Hủy
Kinh Doanh

Thiếu năng lượng, Việt Nam có thể phải nhập khẩu 50% vào năm 2035

Sơn Mai Thứ Tư | 22/07/2020 17:30

Thủy điện Sơn La. Ảnh: VnExpress

Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu là rất lớn, do đó cần phải có chiến lược tự chủ.
 

Từ xuất khẩu chuyển sang nhập khẩu

Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng từ năm 2015 với mức độ nhập khẩu tăng khá nhanh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, chia sẻ. Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn và tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu sẽ khoảng 33-37% vào năm 2025 và lên đến 50-58% vào năm 2035.

Chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm những nguồn năng lượng bổ sung, ổn định còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Hiện Việt Nam cũng chưa xây dựng được chiến lược về nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài…

Ảnh:Reuters
Ảnh: tapchicongthuong

Hiện tại, trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt, hầu hết mỏ đã được khai thác trong thời gian dài và đang ở giai đoạn cuối với sản lượng giảm tự nhiên 15-30% mỗi năm. Trong khi, than có trữ lượng và tài nguyên còn lớn nhưng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành nên khó cạnh tranh với các nguồn than nhập khẩu. Khai thác than và khí tự nhiên đều đối mặt với chi phí khai thác tăng cao, khả năng khai thác hạn chế, trong khi việc định giá lại chưa thực sự hợp lý. Do đó, mức độ tăng than và khí nhập khẩu trong thời gian tới sẽ là sức ép đối với tỷ lệ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu trong cung cấp năng lượng sơ cấp.

Về cung cấp xăng dầu, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động sẽ làm giảm lượng xăng dầu nhập khẩu nhưng lại tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô. Nguồn điện đang nguy cơ cao trong trung và dài hạn. Việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do một số nguồn điện tuy đã được khởi công xây dựng nhưng đưa vào vận hành chậm, công suất dự kiến ở mức khá thấp so với quy hoạch.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá lượng tiêu thụ năng lượng trên đầu người ở Việt Nam còn rất thấp so với thế giới nhưng cường độ năng lượng (tiêu thụ năng lượng trên GDP tính theo USD) lại gấp đôi so với chỉ số chung của thế giới và APEC. Theo ông Bình, cần coi phát triển năng lượng là trọng tâm trong các bản chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mang tính chất chiến lược đặc biệt quan trọng và chuẩn bị sẵn sàng cho bước chuyển đổi sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo.

Năng lượng tái tạo còn thiếu

Nhiều chuyên gia cho rằng nguồn năng lượng tái tạo còn nhiều bất cập. Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết do được khuyến khích, điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ. Cả nước đã có 5.000 MW điện mặt trời và 1.000 MW điện gió. Dự kiến 1-2 năm tới, khoảng 3.000-5000 MW điện gió sẽ được vận hành.

Ông Dũng cũng đưa ra những bất cập, năng lượng tái tạo phát triển mạnh nhưng quy mô lớn còn hạn chế. Lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Ảnh:
Ảnh: TL

Cũng theo ông Dũng, chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo không được áp dụng trong thời gian dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thông qua cơ chế đấu thầu, chưa có nghiên cứu tổng thể phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Hiện năng lượng tái tạo còn hạn chế, vẫn chưa thay thế hiệu quả được các nguồn điện phổ biến hiện nay như điện than “1.000 MW năng lượng tái tạo chỉ thay thế được 300-350 MW điện than”, ông Dũng nói.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 5 tháng đầu năm, sản lượng điện than vẫn chiếm 59-60% tổng công suất cả nước. Trong khi đó, năng lượng tái tạo hiện nay còn phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện.

 

Hiện Việt Nam đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới.

Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, năng lượng tái tạo phải đối mặt thách thức lớn. Bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. 

Ông cho rằng nguồn năng lượng này là xu thế chung trên thế giới. Trong đó, thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới sẽ tháo gỡ khó khăn, hóa giải điểm nghẽn cho phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới