Hủy
Kinh Doanh

Thị trường gạo thế giới tuần 16-20/6

Chủ Nhật | 22/06/2014 05:00

Giá trung bình gạo trắng toàn cầu đạt 463 USD/tấn, tăng 1 USD/tấn so với tuần trước, 9 USD/tấn so với tháng trước, nhưng giảm 19 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
 

Chỉ số gạo trắng Oryza – mức giá trung bình gạo trắng toàn cầu – kết thúc tuần 16-20/6 đứng ở 463 USD/tấn, tăng 1 USD/tấn so với tuần trước đó, tăng 9 USD/tấn so với tháng trước nhưng giảm 19 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán sản lượng gạo trắng toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục 480,7 triệu tấn trong năm 2014-2015, tăng nhẹ so với năm 2013-2014. Hơn nữa, USDA cũng ước tính thương mại gạo trắng toàn cầu năm 2015 sẽ đạt kỷ lục 41,5 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2014. Sản lượng trung bình toàn cầu sẽ đạt 4,44 tấn/ha trong năm 2014-2015, tăng nhẹ so với năm trước đó.

Tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2014-2015 cũng được dự đoán phá kỷ lục khi đạt 482,2 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2013-2014. Trữ lượng gạo toàn cầu năm 2014-2015 ước đạt 110,7 triệu tấn.

Thái Lan

Tuần qua, gạo Thái Lan không được chào bán trên thị trường quốc tế do chính quyền quân sự tạm dừng xuất khẩu gạo và tiến hành kiểm tra kho dự trữ. Giá gạo 5% tấm Thái Lan trước đó có giá 385 USD/tấn.

Chính quyền quân sự (Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia - NCPO) đã tạm dừng hoạt động giao gạo và tiến hành kiểm tra 1.800 kho dự trữ sau khi Bộ Tài chính nước này cho biết 2,9 triệu tấn gạo “mất tích” khỏi kho dự trữ. Bộ Thương mại bác bỏ điều này và cho rằng gạo đang trên đường vận chuyển đến kho.

Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC) đã hoàn thành việc thanh toán toàn bộ số nợ đọng cho người trồng lúa sớm 5 ngày so với kế hoạch. Ngoài ra, chính phủ quân sự cũng đã thông báo khoản trợ cấp nông nghiệp 3.125 baht (96 USD)/ha và khoản tín dụng ưu đãi trợ giúp nông dân trồng lúa trong niên vụ 2014-2015.

Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) đã bày tỏ mối lo ngại về tình trạng thiếu lao động và nguồn cung gạo giảm sẽ khiến giá xuất khẩu gạo tăng lên.

Ấn Độ

Gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá 440 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, tăng 15 USD/tấn so với tháng trước nhưng giảm 5 USD/tấn so với năm ngoái.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong năm nay và Hiệp hội xuất khẩu gạo toàn Ấn cho rằng có 3 lý do mang lại thành công của nước này: chất lượng gạo basmati đứng hàng đầu thế giới, diện tích trồng lúa cao nhất thế giới (7 triệu ha) và gạo non-basmati có giá cả cạnh tranh.

Chính phủ Ấn Độ sẽ bán ra 5 triệu tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia để ngăn ngừa tình trạng giá tăng do nguồn cung thấp.

Việt Nam

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 410 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tuần trước đó và tháng trước, và tăng 30 USD/tấn so với năm ngoái.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ 1/1 đến 12/6/2014, Việt Nam xuất khẩu được 2,605 triệu tấn gạo, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2013. Giá xuất khẩu trung bình đạt 433 USD/tấn (FOB), tăng 2 USD/tấn so với năm ngoái.

Việt Nam đã ký hợp đồng bán 200.000 tấn gạo cho Malaysia, theo Reuters.

Pakistan

Gạo 5% tấm của Pakistan được bán với giá 445 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước, nhưng tăng 20 USD/tấn so với tháng trước, và giảm 15 USD/tấn so với năm ngoái.

Cơ quan Vũ trụ quốc gia Pakistan (SUPARCO) ước tính sản lượng gạo của nước này năm tài chính 2013-2014 (từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2014) đạt khoảng 7 triệu tấn với diện tích gieo trồng 2,879 triệu ha, năng suất ước tính khoảng 2,5 tấn/ha.

USDA ước tính Pakistan sản xuất khoảng 6,6 triệu tấn gạo năm 2013-2014, tăng lên 6,7 triệu tấn năm 2014-2015.

Brazil

Chỉ số lúa gạo của Brazil mà Trung tâm nghiên cứu về Kinh tế học ứng dụng (CEPEA) theo dõi đạt 36,49 real/50 kg tính đến 16/6/2014, giảm nhẹ so với 36,74 real/50 kg ghi nhận vào 9/6/2014. Tính theo đơn vị USD, chỉ số này đạt 327 USD/tấn vào 16/6/2014, giảm 0,3% từ 328 USD/tấn ngày 9/6/2014.

Gạo 5% tấm nhập khẩu từ Uruguay và Argentina được chào bán với giá 625 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, tháng trước và năm ngoái.

Mỹ

Giá gạo 4% tấm của Mỹ được bán với giá 580 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng giảm 5 USD/tấn so với tháng trước và giảm 35 USD/tấn so với năm ngoái.

Giá gạo giao tháng 6-7 tăng lên 347 USD/tấn trong tuần và duy trì ở mức này mặc dù hầu hết các thương nhân đang bán ra với giá ít nhất 355 USD/tấn. Giá chào của các nhà xuất khẩu biến động trong suốt tuần và giảm xuống 336 USD/tấn vào cuối tuần.

Giá gạo giao tháng 7 tại sàn Chicago hồi phục hồi đầu tuần đạt 320 USD/tấn vào sáng thứ 2 và đạt 328 USD/tấn hôm thứ 5 trước khi giảm xuống 323 USD/tấn hôm thứ 6.

Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) đã tiến hành nghiên cứu khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành lúa gạo Mỹ theo yêu cầu của Đại diện thương mại Mỹ, Ủy ban Hạ viện về Tài chính và Thuế vụ.

Một số thị trường khác

Đài Loan sẽ mở thầu toàn cầu mua 1.000 tấn gạo nếp giao vào 10/11 năm nay.

Công ty Hậu cần Indonesia BULOG sẽ bán gạo chất lượng trung bình từ kho dự trữ trong một nỗ lực kiềm chế giá trước tháng Ramadan.

Trong một diễn biến khác, FAO ước tính nhập khẩu gạo trắng của Indonesia năm 2014 sẽ đạt 1,1 triệu tấn, tăng 60% so với năm ngoái.

Cục Lương thực quốc gia Philippines (NFA) dự đoán giá gạo trong nước sẽ tăng 5% (45 USD/tấn) trong vụ giáp hạt 2014 (từ tháng 7 đến tháng 9). NFA cho rằng giá tăng chỉ mang tính tạm thời và sẽ ổn định trở lại khi vụ thu hoạch bắt đầu vào tháng 9.

Mặc dù là nước nhập khẩu ròng gạo, nhưng Philippines đang giành được thị trường gạo chất lượng cao Cordillera – được trồng tại ruộng bậc thang Cordilleras, di sản thế giới được UNESCO công nhận. Philippines đã xuất khẩu được 15 tấn gạo Cordillera sang thị trường Mỹ trong năm 2014.

Theo số liệu của Cục Hải quan Iran, trong 2 tháng đầu năm 2014-2014 theo lịch Iran, nước này đã nhập khẩu 196.600 tấn gạo, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2013-2014.

Gạo 5% tấm của Campuchia đang được bán với giá 440 USD/tấn, tăng 45 USD/tấn so với tuần trước và tháng trước. Xuất khẩu gạo của Campuchia đang giảm do nhu cầu tại các nước nhập khẩu giảm và giá giảm tại Việt Nam và Thái Lan.

Theo Bộ Nội thương và Hợp tác xã Sri Lanka (MCIT), nước này sẽ nhập khẩu khoảng 100.000 tấn gạo để kiềm chế giá trên thị trường nội địa và đảm bảo nguồn cung.

Nguồn Theo DVO/Gafin


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới