Thương mại điện tử: Cửa hẹp cho doanh nghiệp Việt?
→Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhất thế giới
→Tiki.vn vừa gọi thêm vốn 1.000 tỉ đồng?
Không còn trong thế giằng co như hằng năm, nhóm doanh nghiệp thương mại điện tử bán lẻ (theo mô hình marketplace) nước ngoài đang ngày càng lấn lướt nhóm nội bằng cách tạo ra các rào cản gia nhập ngành tốn kém chưa từng có.
Ngoại lấn lướt, nội co cụm
Mùa mua sắm cuối năm là dịp các công ty thương mại điện tử cạnh tranh thu hút người sử dụng và nhóm ngoại đã tận dụng rất tốt thời điểm này để phô diễn tiềm lực tài chính của mình. Vẫn như mọi năm, Lazada Việt Nam là đơn vị đầu tiên kích hoạt mùa mua sắm cuối năm. Với mục tiêu tăng gấp 5 lần doanh thu so với ngày thường, Lazada Việt Nam đem tới hơn 150.000 sản phẩm khuyến mãi giá sốc kéo dài từ ngày 9-11.11.2017. Tất cả các đơn hàng có khối lượng dưới 6kg đều được giao miễn phí trong những ngày này.
Bên cạnh đó, Lazada Việt Nam cũng công bố việc đã đưa thêm 4 trung tâm xử lý đơn đặt hàng mới vào hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng “nghẽn” đơn hàng như những năm trước. Nhưng điểm đặc biệt trong năm nay là lần đầu tiên, Lazada Việt Nam đưa ra chương trình giảm 50% chiết khấu cho người bán hàng trên nền tảng này. Chương trình cũng không công bố thời hạn ngừng áp dụng.
Động thái hỗ trợ giao hàng và giảm chiết khấu của Lazada Việt Nam là nhằm đối phó với sự lớn mạnh của Shopee Việt Nam. Dù mới gia nhập thị trường được 2 năm, nhưng Shopee Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng với nhiều chính sách hỗ trợ người bán và người mua. Chẳng hạn, đối với người mua, đơn vị này hỗ trợ giao hàng miễn phí, không thu tiền thu phí hộ. Còn đối với người bán, bên cạnh không thu phí, Shopee Việt Nam còn đưa ra các chương trình huấn luyện kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng… miễn phí.
“Chúng tôi chưa có kế hoạch ngừng hỗ trợ người bán và người mua trong thời gian tới”, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Tài chính và Vận hành của Shopee Việt Nam, nói.
Trước đây, Shopee Việt Nam là nền tảng C2C (khách hàng với khách hàng) thì nay họ đã mở thêm dịch vụ Shopee Mall để thu hút nhóm doanh nghiệp có thương hiệu. Năm nay, Shopee Việt Nam cũng tham gia mùa khuyến mãi cuối năm với hơn 100.000 sản phẩm, kỳ vọng tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng so với ngày thường.
Với việc Sea (công ty mẹ của Shopee Việt Nam) vừa IPO ở Mỹ thu về hơn 800 triệu USD, công ty này càng tự tin bước tiếp ở Việt Nam. Trong 2 tháng qua, Shopee đầu tư rất mạnh vào quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Từ gã tân binh ngày nào, Shopee Việt Nam hiện được xem là đối thủ đáng gờm không kém gì Lazada Việt Nam.
Trước sức ép của doanh nghiệp ngoại, các đại diện của nhóm nội gồm Sendo.vn, Zalo.vn và Tiki.vn có những động thái khác nhau. Sendo.vn, Zalo.vn chọn giải pháp im lặng, nhưng Tiki.vn thì không. Trong đợt này, Tiki.vn chuẩn bị 3.000 ưu đãi với mức giảm 50% qua hình thức flash sale, hỗ trợ giao hàng miễn phí cho các hóa đơn trên 111.000 đồng và giao hàng trong vòng 2 tiếng cho các đơn hàng trên 599.000 đồng. Đối với người bán, Tiki.vn miễn phí toàn bộ hoa hồng từ ngày 9-12.11. Đại diện Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng gấp 3 lần trong đợt này.
Tiki.vn đã quyết định chọn Ngọc Trinh làm KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) cho chiến dịch lần này. Dù Ngọc Trinh cũng khá thành công với các chiến dịch quảng cáo có cô tham gia nhưng trong lĩnh vực thương mại điện tử thì chưa thể kết luận, vì sự thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn hàng, chính sách hỗ trợ cho người bán và người mua. Đây là theo luật chơi mà Lazada Việt Nam và Shopee Việt Nam đang thiết lập.
Rào cản triệu USD
Dù có phần yếu thế hơn nhưng khó trách Tiki.vn vì thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị bóp méo bởi các doanh nghiệp ngoại trường vốn. Kể từ khi nhận gần 400 tỉ đồng đầu tư của VNG hồi năm 2016, Tiki.vn đã đầu tư nhiều vào hạ tầng, kho bãi và nhân lực. Một số nguồn tin cho biết đơn vị này đang ngồi vào vòng đàm phán với Amazon.com (Mỹ) hoặc JD.com ( Trung Quốc), mà nhiều khả năng là JD.com. Đây là hai đơn vị mà mô hình hoạt động của Tiki.vn hiện gần gũi nhất.
Còn lại, trừ Zalo.vn vẫn là dự án chiến lược của VNG, sự tồn tại của nhóm nội trong thời gian tới cũng rất bấp bênh trước sự lấn lướt của nhóm ngoại.
Trong mô hình phân tích doanh nghiệp SWOT, có nhắc đến một yếu tố là thách thức hay rào cản gia nhập ngành, mà cuộc đua giành thị trường của Lazada Việt Nam và Shopee Việt Nam đang tạo ra một rào cản quá lớn cho nhóm nội.
Theo đó, nếu như Lazada Việt Nam tạo rào cản bằng chi phí đầu tư rất lớn vào quảng cáo để thu hút người sử dụng thì Shopee Việt Nam rất chịu chi cho việc hỗ trợ giao nhận và phí thu hộ. Dĩ nhiên, cả hai không bao giờ tiết lộ số tiền đầu tư cho quảng cáo lẫn giao hàng ở Việt Nam.
Nhưng số liệu gần đây cho thấy nó “khủng” như thế nào. Theo báo cáo Sea nộp lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), 3 tháng đầu năm 2017, trung bình một ngày Shopee có 30.000 đơn hàng. Cứ mỗi đơn hàng Shopee Việt Nam hỗ trợ 50.000 đồng tiền giao hàng và 30.000 đồng tiền phí thu hộ.
Không phải đơn hàng nào cũng đạt điều kiện hỗ trợ, nhưng chỉ cần 50% số đơn hàng đạt tiêu chuẩn thì chi phí hỗ trợ của Shopee đã lên đến hàng chục tỉ đồng. Và với đà tăng trưởng hiện nay, số tiền VNG rót vào Tiki.vn hồi đầu năm 2016 chỉ đủ cho Shopee Việt Nam “giao hàng” trong 6-12 tháng.
Để cạnh tranh và tồn tại, nhóm doanh nghiệp nội cần sự tiếp sức từ các nhà đầu tư nước ngoài nhưng chính các rào cản chi phí mà Shopee Việt Nam và Lazada Việt Nam tạo ra cũng khiến không ít nhà đầu tư phải chùn tay.
Tương tự, các thị trường ngách như nông sản, đặc sản của sandacsan.com (Viettel) hay badasan.com.vn (VNPost) cũng khó tạo được dấu ấn trên thị trường nếu không phá vỡ các rào cản nói trên. Phải chăng lĩnh vực thương mại điện tử đã không còn dành cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trần Chung
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Lam Hồng