Hủy
Kinh Doanh

Tránh căng thẳng thương mại với Mỹ

Kim Minh Thứ Hai | 15/01/2018 09:00

Việt Nam và Mỹ đang có hồ sơ khiếu nại lẫn nhau tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
 

→Việt Nam khiếu nại lên WTO việc Mỹ áp thuế với cá phi lê xuất khẩu

Theo Reuters, hồ sơ đệ trình phía Mỹ gửi cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/1 cho thấy Mỹ đã thông báo cho WTO về 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Theo Mỹ, các doanh nghiệp này cần được đăng ký là doanh nghiệp thương mại nhà nước theo quy tắc thương mại toàn cầu.

Theo đó, Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam), công ty con là Tổng công ty Dầu (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco/SKYPEC) là các doanh nghiệp lẽ ra phải khai báo là doanh nghiệp thương mại nhà nước theo quy định của WTO. Danh sách này cũng bao gồm Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Hoa Kỳ cho biết, nước này thông báo cho WTO vì Việt Nam đã không khai báo. Trước đó, Việt Nam đã thông báo với WTO về hai doanh nghiệp thương mại Nhà nước vào tháng 4/2016. Điều này khiến Hoa Kỳ đặt câu hỏi về các doanh nghiệp khác của Việt Nam.

Tháng 10 năm ngoái, Việt Nam trả lời rằng hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được cổ phần hóa và hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, nên sẽ không có được những ưu đãi như trước đó.

"Không lâu sau khi Việt Nam đưa ra câu trả lời, Hoa Kỳ đã tìm hiểu độc lập và dựa trên những thông tin công khai, Mỹ xác định rằng vẫn còn một số doanh nghiệp Nhà nước mà Việt Nam chưa đăng ký doanh nghiệp thương mại Nhà nước", hồ sơ đề trình của Mỹ cho biết.

Trước đó, Hoa Kỳ cũng từng có hành động tương tự đối với các công ty Trung Quốc được cho là cạnh tranh không công bằng do có mối liên hệ với Chính phủ.

Các chuyên gia đánh giá đây là một động thái “bất thường”, có thể nằm trong chuỗi phản ứng qua lại liên quan đến việc Mỹ áp thuế nặng lên một số sản phẩm nhập từ Việt Nam gần đây.

Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ quyết định đánh thuế lên các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, thép cuộn lạnh của Việt Nam sẽ chịu mức thuế 531%, trong khi thép không gỉ sẽ bị đánh thuế 238%, mức thuế được cho là “hơn mức cần thiết” để chặn các sản phẩm trên đi vào thị trường Mỹ.

Ngoài sắt thép, Việt Nam còn bị Mỹ áp thuế nặng lên một số sản phẩm thủy sản. Ngày 12/1, một ngày sau khi Mỹ tố Việt Nam ở WTO, Việt Nam cho biết đã đệ đơn khiếu nạn lên WTO về việc Mỹ đánh thuế theo kiểu “trừng phạt” lên mặt hàng cá phi lê của Việt Nam. Việt Nam cho rằng Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO trong cách áp thuế khi cho rằng mặt hàng này đang được "bán phá giá hoặc với giá rẻ một cách không công bằng trên thị trường Mỹ".

Tranh cang thang thuong mai voi My
Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Liên Hiệp Quốc đã có định nghĩa rõ ràng về "doanh nghiệp nhà nước". Theo đó, một công ty được xếp là doanh nghiệp nhà nước khi có trên 50% cổ phần thuộc về nhà nước. Hoặc Nhà nước sở hữu dưới 50% cổ phần nhưng lại có rất nhiều quyền kiểm soát, chỉ định việc điều hành, quản lý thì công ty đó cũng được xem là doanh nghiệp nhà nước.

Nếu vi phạm về cách xác định "doanh nghiệp nhà nước" có thể gây tác động tiêu cực lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang ra thị trường quốc tế, chẳng hạn như bị tăng thuế nhập khẩu.

Cảnh báo này Việt Nam hết sức lưu ý vì Bloomberg cho rằng một số quốc gia châu Á như Việt Nam có thể trong tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại và một trong các lý do là các nước này hưởng thặng dư trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, thương mại hai chiều hằng năm Việt - Mỹ đã tăng từ 500 triệu USD lên 45 tỷ USD.

Trong năm 2017, một điều chưa từng có trong quan hệ Việt - Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 là chỉ trong một năm có hai chuyến thăm cấp cao. Tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là vị lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đi thăm Mỹ và Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm vào tháng 11.

Lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư đang trở thành động lực để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Việt Nam đang triển khai thỏa thuận trị giá trên 20 tỷ USD đã đạt được trong hai chuyến thăm cấp cao và Việt Nam cũng phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp của Mỹ.

Theo Bloomberg, thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng của nền kinh tế Việt Nam, và xuất khẩu sang Mỹ tăng gấp đôi kể từ năm 2010 vì nhiều nhà máy của Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam vì nguồn nhân công rẻ.

Nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Murray Hiebert cho biết: “Mỹ đúng là có thâm hụt mậu dịch thương mại lớn với Việt Nam, nhưng đồng thời Việt Nam cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất cho các mặt hàng của Mỹ ở châu Á. Những năm qua, khối lượng hàng hóa Việt Nam mua của Mỹ đang gia tăng". Tuy nhiên, ông này cho rằng thương mại Việt Nam vẫn còn nhỏ so với các nước mà chính quyền Donald Trump "ưu tiên" giải quyết như Mexico, Trung Quốc, Canada...


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới