Doanh

Thêm giải pháp phát triển sản xuất và hỗ trợ thị trường

Thứ Ba | 23/04/2013 10:11

 

Theo báo cáo về tình hình hoạt động ngành công thương quý I/2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,9%. Tuy nhiên, nhìn vào khó khăn thực tại của lĩnh vực bất động sản cũng như các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng, con số này vẫn chưa phản ánh đúng khó khăn thực tế của doanh nghiệp và thị trường. Theo Phó vụ trưởng vụ kế hoạch, Bộ Công thương Nguyễn Hải Trung, cần có thêm giải pháp giúp giảm hàng tồn kho, phát triển sản xuất, hỗ trợ thị trường.

 Thưa ông, Bộ công thương nhìn nhận thế nào về khó khăn của thị trường từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 3 tháng đầu năm?

Ông Nguyễn Hải Trung: Năm 2012, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ngành công thương đã triển khai nhiều nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm 2013, tuy còn gặp nhiều khó khăn và chịu những tác động của kinh tế thế giới nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,9% so với cùng kỳ, thể hiện sự cố gắng của toàn ngành, nhất là của đội ngũ các doanh nhân Việt Nam. Tình hình hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm ngày 1.3.2013, chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng 16,5%, thấp hơn so với mức tăng 19,9% tại thời điểm 1.2.2013 và thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (lưu ý rằng chỉ số hàng tồn kho cùng thời điểm này năm 2012 tăng 34,9% so với năm 2011)...

Dưới góc độ quản lý nhà nước, vì sao tăng trưởng công nghiệp 3 tháng đầu năm lại đạt thấp như vậy?

Qua số liệu về chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số tiêu thụ và chỉ số hàng tồn kho 3 tháng đầu năm có thể thấy rằng, do nhu cầu tiêu thụ nội địa chậm nên sản xuất và tiêu dùng nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu. Thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục, các công trình xây dựng chưa vào vụ, vì vậy nhiều nhóm hàng có liên quan đến ngành xây dựng như: xi măng, sắt, thép, dây cáp điện, cấu kiện kim loại, khai thác đá, cát sỏi... sản xuất giảm, tồn kho vẫn còn ở mức cao.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường?

Nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm, một số ngành tồn kho vẫn còn cao, do vậy các doanh nghiệp hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất. Để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết hàng tồn kho, Bộ Công thương đã và đang tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, các doanh nghiệp, các Sở Công thương và các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Hai là, theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành, phối hợp tốt với các Hiệp hội trong việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giảm lượng tồn kho, từng bước khôi phục sản xuất.

Ba là, triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 1 nhằm tìm kiếm, mở rộng, khai thông thị trường đầu ra đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản và các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu.

Bốn là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời chủ trương, chính sách của Nhà nước, thông tin chính xác diễn biến thị trường đến người tiêu dùng, nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân cùng các cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát giá cả, không để thông tin sai lệch gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn trong nhân dân. Phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Bộ Công thương đã có những đánh giá về hiệu quả/tác động cụ thể của các giải pháp này chưa?

Các giải pháp đưa ra đang được triển khai thực hiện. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có thời gian. Mặt khác, việc có các giải pháp cũng giúp cho các doanh nghiệp nhận thức được sự đồng hành của Chính phủ và các Bộ ngành cùng với doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Vậy, thưa ông, Bộ Công thương đã tính đến những giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa?

Đối với ngành thép, Bộ sẽ siết chặt kiểm tra việc đầu tư các nhà máy thép, tuân thủ Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, có xét đến năm 2025 đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 694/QĐ-BCT ngày 31.1.2013. Đồng thời, để khắc phục hiện tượng đầu tư các dự án có quy mô nhỏ lẻ, sử dụng thiết bị lạc hậu, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm thép sản xuất trong nước, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ, thiết bị sản xuất gang, thép làm cơ sở để thẩm định và quản lý các dự án sản xuất gang, thép. Dự kiến quý IV/2013 sẽ ban hành.

Đối với lĩnh vực cơ khí, Bộ Công thương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm xe máy và phụ tùng. Bộ Công thương cũng đã kiến nghị với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ và Ngân hàng Nhà nước những giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất như: xem xét, cho phép các doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ ngày 10/5/2012 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm lãi suất vay vốn lưu động từ năm 2011 đến nay, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp nâng hạn mức vay và kéo dài thời hạn vay cho các doanh nghiệp còn nhiều hàng tồn kho chậm luân chuyển; cho phép các doanh nghiệp được giãn thời gian nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời không phải chịu phạt đối với số thuế nộp chậm (tính đến nay).

Vậy, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường trong thời gian tới của Bộ Công thương là gì thưa ông?

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề ra. Đồng thời, tổ chức họp giao ban trực tuyến hàng quý của ngành công thương, đánh giá quá trình triển khai, thực hiện và bổ sung, đề xuất, kiến nghị các giải pháp mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo Bộ Công thương, Chính phủ/các bộ, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào mới cho hiệu quả thiết thực trong thời gian tới?

Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối hài hòa giữa yêu cầu xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu; tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu; tạo ra sự thuận lợi trong việc đi vay từ các tổ chức tín dụng để tăng lượng hàng hóa xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp; kịp thời phản hồi những khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Tăng cường phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng để kịp thời nắm bắt tình hình và phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Xem xét, đề xuất việc tiếp tục phân cấp quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, hoạt động cụ thể cho các Sở Công thương để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chung của Bộ và của ngành công Thương, hỗ trợ tốt hơn cho các địa phương và doanh nghiệp trong các hoạt động phát triển sản xuất và thương mại.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Đại biểu Nhân dân)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới